Browsing Tag:

sinh tố

Smoothie

Smoothie cacao, yến mạch, chà là – 4 nguyên liệu và 1 phút làm

Một trong những tội lỗi đi kèm với tuổi và thời gian, đố các bạn biết là gì?
 
—-

Là khó tính!

Đó là cái tội của việc trải nghiệm mỗi lúc một nhiều lên. Càng ngày cơ hội để thử những cái mới hoàn toàn lại càng ít đi.

Ví dụ như mình. Tội của đứa đã biết làm bánh rồi, thì ăn bánh vớ vẩn với nguyên liệu linh tinh thì sẽ lựa chọn không ăn còn hơn – phí mồm.
Tội của đứa đã biết thế nào là cảm giác khỏe khoắn rồi, thì cấm có muốn quay lại cái thời vô tổ chức.
Tội của đứa đã uống juice nguyên chất rồi, biết thế nào là juice tươi, thật sự đúng, thực sự tốt, thì cái lưỡi nó đã khác rồi, cấm có uống được các loại đồ uống nhiều đường hay các chất phi tự nhiên khác.
Thật.
Chỉ cần đọc thành phần và nhìn nhãn mác một sản phẩm là mình cũng đoán ra được vị và cách làm của nó như thế nào.
 
Ăn nhiều đồ ngon, biết nhiều, đi nhiều, trải nghiệm lắm, cũng là một bất lợi nếu không giữ cho mình được sự trân trọng từ những cái nhỏ nhất. Vì đó là cơn xoáy ốc của vật chất.
Càng nhiều càng thấy ít. Càng có càng thấy thiếu.
 
Để back to basics và sống đơn giản ít đòi hỏi, là một nỗ lực.
 
Thôi thì lỡ dại, đã biết smoothie healthy nó phải như nào, cái gì nên đưa vào người rồi, nên làm chocolate smoothie cũng phải kiểu healthy một tí, nhưng vẫn phải đơn giản dễ hiểu, ít đòi hỏi.
 
Thế là mời các bạn cái cốc này. Có 4 nguyên liệu thôi.
Cho mấy thứ này vào máy sinh tố, nhấn 30s (máy yếu hơn thì 60s nhé) là có một cốc để ăn sáng cho tỉnh táo.
 
Chuối đông lạnh 1-2 quả
Cacao powder nguyên chất không đường 1 tbsp
Yến mạch hữu cơ đã cán 1 tbsp
2-3 quả chà là, đã bỏ hạt
Nước lọc, hoặc nước dừa hay sữa hạt tùy có gì cho nấy.
 
Cho tất cả vào xay nhuyễn.
Đổ ra cốc, rắc yến mạch để toppings.
Và thưởng thức với tinh thần lạ lẫm tò mò của một đứa trẻ được mẹ làm cho món sinh tố socola với tình yêu thương – kiểu gì cũng thấy ngon!
 
Các bạn hay uống sinh tố chocolate kiểu gì?
 
#chocosmoothie
Uncategorized

Creamy Bunny Spice Smoothie – Sinh tố dừa cà rốt, không dành cho những chú thỏ

Bunny spice – là một công thức mình ấn tượng ngay từ lần đầu từ cuốn sách cô giáo mình cho mượn.

Cô giáo mình là một raw foodist – một người theo trường phái ăn tươi gần như 100%, không bởi lý do bệnh tật gì (vì cô super khỏe và fit ở độ tuổi 44t và khỏe hơn tất cả người phụ nữ mình được gặp thực tế người thật), mà chỉ bởi cô là người vô cùng quan tâm đến những gì cô feed cơ thể cô – mặc dù cô cũng không phải người yêu thích đồ ăn và ko mấy khi nấu ăn, ăn lượng rất ít nữa nên cũng chắc vì thế mà cô lựa chọn đồ ăn kĩ.

Nói về công thức smoothie. Nếu như bạn đã uống juice và smoothie một thời gian, đôi khi bạn cần phải thay đổi cách thức làm và đổi mới với các công thức lạ lẫm, các nguyên liệu lạ hơn, hay cách phối hợp các loại gia vị mạnh vị hơn, bold hơn.
Ngay khi thấy nó là sự kết hợp giữa sữa hạt và juice – một dạng blended juice (mình cũng đã gthieu 1 số công thức dạng này trên blog rồi) – thì mình thấy hứng thú luôn. Có thể một số bạn đọc thành phần sẽ thấy nó kì kì và e ngại. Nhưng nếu bạn thích phiêu lưu thay đổi khẩu vị một chút, hãy thử nhé.

Công thức của mình có thay đổi so với cthuc gốc, vì mình tiện theo nguyên liệu đang có, và thêm 1 thành phần đặc biệt.

Mình dùng thêm cocoa butter (bơ cacao) để thêm chất béo tốt và tăng năng lượng cho cốc sinh tố này, vì mình dùng nó cho bữa sáng. Đây là loại bơ cacao mình được tặng từ chị Thái Hà owner của brand BioLak. Bây giờ cũng có một số đơn vị bán bơ cacao pure như vậy rồi, các bạn có thể thử. Nó có nhiều lợi ích cho sức khỏe, không chỉ cho bôi ngoài da như mng vẫn hay thấy trong thành phần các mỹ phẩm xịn hay có cocoa butter đó.

