Search results for:

sinh tố

Happy Juicing/ Juicing Basics

Cách bảo quản nước ép tốt nhất – Storing your juice

Bạn có đang bảo quản nước ép đúng cách?

Bạn đã bỏ công, bỏ thời gian, bỏ cả tiền bạc (hay cả đống tiền ý chứ, các bạn dùng đồ hữu cơ chắc hiểu ý mình), để có được một cốc juice xinh đẹp chứa đầy dinh dưỡng. Tin mình đi: bạn phải uống ngay khi có thể. Uống nước ép ngay khi vừa ép xong, nguyên chất, tươi roi rói, chính là cách tốt nhất để thưởng thức nước ép đúng điệu.

Lần nào muốn uống nước ép bạn cũng sẽ theo đúng quy trình đó ư– đấy là trong thế giới lý tưởng. Chứ với cuộc sống hiện đại danh sách việc phải làm cứ dài ngoằng mà bạn chẳng có thời gian cho mấy thứ ‘lỉnh kỉnh’ này (chỉ có thời gian ngồi lướt facebook là cùng ý), thì việc làm nước ép một lần mà dùng được một ngày (thậm chí hai) là tốt nhất ý nhỉ. Dĩ nhiên muốn tiết kiệm thời gian thì việc gì cũng cần chuẩn bị. Có kế hoạch thì mọi việc sẽ suôn sẻ thuận lợi hơn nhiều chứ.

Và khi đã ép số lượng nhiều rồi, ngoài việc uống luôn 1 phần nước ép thì số còn lại cần được bảo quản tốt nhất có thể. Bảo quản nước ép đúng cách sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho những người bận rộn, như chúng ta, mà vẫn được hưởng lợi từ juice. Bởi vì với nhiều người, nếu không làm trước và chuẩn bị trước như vậy thì chắc chẳng bao giờ họ uống nước ép mất, nói chi đến uống thường xuyên.

Vậy các lưu ý để bảo quản nước ép tốt nhất-giảm thiểu tối đa quá trình giảm dinh dưỡng và chất lượng nước ép là gì?

  • Hãy bảo quản ngay khi vừa ép xong.
  • Trữ nước ép trong đồ chứa bằng thủy tinh có nắp chặt kín hơi, ví dụ như các chai thủy tinh xinh xắn vừa cho một khẩu phần juice bạn hay uống (như mình dùng chai thủy tinh 300ml có nắp xoắn gioăng cao su).
  • Khi đổ nước ép vào đồ đựng, hãy đổ phần nước ép đến kín miệng chai – giảm thiểu tối đa phần không khí giữa nước và nắp (giảm tiếp xúc với oxy gây oxy hóa), càng không có không khí ở giữa khoảng cách đó càng tốt.
  • Một chú ý nhỏ nữa là có thể thêm một chút chanh khi ép (giống như bạn hay thấy ở nhiều công thức nước ép có chứa ½ – 1 quả chanh): vừa để tăng hương vị, vừa để giúp giảm thiểu mất dinh dưỡng trong quá trình bảo quản nhờ lượng vitamin C, citric acid và các chất chống oxy hóa (cũng giống như khi ta vắt chanh vào quả táo sẽ thấy táo lâu thâm hơn).
  • Nước ép bảo quản tốt nhất ở nơi tránh ánh sáng. Bởi nước ép sẽ bị oxy hóa khi tiếp xúc với nhiệt độ và ánh sáng. Bạn có thể đựng nước ép trong các chai thermo giữ nhiệt, tuy rằng trông chúng không ‘quyến rũ’ như khi đựng trong chai thủy tinh vì bạn nhìn thấy được hết các sắc màu của nó. Nếu cần di chuyển và mang các chai nước ép theo mình từ 1h trở lên, hãy sử dụng các thùng đá du lịch.
  • Nhìn chung nước ép nếu được bảo quản như trên có thể trữ được 24h (với máy ly tâm) và 48h (với máy ép chậm) trong ngăn mát tủ lạnh (<5oC), thậm chí có thể để được tối đa đến 72h.

Tuy nhiên càng để lâu thì đương nhiên phần nước ép sẽ càng bị mất dinh dưỡng. Tốt nhất là chúng ta ép vào buổi sáng và uống trong ngày.

Nếu thực sự cần bảo quản lâu hơn, các bạn nên đông lạnh juice. Nếu đông lạnh thì không nên đổ nước ép kín nắp mà cần để lại chút không khí cho nước ép giãn nở (khoảng 5-10cm trên cùng). Khi nào cần uống thì bỏ lên ngăn mát hoặc ngâm chai juice trong nước thường để rã đông (tuyệt đối không rã đông lâu khi để ngoài nhiệt độ thường hay dùng lò vi sóng) và uống ngay khi đã rã đông. Nguyên tắc rã đông này áp dụng tương tự cho các thực phẩm tươi khác. Tuy nhiên làm đông juice thì tốt nhất nên dùng vật liệu khác không phải thủy tinh vì nó có rủi ro bị nứt vỡ rất cao.

Hãy luôn nhớ, nước ép bị oxy hóa nhanh hơn các loại rau củ quả khi chúng ở dạng nguyên quả, vì khi đã ép, phần thành tế bào của rau quả đã bị phá vỡ nên các chất dinh dưỡng dễ dàng tiếp xúc với không khí, nhiệt độ và ánh sáng, và càng để lâu các yếu tố này càng làm giảm chất lượng dinh dưỡng của nước ép.

