Browsing Tag:

sữa hạt

Plant-based Milk

Sữa sầu riêng sữa dừa

Sầu riêng và dừa sinh ra để cho nhau
Mùa hè năm nay mới dám ăn sầu riêng nhiều hơn, mà mình lại mê những thứ béo ngậy, thế nên món sữa hạt phiên bản nhẹ nhàng của sinh tố sầu riêng đã từng chia sẻ, là em này.
Cơ bản là sữa hạt điều+sữa dừa+sầu tươi.
Thơm ngậy mượt mà.
Đặc biệt phù hợp cho các bạn muốn tăng cân.
Các bạn muốn giảm, và người nóng quá, mùa hè chớ ăn nhiều món này.
Cách làm như sau:
-Sữa hạt điều: cách làm tại đây
-Sữa dừa tươi: cách làm tại đây
Sầu riêng tươi 2 múi, bỏ hạt lấy phần cùi.

Tổng 500ml sữa hạt (tỉ lệ sữa hạt điều và sữa dừa là tùy sở thích của bạn, vì hạt điều khá dễ xay nên mình chỉ cần có sữa dừa rồi thả vài hạt điều đã ngâm mềm vào là xong)

Tất cả cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc qua rây lọc để sữa mịn hơn.

Happy Plant-based Milk/ Plant-based Milk

Công Thức Sữa Gấc cho đôi mắt sáng – Gac Nut Milk

SỮA HẠT VÀ GẤC

Nếu có một thực phẩm bản địa truyền thống trong ẩm thực dân gian quen thuộc, một superfood chưa được khai thác nhiều, thì đó sẽ là GẤC.

Gấc – trái cây của thiên đường – The fruit from Paradise

Gấc được coi là thực phẩm số 1 về hàm lượng Beta Carotene (tiền chất của vitamin A – chất này đặc trưng tạo màu vàng/đỏ – có trong các loại củ quen thuộc như cà rốt, khoai lang, bí đỏ…). Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi cà rốt. Lượng Lycopen trong những trái gấc màu đỏ, có thể cao gấp 70 lần cà chua. Ngoài 2 chất đặc trưng trên thì gấc còn chứa vô số các chất có lợi khác.
Túm lại ăn nhiều các chất trên thì giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, sáng mắt, ngăn chặn mù lòa, giảm tỷ lệ ung thư, viêm gan, huyết áp, ngoài ra da cũng đẹp, bớt sạm, khô v.v.

Thông thường các vitamin sẽ dễ giảm chất lượng khi chế biến nhiệt cao, tuy nhiên Lycopen lại ngược lại – dễ hấp thụ và phát huy tốt hơn khi qua nhiệt. Vì vậy với gấc chúng ta nên làm chín trước khi dùng để chế biến các món khác, và cũng bởi thịt gấc khi làm chín sẽ bớt mùi ngái hơn, thơm ngon hơn.
Phần màng hạt gấc đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao nên các bạn đừng bỏ.

Theo cách truyền thống của ông bà xưa thì do quả gấc khó trữ lâu và mỗi lần làm mất công, nên quả gấc thường được làm thành dầu gấc, hoặc mỗi khi chế biến sẽ cho thêm chút rượu để tăng thêm màu đỏ đẹp và át mùi vị ngái của gấc.

Mình sẽ hướng dẫn cách sơ chế gấc để các bạn có thể trữ đông dùng được lâu, và lại tiện để chế biến các món ăn, đồ uống healthy nhé.

CÁCH CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN THỊT GẤC TƯƠI

Quả gấc tươi bổ đôi

 

BƯỚC 1: BỔ ĐÔI QUẢ GẤC

Lấy thìa nạo và đổ phần thịt và hạt gấc ra 1 cái âu to (nên dùng âu inox hoặc thủy tinh vì gấc khá bám màu).
Lưu ý không nạo kĩ phần vỏ có thể gây đắng

BƯỚC 2: TÁCH BỎ HẠT

Do phần màng xung quanh hạt gấc khác dai nên mình dùng con dao nhỏ cắt một đường rồi lột một phát là phần vỏ và thịt gấc sẽ rời khỏi hạt rất nhanh.
Nếu có găng tay y tế (loại bám sát vào tay chứ ko phải găng nilong rộng thùng thình đâu) bạn nên dùng để tránh gấc bám vào ngón tay.