Món này khi mới uống vào sẽ thấy là lạ. Nó không ngọt ngay đầu lưỡi, mà vị ngọt đầm đầm. Nổi bật khi mới đưa lên uống gần mũi sẽ là mùi quyện giữa một chút ấm của quế và gừng, sau đó là vị ngậy ngậy khá rõ, lắng lại chút cay cay.

Giới thiệu với mọi người công thức sinh tố CREAMY BUNNY SPICE SMOOTHIE này cho các bạn uống vào bữa sáng hoặc trước/sau giờ tập để có thêm năng lượng và chút spice sẽ giúp bạn tăng sự hứng khởi.

Nguyên liệu Creamy Bunny Spice Smoothie:

2 củ cà rốt hữu cơ + 1 miếng gừng tươi: đem ép lấy juice
1 quả dừa xiêm, lấy cùi và nước dừa: đem xay nhuyễn, lọc qua rây lọc cho bớt bã lợn cợn = có sữa dừa
2 quả chuối đông lạnh (dùng chuối đông khi xay sinh tố để có độ sánh mát)
1 viên cacao butter
1 chút bột quế
1 chút bột hồi (để rắc nhẹ lên mặt cốc khi đã xay xong)

Cách làm

Xay sữa dừa, rồi thêm chuối, quế, viên cacao butter,  juice cà rốt gừng và xay nhuyễn mịn.
Rót ra cốc, rắc thêm xíu bột hồi (nếu muốn) để tăng thêm độ spicy. Bột hồi hữu cơ mình cũng được tặng từ em Hằng bên Lalaland spice, rất thơm dậy mùi.

Cốc sinh tố này phù hợp với những bạn thích vị không quá ngọt, thích một chút spice, và thích cả chút ngậy béo. Vừa bổ dưỡng, healthy, vừa hoàn toàn từ tự nhiên, lại đầy đủ năng lượng.

Tiện mình có cocoa butter đóng thành dạng viên chữ hẳn hoi, nên xếp thành chữ LOVE. Gửi đến các bạn tình yêu của mình hihi ♥

Các bạn thử xem và chia sẻ cảm nhận với mình nhé!

Món này giống như biến thể của món sữa cà rốt truyền thống của người Ấn độ, công thức ở đây các bạn nếu đã từng thử sữa cà rốt thì sẽ thích món này.

Juice Challenge/ Smoothie

7 công thức smoothie bowl cho bữa sáng nhanh gọn đủ chất siêu healthy

Nếu các bạn follow trên FB cá nhân của Huyền thì đã thấy Huyền từng kêu gọi thử thách 7 ngày với Smoothie bowl. Trong post này Huyền tổng hợp lại series đó để các bạn có thể tự thực hiện và tìm mọi thông tin liên quan luôn một chỗ nhé.

Nhớ hash tag #7smoothiebowl #juicylife để mình cùng theo dõi kết quả nếu bạn tự thực hiện nhé!

Cơ bản thử thách này là 7 smoothie bowl tương đương với 7 bữa sáng trong tuần liên tục. Mục đích là để mọi người trải nghiệm thay một bữa với sinh tố và cảm nhận bản thân trong 1 tuần, từ đó xây dựng thói quen ăn uống healthy hơn, hoặc chỉ đơn giản làm cho vui, ăn cho ngon miệng, cho đẹp mắt cũng được.


SMOOTHIE BOWL LÀ GÌ? CÓ GÌ HOT?

Sinh tố thì chắc không có gì lạ. Nhưng sinh tố với các nguyên liệu healthy hơn, sử dụng các loại hoa quả làm ngọt tự nhiên (không có chuyện dùng sữa đặc ông thọ đâu), sử dụng nhiều loại super foods, có thể đủ no để thay một bữa ăn đủ chất nhưng khỏe người, thì không phải ai cũng rành.

Smoothie bowl là trào lưu trong 2 năm gần đây, đặc biệt trên thế giới, với tên gọi ‘acai bowl’ nữa vì thực ra nó bắt nguồn từ việc dùng bột acai (một loại quả nhiệt đới xuất phát từ Brazil được phương Tây xay sinh tố sệt như kem phục vụ trong bát ô tô).

Smoothie bowl cơ bản như tên gọi – là SINH TỐ đựng và bày biện trong BÁT (ô tô, ý là bát to mới đủ ăn sáng ý).

Smoothie bowl về cơ bản khi đã nắm cách làm rồi thì cho phép chúng ta sáng tạo vô giới hạn và bày biện với đủ các loại toppings để tạo ra thậm chí các tác phẩm nghệ thuật (đẹp lắm ý – dưới con mắt một đứa phàm ăn như tớ).

Một bát smoothie bowl cơ bản gồm 2 phần: 
FRUIT BASE (phần sinh tố chính – thường là base với 1 hoặc nhiều loại hoa quả, quyết định hương vị chính) + TOPPINGS (phần rắc thêm bên trên, có thể rắc đủ thứ khác nhau, từ chính hoa quả làm base, đến các loại hạt, ngũ cốc, hoa quả khô, superfoods khác tùy ý).