Thời gian lưu trữ trên đây chỉ là tương đối. Quan trọng là chúng ta phải quan sát khi sử dụng. Nếu thấy nước ép có biến đổi về mùi, vị và màu sắc nhiều, chứng tỏ nước ép đã bị oxy hóa cao, sẽ có nguy cơ vi khuẩn không có lợi đã sinh sôi nhiều và có thể gây đau bụng. Hãy sử dụng trực quan của mình.

Các bạn nhớ nhé: luôn cố gắng uống nước ép tươi nhất khi có thể, ngay khi vừa ép xong! Và nếu không uống ngay được, hãy bảo quản nước ép tốt nhất có thể nhé!

 

Happy Juicing/ Ingredients Insights

Thêm gừng vào bữa sáng để “đánh thức” hệ ruột

Bữa sáng là bữa ăn gần như quan trọng nhất trong ngày, nó cần đủ dưỡng chất và giúp bạn có đủ năng lượng và tỉnh táo cho một ngày dài. Nhưng thường thì bữa sáng của chúng ta khá nhàm chán. Hãy thử thêm gừng vào một vài món quen thuộc, bạn sẽ thấy bất ngờ đó! Gừng có thể mang lại hương vị tuyệt vời và độc đáo cho buổi sáng của bạn.

Siêu thực phẩm đa năng này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ điều trị buồn nôn đến giảm đau cơ. Nó bao gồm vô số lợi ích cho sức khỏe, từ việc thúc đẩy quá trình trao đổi chất đến chống lại vi khuẩn tự nhiên. Nó cũng đặc biệt tốt trong điều trị đau, chuột rút kinh nguyệt và đau nhức do tập luyện. Nhưng điều gì làm cho gừng thực sự trở thành “siêu phẩm” trong các loại gia vị?. Vì nó có thể kết hợp với nhiều món và có thể dễ dàng thêm vào bất kỳ bữa ăn nào trong ngày.

Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thêm những lợi ích sức khỏe của gừng trong bữa sáng hàng ngày, hãy thử một xíu “cay cay” để đánh thức hệ ruột nhé:

Thêm gừng trong tách cà phê hoặc trà sữa ấm buổi sáng

Cà phê và gừng tạo ra một bộ đôi chống gốc tự do mạnh mẽ, đặc biệt vì cà phê là một trong những nguồn chất chống oxy hóa lớn nhất thế giới. Để nhận được siêu thực phẩm buổi sáng của bạn, chỉ cần thêm gừng xay vào cafe của bạn (tối đa 1 muỗng cà phê mỗi cốc)

Hoặc bạn cũng có thể thử cách tương tự với trà sữa. Cà phê gừng hay Trà sữa gừng kiểu truyền thống của Trung Đông này không chỉ mang vị cay ngon lạ lẫm mà còn có thể hỗ trợ tiêu hóa.

Trà sữa gừng là một loại đồ uống để làm nóng mùa đông lạnh. Không chỉ ấm áp và thoải mái, nó có thể giúp bạn thư giãn, giảm đau bụng. Một tách trà vị cay cay vào buổi sáng sẽ đặc biệt hữu ích trong việc làm giảm buồn nôn, say tàu xe hoặc ốm nghén do mang thai.

Phết một chút mứt gừng lên bánh mì

Mứt trái cây thì rất quen thuộc rồi, nhưng bạn đã bao giờ thử mứt gừng?. Bạn có thể mua nó hay tự làm tại nhà (công thức mứt gừng cực đơn giản nhé), một ít mứt gừng sẽ khiến bữa sáng với bánh mì cực ngon.

Thêm nước gừng vào sinh tố

Thử thêm một ít vào sinh tố buổi sáng hoặc sau khi tập luyện, bạn sẽ có một bữa sáng đủ chất và có vị đặc biệt.

Thêm vào ly juice một chút gừng

Thử thêm 1 mẩu gừng nhỏ vào khi bạn làm nước ép xem, đảm bảo một ly nước ép có vị gừng sẽ hấp dẫn cực kì. Gừng là “bí quyết” của nhà True Juice để có những vị juice lạ lẫm và bổ dưỡng đó.

Shots gừng nghệ – thần dược bí mật

Uống shots gừng nghệ vào buổi sáng vào đợt dịch bệnh rất cần thiết. Càng đậm đặc “nặng đô” thì càng diệt vi khuẩn, virus mạnh. Uống vào lúc đầu sẽ khá cay và khó nhằn, nhưng uống xong bạn sẽ thấy mũi và họng được xoa dịu liền, dạ dày cũng được diệt khuẩn.

Công thức Shots Gừng Nghệ không phức tạp, chỉ gồm táo đỏ bỏ hạt, gừng và nghệ. Nhưng Shots Gừng Nghệ cần được uống đều đặn hàng ngày, Vậy nên nếu ngại ngần vì mỗi ngày phải phải gọt rửa gừng nghệ, chọn lựa táo có nguồn gốc an toàn, ngại dính đến nghệ vì màu rất khó phai, khó rửa trên dụng cụ, đồ đạc xay ép thì có thể đặt ngay Shots Gừng Nghệ từ True Juice

Nước sốt salad có vị…gừng

Sốt salad có vị cay cay của gừng rất đặc biệt.