BƯỚC 3: XAY NHUYỄN VÀ CHÍN

Thực ra có 2 cách làm chín gấc: 1 là bạn hấp phần thịt gấc trước khi tách hạt. 2 là bạn tách hạt xong thì hấp, rồi xay nhuyễn.

Mình thì hay làm như sau:
Lấy phần thịt gấc tươi vừa lọc bỏ hạt kia, đem xay nhuyễn mịn (dùng máy xay sinh tố, cho thêm một chút nước và chút muối hồng, miễn sao có thể xay nhuyễn dễ dàng)
Sau đó cho hỗn hợp gấc mịn đó lên bếp quấy đun. Đun lửa vừa (không to), và quấy liên tục. Khi hỗn hợp nóng và lục bục được 3 phút thì bạn tắt bếp được rồi. Không cần đun lâu quá. Sau đó để nguội.

đây là hỗn hợp gấc đã xay mịn, chưa sôi (khi chín bạn sẽ thấy nó còn đỏ hơn nữa và có mùi thơm hơn là mùi ngái của gấc tươi)

Vậy là ta đã có phần cốt gấc/thịt gấc nguyên chất để yên tâm sử dụng trong các món rồi. Chỗ thịt gấc này có thể chia vào các khay làm đá, thành các viên đá gấc nhỏ, trữ đông được 1-3 tháng, mỗi lần chỉ cần 1 viên là đủ cho 1 phần ăn.

Có tiện không nào các bạn?

Còn đây là vào phần chính – sữa hạt và gấc

CÔNG THỨC SỮA GẤC BỔ MẮT

Khi đã có phần cốt gấc trên rồi, chúng ta tha hồ làm rất nhiều món khác nhau. Trí tưởng tượng của các bạn sẽ đưa các bạn đi xa nhé. Mình sẽ update dần một vài món cơ bản với gấc để các bạn tham khảo nhé.

Sữa hạt – 1 lít  – Bạn có thể chọn bất kỳ loại sữa hạt nào bạn hay làm, mình thì thích sữa hạt điều, hoặc sữa dừa và sữa hạnh nhân. Các công thức cách làm chi tiết đều đã chia sẻ tại đây: cách làm sữa dừa, sữa hạt điều 3 vị, sữa hạnh nhân.

Cốt gấc – 40-80ml (tùy khẩu vị của bạn thích mùi và màu gấc đến đâu)

3 quả chà là ngâm nước lọc cho mềm xay cùng để lấy vị ngọt (dĩ nhiên là phải bỏ hột chà là trước khi xay nhé). Nếu không có chà là bạn có thể dùng mật ong và đường thốt nốt hoặc đường thô tùy ý.

Cách làm:
Cho sữa hạt, cốt gấc và chà là đã ngâm mềm bỏ hạt vào máy xay sinh tố, xay ở tốc độ cao trong 1 phút.

Vậy là bạn đã có sữa gấc hoàn toàn từ thực vật, vô cùng bổ dưỡng, và vị thì ngon đáo để đấy!

CHÚC CÁC BẠN CÓ NHỮNG LY SỮA GẤC THẬT NGON!

Lưu ý:

Dĩ nhiên thực phẩm tốt mấy cũng không nên lạm dụng. Vì lượng tiền vitamin A trong gấc cao, mà vitamin A là vitamin tan trong dầu,  là loại cơ thể nếu dư thừa không đào thải được qua đường tiểu  nên nếu ăn quá nhiều sẽ tích ở gan. 

Plant-based Milk

Làm sữa hạt bằng máy ép chậm Hurom

Chắc các bạn cũng thấy phong trào làm sữa hạt cũng phổ biến hơn, rầm rộ hơn một năm gần đây đúng không? Sữa hạt quả thực là quá dễ làm, mà lại quá ngon luôn, chưa kể cũng bổ và có thể là lựa chọn thay thế sữa bò nữa.
Với sữa hạt thì mình vẫn hay thích làm bằng máy xay sinh tố. Chỉ là lựa chọn cá nhân thôi. Tuy nhiên nếu các bạn có máy ép chậm thì có thể làm sữa hạt với máy ép chậm đó! Dễ và nhàn lắm ý.