Nó khá đặc, và bạn sẽ xúc ăn bằng thìa. Sau khi ăn một bát sẽ không chỉ cảm thấy khá no, sảng khoái, nó còn đặc biệt phù hợp cho những ngày hè nắng nóng, và cũng đủ thỏa mãn cho những kẻ thèm ngọt.

Ai cũng biết bữa sáng quan trọng, nếu bạn ăn một bữa sáng healthy, nhiều khẩu phần rau hoa quả, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong ngày hôm đó vì chí ít cũng bắt đầu ngày mới bằng điều gì đó tốt cho cơ thể.

Ngoài để ăn sáng, smoothie bowl hoàn toàn có thể thay bữa trưa nhanh gọn, hay cho những bạn không muốn ăn nặng nề vào buổi tối (đặc biệt tập tành xong mà có 1 bát này thì không cần ăn tối nữa, rất mát ruột). Mình thì thường chỉ chọn 1 bowl cho 1 bữa thôi chứ không ăn nhiều bữa (trừ khi có ý định cleanse vài ngày chỉ uống juice hoặc sinh tố cho cả ngày thì lại khác).


7 ngày thử thách smoothie bowl

SHOPPING LIST

Đây là shopping list cho thử thách này, dĩ nhiên là để giúp các bạn tiện mua đồ và chuẩn bị. Các bạn hoàn toàn có thể biến tấu hoặc thay đổi, thay thế các loại hoa quả hay rau xanh tùy theo điều kiện quanh khu vực mình và đúng mùa, thấy cái nào hay thì có thể sáng tạo tùy sở thích nhé ạ (dĩ nhiên theo đúng công thức thì chuẩn ngon không lo bị rủi ro làm ra vị ko ưng ý).

NGÀY 1 – XANH SỨC SỐNG

Nguyên liệu: như trong ảnh dưới
Chuối đông lạnh 1-2 quả (quả nhỏ thì 2 quả – thích ngọt thì tăng chuối)
Quả bơ 1/2 (hoặc 1 phần bơ đông lạnh sẵn 100gr như đã chuẩn bị)
Sữa hạt (mình dùng sữa hạt điều vì nó xay nhanh và ngậy) 1 cup – khoảng 200ml 
Rau bó xôi 1 nắm to – thái nhỏ
Rau cải kale 1-2 lá to – bỏ phần cuộng cứng (bình thường khi ép thì dùng cả cuộng như xay thì bỏ ra cho nó mịn) – cắt ngắn

Cách làm
Tất cả cho vào máy xay, xay nhuyễn

Với các loại máy xay công suất không cao thì cần chia làm 2 lần xay. Lần một xay khoảng 1 phút, chỉ sữa hạt và rau xanh, sau đó nghỉ và xay thêm 1 phút nữa cùng các loại quả còn lại.

Đổ ra bát miệng rộng. Rắc thêm toppings.
Toppings mình dùng là: chuối, kiwi, hạt hemp rắc lên

Chú ý: dùng tỉ lệ sữa vừa phải để sinh tố có độ đặc chứ không cho nhiều sẽ làm loãng sinh tố, khó đặt toppings.

NGÀY 2 – TÍM TƯƠI TRẺ

Nguyên liệu:

Dâu tây 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
Việt quất 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
(hoặc có thể dùng dâu tằm)
Thanh long đỏ 1/2 quả
Chuối chín đông lạnh 1 quả
Sữa hạt (mình hay dùng sữa hạt điều, sữa yến mạch hoặc sữa dừa) 1 cup – nếu ko có thì dùng nước dừa tươi

Cách làm:

Cho tất cả nguyên liệu vào xay nhuyễn.

Ít nhất phải có 2 loại hoa quả đông lạnh để smoothie có độ xốp đặc, ko bị chảy loãng. Và các bạn điều chỉnh lượng sữa-chất lỏng cho vào để vừa đủ đặc đừng quá tay.

Nếu các loại dâu chua quá thì tăng lượng chuối hoặc xay thêm cùng 1, 2 quả chà là cho tăng độ ngọt.

Đổ ra bát, rắc toppings tùy ý.
Trong hình là mình dùng cái dụng cụ múc kem nhỏ để xúc thanh long đỏ hình tròn viên bi, rắc thêm hạt hemp, nhà có cây hoa nhài nên ngắt hoa nhài ra trang trí cho thơm mồm 🙂

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 3 – NÂU NO NÊ

Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1-2 quả
Bơ lạc 2tbsp
Sữa hạt (mình dùng sữa điều) 1 cup
Vanilla essense (nếu có thì sẽ thơm dậy mùi) 1/4 tsp hoặc 2 giọt thôi
Cacao powder nguyên chất không đường 1 tbsp

Cách làm:

Cho tất cả vào xay nhuyễn.

Đổ ra bát, rắc dừa nạo, cacao nibs và các loại hạt khô để toppings

Ngon lắm luôn!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 4 – VÀNG NĂNG ĐỘNG

Tập hợp những hương vị đặc trưng của một mùa hè nhiệt đới.