Bạn đã từng thử ăn salad tươi mát với nước sốt có vị gừng cay cay chưa? Nếu chưa hãy thử ngay cách làm salad rau quả cùng với nước sốt gừng đậm đà, cay ấm quyện vào nhau hấp dẫn. Đây sẽ là sự kết hợp độc đáo cực ngon miệng. Hãy thử ngay để cảm nhận hương vị nhé.

Với những tác dụng tuyệt vời của gừng đối với sức khỏe và cả việc chúng quá dễ dàng, tiện lợi để “chế biến” với các món ăn (thực ra gần như bạn chẳng cần làm gì mấy đâu, cực nhàn!), bạn hãy thử thêm gừng vào bữa sáng của mình ngay ngày mai theo cách mà bạn thích nhất nhé

Plant-based Milk

Sữa sầu riêng sữa dừa

Sầu riêng và dừa sinh ra để cho nhau
Mùa hè năm nay mới dám ăn sầu riêng nhiều hơn, mà mình lại mê những thứ béo ngậy, thế nên món sữa hạt phiên bản nhẹ nhàng của sinh tố sầu riêng đã từng chia sẻ, là em này.
Cơ bản là sữa hạt điều+sữa dừa+sầu tươi.
Thơm ngậy mượt mà.
Đặc biệt phù hợp cho các bạn muốn tăng cân.
Các bạn muốn giảm, và người nóng quá, mùa hè chớ ăn nhiều món này.
Cách làm như sau:
-Sữa hạt điều: cách làm tại đây
-Sữa dừa tươi: cách làm tại đây
Sầu riêng tươi 2 múi, bỏ hạt lấy phần cùi.

Tổng 500ml sữa hạt (tỉ lệ sữa hạt điều và sữa dừa là tùy sở thích của bạn, vì hạt điều khá dễ xay nên mình chỉ cần có sữa dừa rồi thả vài hạt điều đã ngâm mềm vào là xong)

Tất cả cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc qua rây lọc để sữa mịn hơn.

Smoothie

Smoothie cacao, yến mạch, chà là – 4 nguyên liệu và 1 phút làm

Một trong những tội lỗi đi kèm với tuổi và thời gian, đố các bạn biết là gì?
 
—-

Là khó tính!

Đó là cái tội của việc trải nghiệm mỗi lúc một nhiều lên. Càng ngày cơ hội để thử những cái mới hoàn toàn lại càng ít đi.

Ví dụ như mình. Tội của đứa đã biết làm bánh rồi, thì ăn bánh vớ vẩn với nguyên liệu linh tinh thì sẽ lựa chọn không ăn còn hơn – phí mồm.
Tội của đứa đã biết thế nào là cảm giác khỏe khoắn rồi, thì cấm có muốn quay lại cái thời vô tổ chức.
Tội của đứa đã uống juice nguyên chất rồi, biết thế nào là juice tươi, thật sự đúng, thực sự tốt, thì cái lưỡi nó đã khác rồi, cấm có uống được các loại đồ uống nhiều đường hay các chất phi tự nhiên khác.
Thật.
Chỉ cần đọc thành phần và nhìn nhãn mác một sản phẩm là mình cũng đoán ra được vị và cách làm của nó như thế nào.
 
Ăn nhiều đồ ngon, biết nhiều, đi nhiều, trải nghiệm lắm, cũng là một bất lợi nếu không giữ cho mình được sự trân trọng từ những cái nhỏ nhất. Vì đó là cơn xoáy ốc của vật chất.
Càng nhiều càng thấy ít. Càng có càng thấy thiếu.
 
Để back to basics và sống đơn giản ít đòi hỏi, là một nỗ lực.
 
Thôi thì lỡ dại, đã biết smoothie healthy nó phải như nào, cái gì nên đưa vào người rồi, nên làm chocolate smoothie cũng phải kiểu healthy một tí, nhưng vẫn phải đơn giản dễ hiểu, ít đòi hỏi.
 
Thế là mời các bạn cái cốc này. Có 4 nguyên liệu thôi.
Cho mấy thứ này vào máy sinh tố, nhấn 30s (máy yếu hơn thì 60s nhé) là có một cốc để ăn sáng cho tỉnh táo.
 
Chuối đông lạnh 1-2 quả
Cacao powder nguyên chất không đường 1 tbsp
Yến mạch hữu cơ đã cán 1 tbsp
2-3 quả chà là, đã bỏ hạt
Nước lọc, hoặc nước dừa hay sữa hạt tùy có gì cho nấy.
 
Cho tất cả vào xay nhuyễn.
Đổ ra cốc, rắc yến mạch để toppings.
Và thưởng thức với tinh thần lạ lẫm tò mò của một đứa trẻ được mẹ làm cho món sinh tố socola với tình yêu thương – kiểu gì cũng thấy ngon!
 
Các bạn hay uống sinh tố chocolate kiểu gì?
 
#chocosmoothie
Happy Juicing/ Juice Challenge

Kết thúc juice cleanse đúng cách – bí quyết khi thanh lọc với nước ép

Kết thúc nhịn ăn quan trọng tương đương quá trình nhịn ăn.

