Browsing Tag:

tập thở

Uncategorized

THỞ BỤNG – BÀI TẬP THỞ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

THỞ SÂU CÒN LÂU MỚI BỆNH

Thở là một hoạt động rất thú vị!

Chúng ta thở khi mình không nghĩ gì và thường quên mất hơi thở đang diễn ra, sự sống đang diễn ra.

Bạn biết không, thở là một hoạt động vừa mang tính chủ động vừa mang tính thụ động của cơ thể.
Thật may mắn, nếu để cho con người chịu trách nhiệm với hơi thở của họ thì chắc chúng ta không sống được lâu, do chúng ta sẽ làm náo loạn nó mất.
Chính vì điều đó, toàn bộ các hoạt động sống còn và quan trọng nhất của cỗ máy cơ thể đều diễn ra Tự Động.

Kể cả khi chúng ta không suy nghĩ hơi thở vẫn diễn ra, nhưng ngược lại chúng ta hoàn toàn có thể chủ động để thay đổi và điều khiển hơi thở.

Bạn không thể chủ động ý thức để bảo tim đập nhanh hơn. Nhưng bạn có thể chủ động để làm ngắn hay dài hơi thở.

Trong bài viết này Huyền sẽ giới thiệu về Kĩ thuật Thở bụng (còn gọi là Thở Cơ Hoành)

Nếu như các bài tập thở đều vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một sức khỏe toàn diện, khỏe cả cơ thể và khỏe cả ở tinh thần, thì bài tập đầu tiên và cơ bản nhất bạn cần nắm bắt chính là Thở Bụng này.

Thở Bụng là gì?

Đây là phương pháp hít thở căn bản nhất trong tất cả các phương pháp thở, đặc biệt trong các phương pháp hít thở của Yoga. Nó gần như là tiền đề, là bước ‘chuẩn bị’ đầu tiên khi quay về với tập luyện hơi thở.

Nếu bạn mới bắt đầu quan tâm đến Hít thở, hãy bắt đầu tập luyện với Thở Bụng.
Thở bụng không xa lạ, mà nó là cách hết sức tự nhiên của con người. Nó là bản năng thở có sẵn của bạn và không đòi hỏi phải nỗ lực gì. Bạn có thể nhìn trẻ em và quan sát các em bé khi hít thở chúng không cần phải nỗ lực hay cố gắng, bụng chúng phập phồng theo hơi thở.

Tại sao là bản năng nhưng giờ lại phải tập luyện?

Chúng ta sinh ra đã có cơ chế thở bụng. Nhưng vì một vài lí do, chúng ta quên mất điều đó và đánh mất hơi thở tự nhiên của mình, đây là 2 lý do chính Huyền nghĩ là nguyên nhân:
– Lối sống gấp gáp và căng thẳng khiến sự tập trung dồn hết lên khu vực đầu, dần quên mất liên kết với các phần bụng và phía dưới cơ thể.
– Niềm tin và đòi hỏi về ngoại hình từ xã hội cho một cái Bụng Eo thon nhỏ, mặc đồ bó, khiến chúng ta hình thành thói quen hóp bụng, dần dần bụng không còn được tự nhiên thư giãn
Khi đã quen với việc chỉ hít thở tới ngực và thở nông, khi tập thở bụng trở lại rất nhiều người thấy nó sai sai và ngược.

Thở bụng có rất nhiều ý nghĩa và rất nhiều lợi ích

– Việc sử dụng và tập luyện quay trở về với hơi thở bụng sẽ giúp chúng ta kết nối được với vùng trung tâm của cơ thể, kết nối được với cơ thể và tâm trí của mình, tăng ý thức về cơ thể và tâm trí.
– Hơi thở bụng cũng giúp chúng ta điều hòa được tâm trí giúp chúng ta cân bằng hơn tĩnh tại hơn, bình yên hơn
– Giúp tăng ôxy và dưỡng chất đến khắp các tế bào, tăng lưu lượng dưỡng chất vận chuyển truyền khắp cơ thể giúp cho toàn bộ cơ thể và các tế bào được nuôi dưỡng tốt hơn
– Giúp ngăn chặn được stress, giảm căng thẳng, cân bằng hệ thần kinh, giúp tâm trí thư giãn từ đó cơ thể được thư giãn điều này
– Giúp cảm giác đầy đủ và bớt ham muốn hơn (do được nạp năng lượng tốt sau khi thở).

Tập Thở Bụng khi nào?

Bạn hoàn toàn có thể tập thở bụng mọi lúc mọi nơi không cần phải lưu ý hay thận trọng gì. Cũng đừng lo lắng thở bụng sẽ làm bụng bạn to ra, điều đó là không đúng, kể cả bạn có hóp bụng thì bụng bạn đâu có nhỏ đi và cơ thể bạn lại thêm phần căng thẳng. Siết cơ vùng bụng khác với hóp bụng, chủ đề này Huyền sẽ phải chi tiết ở bài khác.