Công thức:

Chuối đông lạnh 1 quả
Dứa 1-2 miếng (1/4 quả)
Xoài 1/2 quả (đông lạnh)
Chanh leo 1 thìa (lấy ruột thôi)
Nước dừa 1/2 cup (tăng giảm sao cho vừa độ sánh của smoothie)

Cách làm:

Tất cả cho vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn.
Nếu máy xay không khỏe lắm thì các bạn hãy xay chanh leo với nước dừa trước, lọc bỏ bã hạt chanh leo, sau đó mới xay cùng các loại còn lại nhé.

Nếu thấy hơi chua thì thêm chút mật ong, hoặc xay cùng 1,2 quả chà là ngâm mềm, hoặc tăng lượng chuối chín.

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 5 – HỒNG TƯƠI VUI

Cho một ngày không bao giờ buồn 

Nguyên liệu:

Dâu tây đông lạnh 1 cup (khoảng 150gr)
Yến mạch 1/2 cup (hoặc 3-4 thìa canh) CHọn yến mạch ăn liền hoặc yến mạch cán (instant oat thì xay nhanh hơn, rolled oat thì cần xay kĩ hơn chút)
Sữa chua không đường 1/2 cup (hoặc 1 hộp) – nếu dâu chua quá thì dùng sữa chua có đường
Sữa hạt (hoặc nước dừa tươi) 1/4 cup

Cách làm:

Xay yến mạch cùng sữa hạt (hoặc nước dừa) trước cho nhuyễn, sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào. Nếu thích có thể dùng thêm 1 quả chuối đông lạnh cho ngọt ngào hơn. Xay nhuyễn.

Đổ ra bát. Trang trí topping. Do mình ko có dâu tươi nên mình trang trí với thanh long đỏ và rắc các loại hạt (coshatj hướng dương, chia và yến mạch).

Chúc các bạn một ngày luôn HỒNG!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 6 – TẢO TỈNH TÁO

Cho một ngày không phờ phạc, nhất định là không phờ phạc đấy !

Nguyên liệu:

Sữa hạt điều 1 cup (hoặc sữa dừa, hoặc nước dừa tươi)
Chuối đông lạnh 2 quả
Kiwi 1/2 quả
Cốt dừa 1 thìa canh
Tảo spirulina dạng bột 1 thìa cf (nếu dùng tảo tươi dạng viên thì 1/2 viên). Mình ko thích dùng viên tảo nén của Nhật, để dùng trong làm món thì nên mua tảo dạng bột hoặc tảo tươi dạng đông lạnh theo từng viên, nó bớt tanh hơn và ko lo bị nhiều chất độn như viên nén.
Nếu thích có thể cho thêm 1/4 quả bơ cho thêm mượt

Cách làm:

Cho tất cả vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.

Cho ra bát, trang trí topping. Ở đây mình trang trí với khế, kiwi, dừa nạo và cacao nibs

Món này vừa ngon vừa nhiều dinh dưỡng, sẽ cho bạn một sáng nhiều năng lượng đó!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 7 – CAM NGỚ NGẨN

Một tuần với sinh tố đến hôm nay là ngày cuối challenge rồi, nhanh không các bạn?
Thực ra cả tuần vui vẻ năng động rồi, ngày cuối cho chúng ta tự trở về bản chất.
Mỗi tuần nên có một ngày, một vài giây phút ngớ ngẩn đi các bạn ạ!Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1 quả
Xoài 1/2 quả
Sữa chua hi lạp (hoặc sữa chua thường) 50gr (nửa hộp)
Dầu dừa (optional, nhưng có thì sẽ thơm và giúp hấp thụ nghệ tốt hơn, rất hợp) 1/2 thìa cf
Bột nghệ 1 thìa cf (nếu dùng nghệ tươi thì 1 mẩu nhỏ khoảng 1-2cm)
Một chút nước lọc (hoặc nước dừa tươi)
Cách làm:

Tất cả xay nhuyễn trong máy xay sinh tố. Chú ý điều chỉnh lượng nước sao cho được sinh tố đủ độ đặc, nhưng không nên lỏng. Và sinh tố sau khi xay cần giữ được độ mát mới ngon.
Chúc mừng các bạn đã vượt lười thành công và hoàn thành thử thách #7smoothiebowl cùng#juicylife. Mình rất mong các bạn đã yêu thích smoothie hơn, cùng đó là tiếp tục khám phá các món ăn sáng healthy bổ dưỡng nhiều màu sắc!

Hẹn gặp lại các bạn trong các thử thách khác cùng Huyền nhé!

Healthy Food/ Smoothie

Smoothie bowl dâu chuối cho bữa sáng đủ chất – Banana & berry smoothie bowl

SMOOTHIE BOWL

Là cách nhanh chóng để có bữa sáng healthy nhẹ nhàng đầy đủ chất, lại có thể ngẫu hứng thêm bớt quẳng nhiều thứ khác nhau vào. Nói chung là đơn giản. Đẹp mắt. Ngon!

Có một yếu tố quan trọng khi làm smoothie bowl – đó là tỉ lệ chất lỏng.

Khác với sinh tố thông thường uống ở cốc. Sinh tố để xúc ăn trong bát cần có độ đặc sánh hơn để có thể rắc các nguyên liệu toppings mà không lo chúng bị chìm nghỉm.