Mình đã nhấn mạnh rất nhiều lần với tất cả mọi người khi chuẩn bị thực hiện thanh lọc với nước ép, và bí quyết này cũng được các bạn tư vấn của True Juice nhắc rất kĩ tới các khách hàng của chúng mình, đưa cả vào toàn bộ các tài liệu hướng dẫn liệu trình.

Nếu quá trình chuyển giao từ khi kết thúc juice cleanse trở về với chế độ ăn và nhai thực phẩm trở lại không đúng (vồ vập ăn ngay sau khi vừa kết thúc cleanse), có thể làm hại cơ thể hơn và lãng phí toàn bộ nỗ lực thanh lọc bạn đã làm trước đó.

Độ dài của giai đoạn chuyển giao

Thông thường bạn cần tối thiểu 1-2 ngày sau khi thanh lọc thải độc và nhịn ăn cho chế độ chuyển giao.
Càng cleanse lâu thì càng phải chuyển giao lâu và kĩ.

Nếu cleanse 3 ngày: ít nhất 1-2 ngày chuyển giao
Nếu cleanse 5 ngày: ít nhất 3 ngày chuyển giao
Nếu cleanse 7 ngày: ít nhất 4 ngày chuyển giao

Sau đó mới được ăn bình thường trở lại. ‘Bình thường’ ở đây là có đầy đủ các nhóm thực phẩm – không có nghĩa là ăn bậy bạ như trước khi cleanse vì nếu quay lại như cũ thì cơ thể lại dễ tích tụ độc tố trở lại và đánh mất hiệu quả của cleanse.

Do Juice cleanse là cơ hội để ‘tái khởi động’ cho một cơ thể khỏe mạnh, thiết lập lối sống healthy, hãy tận dụng hiệu quả sau cleanse để bắt đầu lối sống healthy.

Nếu ví cleanse là ‘bảo trì’ cho cơ thể định kỳ, dọn đường cho các thay đổi tích cực, thì giai đoạn duy trì sau đó là giai đoạn dài hơi để định hình thói quen dinh dưỡng và sinh hoạt cho bạn hướng đến ‘healthy’ hơn, tốt hơn.

Chế độ ăn sau liệu trình

Sai lầm cực kỳ lớn của những người tự tin mình vừa ‘nhịn ăn thải độc’ là ‘ăn bù xả láng’ ngay sau đó. Đây là điều hoàn toàn không nên! Đừng vội tưởng thưởng ngay một bữa nhậu hay vớ ngay vài thanh socola hay cái bánh ngọt cho thỏa. Đặc biệt với các liệu trình dài ngày, thời gian chuyển giao là cực kỳ quan trọng. Như mình đã đề cập ở trên, việc đột ngột ăn trở lại quá nhiều, quá nhanh, các loại đồ ăn ‘nặng’ sẽ ‘gây gánh nặng’ cho hệ tiêu hóa vì cơ thể bạn đang ở chế độ quen với chất lỏng. Mục đích của việc làm sạch là để cho cơ thể và hệ thống tiêu hóa của bạn có được nghỉ ngơi xứng đáng, do vậy nó chưa sẵn sàng để chiến đấu với những thức ăn quá nhiều chất.

Hãy bắt đầu dần dần quay lại nhai thức ăn cứng một cách từ từ.

Juice, juice và juice Đừng quên tiếp tục uống juice sau khi kết thúc cleanse

Ngày đầu tiên ngay sau khi kết thúc cleanse:

Chỉ có 1 ngày quan trọng giữa chế độ toàn chất lỏng, và trở lại ăn nhai, bạn sẽ thấy đói và thèm/háo hức – nhưng đừng vội vàng. Đây mới là lúc quan trọng nhất. Bạn đã mất công sức (và tiền) cho một đợi juice cleanse thanh lọc, bạn không muốn lãng phí đúng không? Nên hãy kéo khóa miệng lại, giữ chặt cái bụng và chấn chỉnh lại tư tưởng ngay nếu bạn tưởng bạn có thể ăn ‘bù’

Bữa ăn đầu tiên ngay sau khi kết thúc thanh lọc

Hãy ăn chậm và cẩn thận, cảm nhận từng miếng nhai của bạn như chưa bao giờ được nhai. Món tốt nhất để nhai trở lại lúc này chính là hoa quả. Hãy chọn 1 quả táo, hoặc cam ngọt, hoặc một đĩa hoa quả theo mùa. Nhai và tận hưởng chậm rãi. Bữa ăn này giúp duy trì sự cân bằng pH của cơ thể bạn trong quá trình cleanse, trước khi giới thiệu lại nhiều loại thực phẩm khác. Các loại hoa quả họ chua cũng rất tốt lúc này, mặc dù chúng có tính acid ở bên ngoài nhưng khi vào cơ thể chúng lại tạo tính kiềm. Ngoài hoa quả thì 1 đĩa salad đơn giản cũng là bữa ăn đầu tiên hoàn hảo sau khi cleanse.