Những ai nên Thở bụng?

Tất cả mọi đối tượng, không phân biệt già trẻ lớn bé nam nữ, có bầu hay cho con bú, đi lại được hay nằm một chỗ…đều cần thở bụng. Đặc biệt cần thiết với những đối tượng không nạp được năng lượng qua đường ăn uống bằng lý do nào đó, thì tập thở sẽ giúp nạp năng lượng cho cơ thể nhanh chóng.

Kĩ thuật tập Thở bụng

Mời bạn xem video hướng dẫn cho kĩ thuật tập Thở Bụng ở 2 tư thế: Nằm và Ngồi.

Nếu bạn yêu thích các video của Huyền, hãy subscribe kênh để nhận thông báo video mới ra hàng tháng.

Yêu thương,

Uncategorized

TẬP THỞ SÂU 5 PHÚT MỖI NGÀY – TRÀN ĐẦY NĂNG LƯỢNG VÀ THANH LỌC CƠ THỂ

Nếu có một thói quen chỉ mất 5 phút mỗi ngày mà khiến bạn thấy tràn đầy năng lượng, tỉnh táo, minh mẫn, cơ thể được thanh lọc và sảng khoái, bạn có muốn hình thành thói quen đó không?

Chúng ta đang ở những ngày đầu tiên của năm Đinh Dậu, và bắt đầu tháng thứ 2 của năm 2017, vào thời điểm khởi đầu của một năm này mình thường đặt ra 1 thay đổi mình mong muốn và sẽ cố gắng thực hiện thay đổi đó – gọi là resolution cho năm mới hay gì cũng được. Chỉ cần 1 thôi cũng được. Nhưng là thay đổi mình phải thực hiện và quyết thực hiện đến cùng. Và đương nhiên để dễ hoàn thành nhiệm vụ, mình thường chọn một thói quen vô cùng đơn giản để xây dựng.

Năm nay mình chia sẻ thay đổi của mình tới các bạn nhé. Đây cũng là bài thực hành rất cơ bản mình muốn tặng tất cả các bạn. Bởi vì mọi thay đổi lớn đều bắt đầu từ những bước đi rất nhỏ, mặc kệ các bạn có những kế hoạch to tát đến đâu, hãy cùng mình thực hiện thói quen 5p mỗi ngày này ít nhất trong 21 ngày tới nhé. Tại sao lại là 21 ngày? Vì theo một nghiên cứu khoa học nào đó (đọc đâu đó nhưng quên rồi), con người mất 21 ngày để một thói quen được hình thành. Sau đó thói quen sẽ trở thành một phần của cuộc sống và trở nên tự nhiên như chính con người mình, việc thực hiện nó không còn mất công hay nỗ lực nữa.

BÀI TẬP THỞ SÂU LẤY NĂNG LƯỢNG

Có phải nền tảng của sức khỏe chính là hệ thống mạch máu chảy trong cơ thể của chúng ta? Chính dòng máu chảy khắp cơ thể vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng tới mọi tế bào trong cơ thể. Nếu vậy juice đi thẳng tới mạch máu của ta mang theo một lượng cao vitamins khoáng chất và các chất chống oxy hóa, vì vậy mang lại lập tức cảm giác năng lượng chảy trong cơ thể cho người uống.

Tuy nhiên không phải ai cũng tiếp cận và có thời gian để ép rau củ quả mọi lúc mọi nơi.

Các bài tập thở thì khác.

Hơi thở là cách chúng ta cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể, từ đó mang lại năng lượng cho từng tế bào. Và hơi thở tồn tại mọi lúc mọi nơi với ta.

Con người trong hàng ngàn năm đã kiến lập được rất nhiều kĩ thuật để kiểm soát hơi thở, bởi người ta tin rằng, kiểm soát được hơi thở nghĩa là kiểm soát được nguồn năng lượng sống.

Với những người tập yoga, các bài tập thở (được gọi là pranayamas: prana nghĩa là năng lượng của sự sống, ayama nghĩa là mở rộng, phát triển ) đã được phát triển và chau chuốt qua hàng ngàn năm là một phần không tách rời cùng với các chuyển động về cơ thể, được biết đến với những lợi ích to lớn, chìa khóa cho năng lượng và sức sống của người thực hành.

Các bài tập thở và biến thể thì rất nhiều, ở rất nhiều môn phái chứ không chỉ trong yoga. Tuy nhiên thường dân như mình (và nếu các bạn giống mình hehe), bỏ qua rất nhiều các tầng lớp thông tin xung quanh chủ đề này, ở thể cơ bản nhất, thực hành tối thiểu nhất, chuẩn vừa vừa thôi cũng được không cần hoàn hảo, đảm bảo chúng ta sẽ nhận thấy tức thì các lợi ích cho tâm trí và sức khỏe.