Làm sữa hạt dễ ẹc và nhàn tênh với máy ép chậm như sau:

Dụng cụ:

  1. Máy ép chậm: Mình sử dụng máy ép chậm Hurom. Các bạn có thể sử dụng bất kỳ máy ép chậm nào bạn đang có. Sử dụng lưới lọc tinh (fine strainer) đi kèm máy. Bởi nhiều máy ép chậm có kèm cả lưới lọc thô, ví dụ như các dòng Hurom.
  2. Rây lọc hoặc túi vải lọc (optional): món này ko bắt buộc, nhưng nếu bạn thích làm sữa hạt thật là mịn màng thì nên dùng thêm túi vải lọc, hoặc chí ít dùng một cái rây lọc lưới thật nhỏ để đặt lên miệng âu đựng của máy ép.

Nguyên liệu:

  1. Bất kỳ loại hạt nào đều có thể làm sữa với máy ép chậm.
    Các loại hạt (nuts) có thể làm sữa là: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, hạt dẻ cười, hạt bí, lạc (rang lên trc khi ngâm ép), các loại nhỏ như vừng và kê thì không nên ép vì hạt quá bé, chỉ nên xay v.v.. Chọn hạt thô/sống không tẩm sấy muối, bơ hay vị gì. Kiểm tra chất lượng hạt, một số loại rất dễ bị hôi như óc chó và lạc. Ngâm cùng nước lọc cho mềm.
    Các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu ngự, đậu nành, đậu đen, đậu gà v.v.): cần ngâm, nấu chín hạt trước khi ép.
    Ngô: ép xong mới nấu chín
    Các loại nguyên liệu như bí đỏ, hạt sen, nếu muốn dùng máy ép chậm để làm sữa thì hơi phí bã, vì với  máy ép chậm phải ép bí và hạt sen khi còn sống mới đủ độ cứng đế ép. Còn nếu nấu chín rồi thì rất mềm ko ép được, chỉ hợp lý để xay.
    Túm lại theo kinh nghiệm của mình, máy ép chậm chỉ hợp lý để làm các loại sữa từ hạt (nuts/seeds) chứ không hợp làm các loại sữa từ đậu hay ngũ cốc

    Các loại hạt (nuts) để làm sữa. Nguồn ảnh: wisegeek

  2. Nguyên liệu khác thêm vào (optional/không bắt buộc):
    1. Các chất tạo ngọt:
      Quả chà là:bỏ hột, ngâm nước ấm cho mềm trước khi cho vào ép cùng. Quả chà là bán ở các siêu thị và cửa hàng thực phẩm nhập khẩu, là loại quả khô khá là ngọt (rất ngọt nếu ăn không), nhưng lại là chất tạo ngọt tự nhiên cho các loại sữa hạt hoặc sinh tố và món tráng miệng, mà vị của nó lại không có nhiều mùi nổi bật, không át các vị khác.
      Quả vả (fig): cũng hay bán ở dạng khô, quả này của VN mình không có mà là nhập khẩu, thường là các túi đóng gói của Mỹ.
      Các loại hoa quả khô khác đều có thể thử nghiệm để làm ngọt nhé các bạn.
      Maple Syrup: siro lá phong. Cũng hay có bán ở các hàng nhập khẩu. Là chất tạo ngọt nhìn giống giống mật ong nhưng ko có vị chua chua như mật ong.
      Agave Syrup: siro agave (một loại siro chiết suất từ nhựa của cây Blue Agave mọc ở vùng Nam Mexico), cũng không phổ biến ở VN nhưng có thể mua ở các cửa hàng nhập khẩu.
      Mật ong: không phải loại nào làm ngọt với mật ong cũng hợp. Vì mật ong có vị hơi chua và mùi khá trội. Nhưng lại là lựa chọn phổ biến hơn, dễ mua hơn.
      Táo ép: khi sử dụng hoa quả tươi để làm chất tạo ngọt thì sữa sẽ chỉ nên uống trong ngày. Để sang ngày hôm sau thường sẽ ko còn ngon hoặc mùi vị ko giữ được trọn vẹn các bạn nhé.
    2. Các chất bổ sung khác: để tăng phần dinh dưỡng và mùi vị
      Bột quế: Nếu sử dụng quế dạng bột thì chỉ cần ngoáy lên cùng với sữa thành phẩm. Ngoài ra các bạn có thể sử dụng quế dạng nguyên thanh. Nhớ là phải ngâm quế kĩ, trước ít nhất 4-5h để quế mềm hơn, rửa sạch, sau đó cho 1 mẩu nhỏ vào ép cùng với hạt. Một chút thôi vì quế rất thơm.
      Cacao nibs: Để làm sữa vị chocolate mình hay dùng Cacao nibs. Đây là sản phẩm từ ruột quả cacao đập nhỏ ra. Quả cacao là quả người ta làm nên chocolate ý. Nó có vị đắng đặc trưng của cacao, nhưng cũng khác xa chocolate thành phẩm đó nhé. Cacao dưới dạng hạt này rất giàu chất chống oxy hóa và cho các loại đồ uống vị chocolate tự nhiên, và dĩ nhiên cũng tốt cho sức khỏe mà không lo bị nhiều đường hay calorie. Nhớ ngâm hạt cho mềm, tầm 4-5h, trước khi cho vào ép cùng các loại hạt khác khi làm sữa. Do nó nhạy đắng nên rất hợp với các loại làm ngọt khác như chà là hay chuối. Mỗi lần chỉ cần dùng 1 thìa canh cacao nibs và thử nghiệm cho hợp khẩu vị.
      Vanilla: không nên chọn các loại tinh dầu vani vì không biết chất lượng ra sao. Mình hay dùng vani cả quả, có bán ở một số siêu thị nhập khẩu. Quả vani rất thơm, chỉ cần cắt một mẩu ngắn tầm 1-2cm, ngâm nước cho mềm độ vài giờ và ép cùng hạt (dùng cả nước ngâm quả vani đó). Mỗi lít sữa chỉ cần nửa quả vani là thơm lừng.