Các yếu tố của ngày đầu tiên sau khi kết thúc thanh lọc: 
– Tiếp tục uống juice (tối quan trọng, vì cơ thể bạn vừa được vỗ về bởi cơ man vitamin khoáng chất và chất chống oxy hóa, vi chất thực vật lượng lớn từ rau củ quả tươi, bạn không thể để nó hụt hẫng bằng cách tắt lịm không chút juice nào vào ngày sau đó)
– Chỉ nên ăn rau củ quả (tươi hoặc hấp, luộc), khoai sắn, hoặc cháo loãng với gạo lứt hoặc yến mạch
– Ăn thêm các loại thực phẩm có lợi cho tiêu hóa, kích thích lợi khuẩn (sữa chua từ men tự nhiên như keffir, kombucha, các loại rau góp ngâm chua, kimchi, tempeh…nếu là sản phẩm mua sẵn thì cần đọc kĩ thành phần để đảm bảo không chọn các loại chứa nhiều phụ gia và chất hóa học)
– Tuyệt đối chưa ăn thịt và hạn chế dầu mỡ tối thiểu ít nhất trong 2-3 ngày sau cleanse (tuy nhiên các loại chất béo tốt như quả bơ và dầu ép lạnh từ hạt thì nên)
– Các thực phẩm tuyệt đối không: đồ ăn và đồ uống công nghiệp được làm ra từ các nhà máy lớn (đóng hộp và thành phần nhiều các chất phụ gia và chất hóa học), đồ ăn chiên xào rán kĩ nhiều dầu mỡ, rượu bia cồn thuốc lá.
Duy trì chế độ gần như thực vật tươi sống đó càng lâu càng tốt

Từ ngày thứ 3 sau cleanse trở đi:
Có thể ăn dần trở lại các loại tinh bột nguyên cám như cơm gạo lứt hoặc bánh mỳ nguyên cám, thịt cá chế biến đơn giản. Tiếp tục uống juice là rất quan trọng trong việc bổ sung cơ thể với vi chất dinh dưỡng tốt và kéo dài hiệu quả của đợt thanh lọc. Tiếp tục bổ sung các thực phẩm lợi khuẩn và chế độ ăn thiên về thực vật tươi sống ít chế biến.

Trên blog juiylife này mình đã chia sẻ khá nhiều các loại sinh tố rau xanh, green juice, sữa hạt và một số loại salad. Các bạn có thể tham khảo để tiếp tục đưa juice, smoothie và các loại đồ ăn nhiều rau củ quả tươi vào chế độ ăn sau cleanse của mình nhé. Hãy bổ sung tủ lạnh và căn bếp của bạn với thật nhiều các thực phẩm tươi ngon, tự nhiên và ít chất bảo quản, ít các thành phần phi tự nhiên, để bạn dễ dàng duy trì một chế độ ăn ‘healthy’ nhé.

Hãy nhớ lời dặn của mình. Đã mất công thực hiện thanh lọc, thì hãy kết thúc nó thật chu đáo.

Chúc các bạn thành công!

Healthy Food

Cách làm bánh Crepe Cầu Vồng từ màu juice rau củ

Tiếp tục series Cầu Vồng dành cho những tâm hồn nhiều sắc màu.
Trước đó mình đã chia sẻ về món Sinh tố Cầu Vồng, dành cho những tín đồ smoothie và yêu thích sự nghịch ngợm với rau củ quả cũng như không ngại tay lấm lem mặt nhem nhuốc như họa sĩ rau củ.

Hôm nay là món bánh Crepe Cầu Vồng – fancy vô cùng nhưng mà chả khó tí nào.

Cái khó nhất ở các công đoạn làm bánh này là gì các bạn biết không?

Một đôi chân thật khỏe, và một tâm hồn kiên nhẫn bậc thầy.

Bánh làm không khó, nhưng mà cái khâu rán bánh trên bếp ý, mình thật sự không ngờ nó lâu đến vậy. Còn chả nhớ đếm tổng có bao nhiêu lớp bánh nữa, vì cứ rán, rán, lật, lật, rót rót, láng láng…đến khi nào tấm xử lý hết đống 6 màu bột đó thì thôi. Sau gần 2 tiếng đứng rán thì đã quyết định thông minh cho lần sau (nếu có làm lại, éc.): sẽ dùng 2 cái chảo để song kiếm cùng lúc, tăng gấp đôi hiệu suất cho đỡ … buồn ngủ! Hoặc lôi ông chồng vào bắt đứng trông bánh cùng. Quyết không làm một mình nữa.

Đây là chưa kể hỗn hợp bột đã pha mất khoảng nửa tiếng từ chiều, nhét vào tủ lạnh cho bột nó nở rồi đến tối mới lôi ra rán bánh. Quả là một sai lầm. 11h đêm vẫn đang ôm chảo và ngáp.

Công thức bánh này mình cũng tham khảo trên mạng thôi, nhưng sau khi làm thì có chút điều chỉnh, vì đặc biệt khi dùng màu tự nhiên bằng nước ép rau củ. Còn nếu dùng bột rau củ mua sẵn cũng có nhiều, thì tỉ lệ nó cần khác đi chút chút.