BHASTRIKA PRANAYAMA – BÀI TẬP THỞ BHASTRIKA

Mình chọn bài tập thở Bhastrika vì sự đơn giản của nó khi ở mức độ cơ bản cho người mới tập thở. Bhastrika Pranayama là một bài tập thở sâu quan trọng trong yoga, là bài tập thở ‘thần thánh’ giúp tăng cường năng lượng và các Prana-nguồn sống cho cơ thể với danh sách các lợi ích nó đem lại dài hàng trang giấy (bao gồm cả giảm cân tiêu mỡ lành mạnh do nó giúp thúc đẩy metabolism-quá trình chuyển hóa của cơ thể và thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn).

HƯỚNG DẪN BÀI TẬP THỞ BHASTRIKA CƠ BẢN:

  • Để thực hành bài tập thở này bạn nên ngồi trong một tư thế thoải mái. Đứng hay nằm cũng được nhưng ngồi là tốt nhất vì khi đó bạn dễ tập trung hơn.
  • Kéo dài cột sống lên, thẳng lưng, kéo dài cổ và nhẹ nhàng đưa cằm hơi về sau. Lúc này cột sống sẽ thẳng hàng với phía sau đầu.
  • Đặt tay lên đầu gối của bạn. Có thể úp 2 bàn tay ôm lấy đầu gối, hoặc cũng có thể ngửa 2 bàn tay lên, chạm ngón cái vào ngón trỏ tạo thành hình tròn.Thư giãn cơ bụng. Nhắm mắt lại (hoặc mở mắt cũng được)
  • Bây giờ bắt đầu hít thở mạnh qua mũi tạo ra tiếc thở nghe thấy được, hít khí sâu vào bụng, bụng phồng lên, cơ hoành kéo xuống, nở rộng hai bên thành bụng. Hơi thở cần được bơm đầy cả phần dưới của phổi, xuống tới cơ hoành. Sau đó thở ra với lực tương tự, thời gian tương tự như hít vào. Mỗi nhịp thở hít vào khoảng 1s một nhịp và thở ra cũng 1s, dần dần khi tập quen và nâng cao mức độ, bạn sẽ tăng tần suất hơi thở, mỗi nhịp thở nhanh hơn, mạnh hơn. Với bài tập này ta cần đặt chú ý đồng đều tới cả việc hít vào và thở ra. Tất cả hơi thở đều sâu và mạnh mẽ, cố gắng thiết lập một nhịp điệu đều đặn. Không giữ hơi thở trong quá trình tập.

Làm một vòng 10 lần và sau đó hít sâu, giữ hơi thở của bạn trong 1-5 giây và sau đó thở ra hoàn toàn. Như vậy bạn đã hoàn thành 1 vòng tập. Trở lại hơi thở bình thường để nghỉ khoảng 15s. Có thể lặp lại và thực hiện 5 vòng tổng cộng, tùy theo sức. Bài tập này cần được kéo dài ít nhất 2 phút và tối đa 5 phút. Trong những ngày trời nóng, chỉ nên tập 2 phút.

THỜI GIAN PHÙ HỢP ĐỂ TẬP:

Buổi sáng khi ngủ dậy: tỉnh dậy với cơ thể căng tràn sức sống, máu được bơm khắp cơ thể, sẵn sàng năng lượng một ngày mới.

Bất cứ khi nào trong ngày bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, cần tập trung và minh mẫn (đặc biệt cho dân văn phòng khoảng giữa giờ chiều thay vì vớ cốc cà phê hoặc không có juice bên cạnh :).

Rất nên tập trước khi tập thể thao, gym hay vận động mạnh nếu muốn tăng cường năng lượng tức thì.

Không nên tập trước khi đi ngủ nếu không muốn ‘tăng động’ khó vào giấc.

LƯU Ý: vì đây là bài tập lấy năng lượng và có tác động mạnh. Nếu bạn thấy chóng mặt hãy dừng và nghỉ ngơi thở như bình thường, lặp lại với động tác chậm hơn và nhẹ hơn. Các đối tượng không nên thực hiện: phụ nữ có thai, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, những người cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, cảm mạo hay đang mang các bệnh lý về loét dạ dày. Không tập khi no bụng, nên tập sau khi ăn 1-2h.

Dưới đây là một video mô tả khá dễ hiểu từ shape.com. Chúng mình cùng tập theo, 2-5p mỗi ngày thôi nhé.

Chúc các bạn luôn vui, tràn đầy sức sống và hạnh phúc an nhiên!