Nguyên tắc đơn giản cho 1 bát smoothie là: 1 bát con các loại hoa quả : 1/2 chất lỏng = base đặc sánh vừa đủ

Và dĩ nhiên tùy độ đặc loãng yêu thích mà các bạn điều chỉnh.

Nguyên liệu

Đây là công thức smoothie bowl nhiều chất chống oxy hóa và ung thư và chỉ có 3 nguyên liệu:

Dâu tằm (mulberry)

Dâu tây (strawberry)

Chuối

Công thức này Vegan, Ngọt tự nhiên, Giàu vitamin và các vi chất từ các hoa quả top đầu antioxidants, Đủ no (vì có nhiều toppings đủ chất).

Cách làm

Mình hay đông lạnh sẵn hoa quả để làm sinh tố. Vì vậy dâu tằm và dâu tây chỉ việc lôi từ tủ đông ra. Chuối chín sẵn có (hoặc chuối đông). Chỉ việc cho hoa quả vào máy xay sinh tố, thêm chút chất lỏng – mình dùng sữa dừa homemade (cách làm ở đây – hoặc các bạn có thể dùng nước dừa hay nước ép hoa quả tùy ý).

Chú ý: vì lượng chất lỏng ít nên nhớ chọn chế độ xay Low trong vòng 15-20s, sau đó mới xay High trong vòng 30s (lâu ngắn tùy độ khỏe của máy xay) miễn sao thành phẩm nhuyễn mịn sánh.

Đổ sinh tố ra bát và rắc các loại toppings tùy ý. Toppings có thể là hoa quả, các loại hạt (nuts), các loại ngũ cốc v.v.

Sinh tố dâu chuối ăn sáng - Banana & berry smoothie bowl

Print Recipe
Serves: 400ml Cooking Time: 5min

Ingredients (6 items)

  • 1 cốc dâu đông lạnh (dâu tằm, dâu tây) (khoảng 150gr)
  • 1-2 quả chuối chín (100gr)
  • 1/2 cup sữa dừa (<100ml)
  • TOPPINGS
  • Hạt chia, hạt gai dầu (hemp seeds), hạt hướng dương, hoa quả...

Instructions (3 Steps)

1

Cho dâu và chuối vào máy xay, xay nhuyễn. Sau đó đổ dần sữa vào. Vừa xay vừa gạt thành âu máy. Đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn.

2

Múc ra bát, rắc các loại toppings tùy ý.

3

Nên ăn luôn. Nếu để tủ mát thì được 1-3h. Tuy nhiên dâu rất dễ oxy hóa một khi đã xay.

 

Healthy Food/ Smoothie

VIDEO – 3 CÔNG THỨC SINH TỐ SIÊU NGON VỚI DỪA XIÊM VÀ RAU CỦ

DỪA là loại quả xay với cái gì cũng ngon, tươi, ngậy!

Trong số tất cả các loại hoa quả cây trái trù phú đa dạng của đất nước nhiệt đới chúng mình, dừa chắc là món luôn làm mình (và chắc rất nhiều người lớn và trẻ nhỏ khác) ‘xao xuyến’. Mình thì hay dùng dừa xiêm của miền Nam cho các món sinh tố, còn dừa miền Bắc thường nước có vị chua hơn thì mình hay dùng phần cùi già dầy để làm sữa dừa. Trong khi phương Tây thì ca ngợi dừa hết lời và nhọc công nhập khẩu dừa xiêm từ Thái thì chúng ta đề huề dừa đặc biệt mùa hè nhìn là thấy thèm muốn dùng tay chặt đôi rồi 😉

Dừa xiêm có các chất khoáng như canxi, sắt, kẽm, kali và các loại vitamin c, B1, B2, B3, B5, B6. Nước dừa có đầy đủ các chất điện giải và được coi là thức uống tăng lực tự nhiên đặc biệt cho người vận động và chơi thể thao. Dừa giúp tăng năng lượng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và giúp làm sạch và trẻ hóa cơ thể (nghe ưng không?). Thậm chí trên thực tế một số nước thứ ba còn sử dụng nước dừa để truyền cho các bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp.

Mùa hè này các chị em muốn da đẹp xinh, dáng yêu, các mẹ muốn con mình đổi món sinh tố mà không bị nhiều đường sữa, các anh muốn làm tặng bạn gái, các bạn muốn bổ sung khoáng cho bố mẹ kiểu con ngoan trò giỏi hehe, thì xin mời thử 3 công thức sinh tố với quả dừa xiêm này nhé.

Đảm bảo siêu ngon, siêu đơn giản, siêu đẹp!

Note: quả dừa xay với cái gì cũng được, nhưng nếu muốn có độ ngọt tự nhiên thì các bạn nên chọn các loại hoa quả có vị ngọt sẵn như chuối, xoài, táo, lê, hoặc có thể cho thêm quả chà là ngâm mềm vào xay cùng cho vị ngọt nhẹ. Nguyên tắc khi mix vị là cũng không nên chọn các loại củ quả chọi màu nhau (y như nguyên tắc làm juice), ví dụ có rau xanh rồi thì ko cho thanh long đỏ hay dưa hấu hay các loại màu đỏ, xanh với đỏ ra màu nâu không hấp dẫn đâu 🙂

Happy Juicing/ Juicing Basics

Juice thực chất là gì?