NGUYÊN LIỆU lÀM BÁNH CREPE CẦU VỒNG

Phần bạt bánh crepe

  • bột mì đa dụng (all purpose flour) 250g
  • sữa tươi không đường 400 ml
  • trứng gà 4 quả
  • dầu ăn 15ml
  • đường 70g
  • bơ nhạt 65g đun chảy rồi để nguội
  • một xíu muối
  • Màu thực phầm: mình không dùng phẩm màu, mà dùng nước ép rau củ quả nguyên chất để tạo màu. Các màu như sau:
    Đỏ: nước ép củ dền nguyên chất
    Hồng: nước ép thanh long (hoặc dâu tây, màu dây tây nhạt hơn thanh long nhiều nên tỉ lệ sẽ do bạn tự điều chỉnh khi pha bột)
    Cam: nước ép cà rốt và một xíu nghệ
    Xanh green: nước ép rau bó xôi
    Xanh blue: trà hoa đậu biếc pha thật đặc để nguội
    Tím: nước ép khoai lang tím (hoặc có thể thử bắp cải tím nhé)
    – Mỗi loại nước ép chuẩn bị khoảng 20-30ml nước cốt để riêng vào các bát con để chờ pha bột.

Phần nhân kem

  • Kem tươi (whipping cream): 400ml
  • Đường 70g

CÁCH LÀM BÁNH CREPE CẦU VỒNG

Toàn bộ phần bạt bánh (trừ màu),  đánh trộn đều với nhau. Thực ra mình cũng thử đánh trứng với đường trước cho bông rồi mới đổ sữa và bơ, dầu ăn vào nhưng nó xẹp ngay ý mà nên cũng chả cần mất công đánh làm gì, món này chỉ cần dùng cái phới lồng trộn tuốt tuồn tuột với nhau cho thật nhuyễn, đánh thoải mái ko lo. Sau khi nó nhuyễn mịn đều thì thôi. Nếu bột nó vón cục ko tan hết thì đằng nào chút nữa cũng rây qua rây lọc 1 phát cho chắc ăn, đảm bảo hỗn hợp bột thật nhuyễn mịn, tráng bánh mới yên tâm, ko lo bị vón.

Lúc này mình có hỗn hợp bột bánh gần như xong rồi.

Giờ chỉ cần trộn màu vào nữa.

Chia đều hỗn hợp bột này thành 6 phần vào 6 cái bát ô tô.
Sau đó với mỗi phần bột, bạn rót juice từng loại vào để pha màu, trộn đều và nhìn màu sắc cho ưng độ đậm nhạt tùy ý. Lọc qua rây lọc cho bột thật nhuyễn mịn để tránh bị vón cục còn sót cục bột chưa tan nào.

Rồi cho tất cả các bát bột vào tủ mát, cho bột nghỉ khoảng 1 tiếng trong tủ để nó nở rồi mới rán.

Rán bánh: đây là khâu đau thương vì tốn thời gian. Lượng hỗn hợp bột trong công thức này sẽ cho ra khá nhiều, nếu bạn đổ bánh đường kính khoảng 15-18cm thì nó cao đến tầm 15 lớp bánh ý, như của mình đếm lại trong ảnh thì tầm đó. Tráng mỏi tay đấy.

Dùng chảo chống dính tốt thì khỏi cần dầu ăn, rán không thôi. Mình dùng chảo đá, trơn tuột ko cần tí dầu ăn nào.
Bật lửa cỡ nhỏ. Hua tay trên chảo thấy có hơi nóng là được. Rót bột bánh vào giữa chảo. Mỗi lần đổ bột bánh vào chảo thì nhanh chóng nghiêng chảo láng đều, có thể dùng cái thìa vét bột tràn rộng ra hơn trên chảo, cho bánh nó mỏng, ko bị dày. Ước lượng mỗi phần bột màu sẽ làm được 2-3 lớp (tùy bạn tráng bánh đường kính to bao nhiêu). Sau vài lượt là sẽ ra độ tròn đều. Mà kể cả nó ko đều thì chút nữa dùng dao cắt cho nó thành đều nhau cũng được, không sao. Có một tip cho nó đều đường kính bằng nhau là chọn một cái bát ô tô với đường kính miệng bát phù hợp, úp xuống và cắt bớt riềm của toàn bộ bánh, là sẽ có cá lớp bánh đều tăm tắp. Nhưng mình ko dùng, mình để nguyên riềm bánh cho nó đỡ phí :D. Hơi tua rua tí cũng đc, bánh nhà làm chứ có mang đi thi đâu mà sợ xấu đẹp hihi.

Mỗi mặt bánh rán khoảng 1-1.5 phút trên chảo. Đừng rán già quá nó phai mất màu đẹp. Bột bánh này nó cứ trong trong tức là cũng chín sơ bộ rồi, chỉ cần rán thêm chút cho nó thơm hơn thôi chứ ko lo nó sống.

Sau khi rán hết các màu bánh thì để đó cho nguội.

Trong lúc chờ nguội bánh thì đi làm nhân kem.

Kem tươi đánh bông cùng đường đến khi bông cứng (tránh đánh lâu quá đà là nó bị lợn cợn bị vữa kem đấy). Chắc các bạn đã làm bánh sẽ hiểu cách đánh kem whipping cream.

Cho kem tươi vào tủ lạnh ít nhất 15 phút rồi mới bỏ ra trang trí.

TRANG TRÍ CÁI CẦU VỒNG

Mỗi lớp bánh thì trét 1 ít kem, dùng dao hoặc thìa miết đều cho kem gần tới riềm nhưng đừng gần riềm bánh quá ko chút nữa nó phòi ra hết. Cứ thế mỗi lớp bánh lại 1 lớp kem. Đến khi hết các tầng bánh. Còn thừa kem thì trét nốt lên trên cùng.

Thích trang trí gì tùy. Mình chỉ cần thế thôi hehe.