Công thức chung để làm sữa hạt với máy ép chậm

Công thức chung cho sữa hạt là tỉ lệ 100-120gr hạt (nuts and seeds) và 1 lít nước lọc, thành phẩm cho ra hơn 1 lít sữa.

B1. Hạt ngâm nước vài giờ cho mềm. Tùy từng loại hạt mà ngâm lâu hay ít. Xem thời gian ngâm các loại hạt tại đây http://www.juicylife.vn/cach-lam-sua-hanh-nhan-ngon/ . Một số loại hạt có thể bóc vỏ lụa hoặc không tùy ý (óc chó, hạnh nhân), vỏ cứng thì đương nhiên bỏ, chỉ lấy phần nhân hạt.

B2. Sau khi ngâm, đổ nước ngâm, cho hạt đã ngâm mềm vào cùng nước lọc/nước đun sôi để nguội (hoặc ấm, chứ ko dùng nước nóng già). Cứ đổ hạt cùng nước vào máy ép chậm, như ép hoa quả vậy, để mức cửa bã nhỏ nhất (với Hurom là mức Closed, với các máy ép khác thì phải ấn chặt nhất cái silicon cửa bã ở dưới đáy của bowl máy). Cứ thế máy sẽ ép nghiền hạt cùng nước lọc tạo thành hỗn hợp trắng đục như sữa. Có thể cho phần bã cùng nước lọc chạy qua máy 1 lần nữa để ép cho đỡ phí J  Nếu muốn sữa mịn hơn thì đặt thêm cái rây lọc lỗ thật nhỏ lên miệng âu đựng juice, ngay dưới cái vòi ra nước của máy ý. Với sữa hạnh nhân và đậu nành mà muốn mịn hơn nữa thì thêm một công đoạn lọc qua túi vải lọc.

Hình này là làm sữa đậu gà. Với các loại đậu thì sữa phải làm chín, hoặc là đun sau khi đã ép lọc, hoặc là luộc hạt chín trước khi cho vào ép nhé.

B3. Thưởng thức thôi. Sữa từ hạt thì ko cần đun sôi lại. Uống sống vừa giữ được nhiều dinh dưỡng vừa nhanh gọn. Nếu ai cảm thấy không yên tâm thì cứ hâm nóng/tiệt trùng nhưng nhớ phải đun lửa rất nhỏ và ko được sôi trào, vì nut milk dễ bị kết tủa khi đun.

Làm sữa hạt với máy ép chậm, nói chung là có cái tiện: NHANH, KHÔNG CẦN LỌC. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình, sữa hạt làm ngon nhất chính xác là nên làm bằng máy xay (công suất cao thì càng tốt): sữa ngon hơn, ngậy hơn, bông hơn, đậm vị hơn, làm được nhiều loại nguyên liệu phong phú kết hợp hơn. Linh hoạt hơn. Và dĩ nhiên mất thêm chút công lọc bằng rây lọc hoặc túi vải.

Các bạn thích làm sữa hạt với máy gì?