Thực ra juice là gì? Nước ép hoa quả ư? Không phải chỉ vậy.

Từ nhỏ mình biết chủ yếu đến nước cam vắt, nước mía, nước chanh vắt. Lớn hơn một chút thì biết đi uống nước ép trái cây ngoài vỉa hè hay hàng quán, ví như nước ổi, bưởi, cóc v.v. Đến giờ thì khái niệm juice nó đã rộng hơn rất nhiều. Juice là nước ép kỳ diệu có thể được làm ra từ bất kỳ loại rau, củ, hoa quả hay rau gia vị nào. Bất kỳ loại thực vật gì ăn sống được thì cũng có thể ép  được. Vì đơn giản là thay vì nhai, ép thì ta lấy phần nước của nguyên liệu.

Túm lại, juice là phần chất lỏng lấy được từ hoa quả và rau củ tươi sống.

Để hiểu đúng, các bạn nên nắm rõ các yếu tố của juice thực sự như sau:

Trong juice, mọi nguyên liệu đều phải sống (vì vậy đừng ngạc nhiên hỏi mình bí đỏ,khoai lang, ớt chuông, súp lơ v.v. là ép sống hay chín nhé). Luôn luôn là sống! Tác dụng của ăn thực vật sống là gì thì các bạn có thể tìm hiểu thêm. Mình từng viết một bài về tại sao ăn raw rồi đó.

Thông thường juice rau củ thì nhiều khoáng chất. Juice hoa quả thì nhiều vitamins. Juice của cả hai loại trên thì đều giàu enzymes (đều dễ mất đi khi nấu chín).

Không nên nhầm lẫn giữa juice và smoothie. Cũng không nên so sánh và chọn lựa.

Tác dụng chính của juice

Không phải tranh cãi gì nhiều về chuyện con người sống cần phải ăn rau củ và hoa quả. Vấn đề là cách thức tiêu thụ chúng làm sao cho phù hợp với điều kiện và sở thích của mỗi người. Nếu bạn ăn thuần chay, thuần thực vật, tỉ lệ bạn ăn rau và hoa quả đã nhiều rồi thì chắc chắn nhu cầu nạp thêm rau qua đường uống là không quá cần thiết. Tuy nhiên hầu hết chúng ta với lối sống hiện đại đều ở trong tình trạng bận rộn, ngày 3 bữa cơm, tỉ lệ rau, củ, quả nạp vào đã đủ? Có ai tự tin tôi không cần ăn thêm rau? Vì vậy với những người bận rộn thì juice là một lựa chọn.

Tiện lợi nhanh chóng để nạp được nhiều vitamin khoáng chất thực vật nhất với số lượng lớn: ngồi ăn 2-3 đĩa salad – không sốt – thì khó, chứ đem ép chỗ đó và uống thì mất vài phút. Cứ so sánh bạn ngồi gặm 10 củ cà rốt và uống một cốc juice của 10 củ đó ý.

Hiệu quả : khi ép các thành tế bào của rau củ quả đã được phá vỡ, dưới dạng chất lỏng với vô số vitamins khoáng chất, chất chống oxy hóa … cơ thể chỉ việc thu nạp mà hệ tiêu hóa không mất nhiều năng lượng để làm việc. Nói chung là bưng sẵn một đống dinh dưỡng ở dạng dễ hấp thụ cho cơ thể chỉ việc ngấm bởi các chất dinh dưỡng từ juice đi thẳng vào mạch máu trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên đây cũng là lí do khi ép cần lưu ý tỉ lệ rau củ không ít hơn hoa quả ngọt.

Tác dụng chính của smoothie (sinh tố)

Trong khi ép là chỉ lấy phần chất lỏng, bỏ đi chất xơ không hòa tan (trong juice vẫn có chất xơ hòa tan), smoothie là xay toàn bộ nguyên liệu để thành dạng uống được. Túm lại smoothie là thức ăn xay nhuyễn. Một số loại hoa quả mềm thì chỉ nên xay mà khó ép được. Ngược lại rất nhiều loại rau củ chỉ ép được chứ khó xay. Khi xay phải thêm chất lỏng vào (như nước, sữa, nước dừa v.v.), trong khi ép thì ko thêm gì vào. Vì vậy thông thường khi xay không tốn nhiều nguyên liệu bằng khi ép. Nước ép đậm đặc về dinh dưỡng hơn. Smoothie thì no lâu hơn.

Cả sinh tố và nước ép đều là các phương pháp khác nhau để giúp ta tiêu thụ được rau, củ, quả nhiều hơn, ngon lành hơn, song song với chế độ ăn hàng ngày. Các bạn cứ ăn whole food, cứ ăn rau củ quả nguyên thể, chế biến sao tùy bạn, nạp vào người cách nào cũng tùy sở thích. Cuối cùng thì ai muốn khỏe cũng vẫn phải nạp rau củ quả mà thôi. Còn nếu ai bảo thà tôi ăn luôn cả quả cho rồi thì mời bạn cứ ăn. Cũng giống như rau luộc rồi sao người ta còn nghĩ ra các món xào, nướng, lẩu làm chi cho lắm chuyện. Ăn uống với người này là niềm vui, với người khác có khi lại là cho qua bữa. Với người ở vế thứ 2 chắc đã không đọc bài mình viết hen.