Trang trí xong thì lại cho cả đống bánh vào tủ lạnh cho nó ổn định và chắc kem lại. Khoảng 1h sau lôi ra cắt và chén.

Ăn cũng ra gì phết các bạn ạ. Kem tươi ngậy mát, bánh vừa phải không ngọt. Nói chung thơm ngon sang chảnh. Chả có hàng nào bán cho bạn cái bánh chất thế này đâu.

Mấy giờ lao động là đây. Ai làm ngon bằng được. Nhỉ?

Mình làm bánh này chỉ vì cái đứa 5 tuổi ở nhà nó đòi mẹ làm bánh cầu vồng bằng được. Nên nhìn nó ăn ngon lành thì cũng coi là thành công.
Cộng thêm chụp ảnh sống ảo lung linh fancy khoe khắp xóm làng FB và blog nữa.

Đêm nay nằm ngủ cũng mơ thấy đứng rán bánh.

Một giấc mơ thật nhiều cầu vồng!

Ứng dụng juice rau củ làm màu tự nhiên cho các món khác nè:
Sinh Tố Cầu Vồng healthy
Kẹo dẻo gummy bear (kẹo chip chip) healthy cho các bé
Bánh trôi ngũ sắc từ juice

Happy Plant-based Milk/ Plant-based Milk

Công Thức Sữa Gấc cho đôi mắt sáng – Gac Nut Milk

SỮA HẠT VÀ GẤC

Nếu có một thực phẩm bản địa truyền thống trong ẩm thực dân gian quen thuộc, một superfood chưa được khai thác nhiều, thì đó sẽ là GẤC.

Gấc – trái cây của thiên đường – The fruit from Paradise

Gấc được coi là thực phẩm số 1 về hàm lượng Beta Carotene (tiền chất của vitamin A – chất này đặc trưng tạo màu vàng/đỏ – có trong các loại củ quen thuộc như cà rốt, khoai lang, bí đỏ…). Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi cà rốt. Lượng Lycopen trong những trái gấc màu đỏ, có thể cao gấp 70 lần cà chua. Ngoài 2 chất đặc trưng trên thì gấc còn chứa vô số các chất có lợi khác.
Túm lại ăn nhiều các chất trên thì giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, sáng mắt, ngăn chặn mù lòa, giảm tỷ lệ ung thư, viêm gan, huyết áp, ngoài ra da cũng đẹp, bớt sạm, khô v.v.

Thông thường các vitamin sẽ dễ giảm chất lượng khi chế biến nhiệt cao, tuy nhiên Lycopen lại ngược lại – dễ hấp thụ và phát huy tốt hơn khi qua nhiệt. Vì vậy với gấc chúng ta nên làm chín trước khi dùng để chế biến các món khác, và cũng bởi thịt gấc khi làm chín sẽ bớt mùi ngái hơn, thơm ngon hơn.
Phần màng hạt gấc đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao nên các bạn đừng bỏ.

Theo cách truyền thống của ông bà xưa thì do quả gấc khó trữ lâu và mỗi lần làm mất công, nên quả gấc thường được làm thành dầu gấc, hoặc mỗi khi chế biến sẽ cho thêm chút rượu để tăng thêm màu đỏ đẹp và át mùi vị ngái của gấc.

Mình sẽ hướng dẫn cách sơ chế gấc để các bạn có thể trữ đông dùng được lâu, và lại tiện để chế biến các món ăn, đồ uống healthy nhé.

CÁCH CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN THỊT GẤC TƯƠI

Quả gấc tươi bổ đôi

 

BƯỚC 1: BỔ ĐÔI QUẢ GẤC

Lấy thìa nạo và đổ phần thịt và hạt gấc ra 1 cái âu to (nên dùng âu inox hoặc thủy tinh vì gấc khá bám màu).
Lưu ý không nạo kĩ phần vỏ có thể gây đắng

BƯỚC 2: TÁCH BỎ HẠT

Do phần màng xung quanh hạt gấc khác dai nên mình dùng con dao nhỏ cắt một đường rồi lột một phát là phần vỏ và thịt gấc sẽ rời khỏi hạt rất nhanh.
Nếu có găng tay y tế (loại bám sát vào tay chứ ko phải găng nilong rộng thùng thình đâu) bạn nên dùng để tránh gấc bám vào ngón tay.

BƯỚC 3: XAY NHUYỄN VÀ CHÍN

Thực ra có 2 cách làm chín gấc: 1 là bạn hấp phần thịt gấc trước khi tách hạt. 2 là bạn tách hạt xong thì hấp, rồi xay nhuyễn.

Mình thì hay làm như sau:
Lấy phần thịt gấc tươi vừa lọc bỏ hạt kia, đem xay nhuyễn mịn (dùng máy xay sinh tố, cho thêm một chút nước và chút muối hồng, miễn sao có thể xay nhuyễn dễ dàng)
Sau đó cho hỗn hợp gấc mịn đó lên bếp quấy đun. Đun lửa vừa (không to), và quấy liên tục. Khi hỗn hợp nóng và lục bục được 3 phút thì bạn tắt bếp được rồi. Không cần đun lâu quá. Sau đó để nguội.