Vì vậy chúng ta không nên chọn cái này hay cái kia, mà tốt nhất là chọn cả 2! Và cách tốt nhất để có juice thật sự (và cả smoothie thật sự) là bạn hãy tự ép (tự xay) tại nhà và uống ngay khi vừa ép. Đó là lý tưởng nhé.

Happy Juicing/ Juicing Basics

So sánh sự khác nhau giữa sinh tố và nước ép – JUICING VS. BLENDING

Nước ép và Sinh tố đương nhiên là khác nhau. Nhưng mình vẫn gặp nhiều bạn nhầm lẫn giữa hai phương pháp này, hoặc các bạn làm theo các công thức đồ uống của mình nhưng không hiểu rõ sự khác nhau hay các lợi ích/thế mạnh của các loại đồ uống, từ nước ép, sinh tốtới sữa thực vật,  cứ tưởng chúng cùng giống cùng loài, cứ thấy tốt là làm hihi.

Dưới đây mình giải thích chút về sự khác biệt về bản chất, cách làm cũng như lợi ích của Juice và Smoothie (hay 2 phương pháp juicing và blending) nhé.

ĐIỂM CHUNG

Đều là đồ uống ngon, nguyên chất, tự làm tại gia được. Nếu chuẩn bị sẵn thì thời gian có sản phẩm chưa bằng thời gian chọn váy mỗi sáng của các chị em (chưa chồng con :).
Đều từ thực phẩm sống (rau củ quả) và mang lại nhiều vitamin, chất khoáng, enzyme v.v.
Đều có thể thay thế bữa ăn hoặc chỉ đơn giản sử dụng như bữa phụ, hoặc uống chơi chơi giải trí thêm yêu đời thêm xinh xắn.
Đều dùng cho trẻ nhỏ, người già được. Dễ hấp thụ, không mất công nhai.

ĐIỂM KHÁC BIỆT

Về cách làm

Juice được làm bằng cách tách lấy phần nước từ rau củ quả và bỏ đi chất xơ không hòa tan (insoluble fibre). Trong khi smoothie được làm bằng cách xay trộn tất cả, vẫn bao gồm chất xơ không hòa tan. Đây là chất xơ mà cơ thể chúng ta đằng nào cũng phải thải ra, nó đi một vòng trong dạ dày, chủ yếu giúp no bụng hơn và hỗ trợ quá trình tiêu hóa, không cống hiến về chất dinh dưỡng, rồi lại đi ra nguyên vẹn 🙂

Về dụng cụ

Juice được làm từ máy ép. Smoothie được làm từ máy xay sinh tố.

Về nguyên liệu

Rất nhiều loại rau củ quả chỉ có thể ép nước mà không thể làm smoothie được và ngược lại. Theo cảm nhận cá nhân mình thấy juice sử dụng rau củ quả phong phú hơn rất nhiều so với smoothie, đặc biệt là củ quả cứng (củ dền, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, carrot, ổi, cóc, dưa chuột, cần tây, súp lơ xanh…vô số), trong khi smoothie nên sử dụng các loại mềm hơn, rau thì cũng chỉ vài loại lá mềm hoặc lá nhỏ (bó xôi, cải xoăn, xà lách, chùm ngây, các loại rau mầm…). Tuy nhiên với smoothie, bạn có thể trộn thêm nhiều loại toppings, các loại boosters, superfoods powder khác nhau mà không ai nhét vô juice (goji berry, các loại hoa quả khô, flaxseed, dừa khô, hạt cacao, phấn ong, các loại bột superfoods, các loại bơ hạt/nut butter v.v) . Smoothie thường cần chất lỏng để máy có thể trộn được các nguyên liệu với nhau (nên dùng nước dừa hoặc các loại sữa hạt, sữa dừa). Juice về cơ bản là không pha nước, chỉ lấy nước cốt từ rau củ quả (nếu có nước thì chủ yếu dùng để tráng máy khi cần), bởi bản chất của quá trình ép là lấy nước cốt từ thực vật.

Về hình thức và texture

Juice là dạng nước. Smoothie là dạng đặc hơn, sệt hơn.

Về giá trị dinh dưỡng

Để phân tích quá trình từ lúc juice và smoothie xuống bụng đến khi nó được thẩm thấu ra sao đến các tế bào thì hơi lắm từ khoa học. Chỉ cần túm gọn như sau : Juice đem lại một lượng vitamin khoáng chất và enzyme rất cao và được thẩm thấu rất nhanh vào máu bởi juice không có chất xơ và dạ dày không phải mất công tiêu hóa (do hầu hết chất xơ đã được loại bỏ). Juice cho phép nạp các vitamins, minerals, enzymes một cách nhanh và nhiều : cô đặc và nhiều hơn rất nhiều nếu phải ngồi ăn một lượng nguyên liệu tương đương rồi chờ cơ thể tiêu hóa, hấp thu. Khi đó cơ thể không cần dùng nhiều năng lượng để tiêu hóa, các tế bào tha hồ nghỉ ngơi, thẩm thấu các chất và phục hồi. Ngoài ra juice cũng phù hợp với những bạn có hệ tiêu hóa nhạy cảm với chất xơ, cho phép các bạn vẫn hưởng lợi từ các khoáng chất thực vật mà không phải lo nhiều đến lượng chất xơ trong đó.

Trong khi đó, khi bạn blend/làm smoothie, tất cả nguyên liệu được xay nhuyễn, kể cả các chất xơ. Vì vậy smoothie đem lại cảm giác no hơn. Lượng chất xơ giúp cho lượng đường và các vitamin khoáng chất được giải phóng vào cơ thể chậm hơn chứ không ‘dồn dập’ như juice (no lâu, phù hợp với những bạn cần  theo dõi đường huyết). Hiệu ứng của juice bạn có thể cảm thấy liền ngay sau khi uống vài phút thôi (cái cảm giác vitamin với năng lượng nó đang chạy chạy trong người ý, sảng khoái và mát ruột, sung sức ý), nhưng uống juice nhiều hoa quả quá có nguy cơ tăng lượng đường trong máu nhất thời rất nhanh (nhưng nếu không có vấn đề về đường huyết thì không cần quá lo lắng). Một lợi ích đáng kể khác của blending, như đã đề cập ở trên, nó cho phép bạn làm sinh tố với rất nhiều loại nguyên liệu mà juice không làm được, cho phép các nguyên liệu nhiều protein, chất béo lành và carbs, đủ để tạo ra một bữa ăn tiện lợi và lành mạnh.

juicingvsblending

THẾ TÚM LẠI CÁI NÀO TỐT HƠN ?

Về mặt dinh dưỡng, Juice giữ được một số chất tốt hơn smoothie !

Theo một nghiên cứu độc lập qua lab test thực hiện bởi Australian Government National Measurement Institute tại Melbourne, thực hiện trên nước ép green juice từ máy ép ly tâm chất lượng tốt (Breville), và green smoothie từ một máy xay sinh tố cũng hàng đầu (máy Vitamix, xay trong 60 giây), với cùng lượng nguyên liệu giống nhau, tuy nhiên với máy xay có thêm nước lọc, người ta đã đưa ra một số kết luận sau:
Green juice từ máy ép chứa gấp đôi lượng các chất dinh dưỡng chính (hơn 142% Vitamin C – gần gấp đôi !, 73% Alpha Carotene, 109% Beta Carotene và 54% Potassium) so với cùng nguyên liệu được xay từ máy sinh tố. Máy xay càng mạnh càng khỏe, càng không tốt trong việc giữ dinh dưỡng của thực vật. Nguyên nhân phần nhiều là do quá trình oxy hóa (không khí trộn vào các tế bào thực phẩm) trong lúc xay gây ra phá hủy các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, lượng Magnesium thì tương đương, và lượng Calcium của green smoothie lại cao hơn green juice. Tuy nhiên dù gì chăng nữa lượng Calcium từ rau lá xanh sau khi juice hay smoothie đều không đủ với lượng được khuyên dùng mỗi ngày (RDA)

Các bạn có thể xem chi tiết hơn về kết quả nghiên cứu này tại đây: http://www.juicingscience.com/

Vậy, để kết luận cái gì tốt hơn, cái gì nên dùng, câu trả lời là: Tại sao phải chọn? Cả hai đi.
Thực ra với mình không có cái gì tốt nhất, mà chỉ có sự cân bằng và cách sử dụng nào là tối ưu nhất cho chính bản thân một người tùy theo điều kiện sức khỏe của họ. Cả juice và smoothie đều tốt và cho phép chúng ta nạp nhiều lượng rau quả mỗi ngày. Bằng cách này hay cách khác, ăn hay uống, xay hay ép, càng nhiều phương pháp, càng phong phú thì càng tốt, càng fun! Chế độ ăn tốt là phải phong phú đúng không? Các bạn hãy thử trải nghiệm và tự quyết định nhé. Mình juice hàng ngày, và thi thoảng làm smoothie thay bữa sáng.

Một số tips mình có như sau:
– Các bạn nên cố gắng dùng green juice và green smoothie. Nếu các bạn quan tâm mình sẽ nói sâu hơn về tác dụng tuyệt vời của green juice. Cần bớt dần lượng hoa quả ngọt (mới đầu thì cho chút chút rau xanh rồi tăng dần), và cần biết rằng vị giác có thể thay đổi đó.
– Juice và smoothie đều có thể làm trước cho vài ngày nếu bạn không có thời gian làm hàng ngày. Dĩ nhiên tươi rói là tốt nhất nhưng có các cách để bảo quản và tự tạo điều kiện cho bản thân, có uống vẫn còn hơn không uống do ngại phải không?
– Có thể sử dụng nước cốt chanh vàng/chanh xanh trong các công thức green để tăng khả năng hấp thụ vitamin C cũng như giảm nguy cơ xỉn màu của đồ uống do oxy hóa.
– Luôn cố gắng dùng thực phẩm hữu cơ và tươi mới nhất trong phạm vi có thể. Không tìm được hữu cơ cũng không sao, chọn cái trong khả năng.

Chúc các bạn luôn có nhiều sự lựa chọn cho dinh dưỡng lành mạnh của bản thân!