đây là hỗn hợp gấc đã xay mịn, chưa sôi (khi chín bạn sẽ thấy nó còn đỏ hơn nữa và có mùi thơm hơn là mùi ngái của gấc tươi)

Vậy là ta đã có phần cốt gấc/thịt gấc nguyên chất để yên tâm sử dụng trong các món rồi. Chỗ thịt gấc này có thể chia vào các khay làm đá, thành các viên đá gấc nhỏ, trữ đông được 1-3 tháng, mỗi lần chỉ cần 1 viên là đủ cho 1 phần ăn.

Có tiện không nào các bạn?

Còn đây là vào phần chính – sữa hạt và gấc

CÔNG THỨC SỮA GẤC BỔ MẮT

Khi đã có phần cốt gấc trên rồi, chúng ta tha hồ làm rất nhiều món khác nhau. Trí tưởng tượng của các bạn sẽ đưa các bạn đi xa nhé. Mình sẽ update dần một vài món cơ bản với gấc để các bạn tham khảo nhé.

Sữa hạt – 1 lít  – Bạn có thể chọn bất kỳ loại sữa hạt nào bạn hay làm, mình thì thích sữa hạt điều, hoặc sữa dừa và sữa hạnh nhân. Các công thức cách làm chi tiết đều đã chia sẻ tại đây: cách làm sữa dừa, sữa hạt điều 3 vị, sữa hạnh nhân.

Cốt gấc – 40-80ml (tùy khẩu vị của bạn thích mùi và màu gấc đến đâu)

3 quả chà là ngâm nước lọc cho mềm xay cùng để lấy vị ngọt (dĩ nhiên là phải bỏ hột chà là trước khi xay nhé). Nếu không có chà là bạn có thể dùng mật ong và đường thốt nốt hoặc đường thô tùy ý.

Cách làm:
Cho sữa hạt, cốt gấc và chà là đã ngâm mềm bỏ hạt vào máy xay sinh tố, xay ở tốc độ cao trong 1 phút.

Vậy là bạn đã có sữa gấc hoàn toàn từ thực vật, vô cùng bổ dưỡng, và vị thì ngon đáo để đấy!

CHÚC CÁC BẠN CÓ NHỮNG LY SỮA GẤC THẬT NGON!

Lưu ý:

Dĩ nhiên thực phẩm tốt mấy cũng không nên lạm dụng. Vì lượng tiền vitamin A trong gấc cao, mà vitamin A là vitamin tan trong dầu,  là loại cơ thể nếu dư thừa không đào thải được qua đường tiểu  nên nếu ăn quá nhiều sẽ tích ở gan. 

Juice Challenge/ Smoothie

7 công thức smoothie bowl cho bữa sáng nhanh gọn đủ chất siêu healthy

Nếu các bạn follow trên FB cá nhân của Huyền thì đã thấy Huyền từng kêu gọi thử thách 7 ngày với Smoothie bowl. Trong post này Huyền tổng hợp lại series đó để các bạn có thể tự thực hiện và tìm mọi thông tin liên quan luôn một chỗ nhé.

Nhớ hash tag #7smoothiebowl #juicylife để mình cùng theo dõi kết quả nếu bạn tự thực hiện nhé!

Cơ bản thử thách này là 7 smoothie bowl tương đương với 7 bữa sáng trong tuần liên tục. Mục đích là để mọi người trải nghiệm thay một bữa với sinh tố và cảm nhận bản thân trong 1 tuần, từ đó xây dựng thói quen ăn uống healthy hơn, hoặc chỉ đơn giản làm cho vui, ăn cho ngon miệng, cho đẹp mắt cũng được.


SMOOTHIE BOWL LÀ GÌ? CÓ GÌ HOT?

Sinh tố thì chắc không có gì lạ. Nhưng sinh tố với các nguyên liệu healthy hơn, sử dụng các loại hoa quả làm ngọt tự nhiên (không có chuyện dùng sữa đặc ông thọ đâu), sử dụng nhiều loại super foods, có thể đủ no để thay một bữa ăn đủ chất nhưng khỏe người, thì không phải ai cũng rành.

Smoothie bowl là trào lưu trong 2 năm gần đây, đặc biệt trên thế giới, với tên gọi ‘acai bowl’ nữa vì thực ra nó bắt nguồn từ việc dùng bột acai (một loại quả nhiệt đới xuất phát từ Brazil được phương Tây xay sinh tố sệt như kem phục vụ trong bát ô tô).

Smoothie bowl cơ bản như tên gọi – là SINH TỐ đựng và bày biện trong BÁT (ô tô, ý là bát to mới đủ ăn sáng ý).

Smoothie bowl về cơ bản khi đã nắm cách làm rồi thì cho phép chúng ta sáng tạo vô giới hạn và bày biện với đủ các loại toppings để tạo ra thậm chí các tác phẩm nghệ thuật (đẹp lắm ý – dưới con mắt một đứa phàm ăn như tớ).

Một bát smoothie bowl cơ bản gồm 2 phần: 
FRUIT BASE (phần sinh tố chính – thường là base với 1 hoặc nhiều loại hoa quả, quyết định hương vị chính) + TOPPINGS (phần rắc thêm bên trên, có thể rắc đủ thứ khác nhau, từ chính hoa quả làm base, đến các loại hạt, ngũ cốc, hoa quả khô, superfoods khác tùy ý).

Nó khá đặc, và bạn sẽ xúc ăn bằng thìa. Sau khi ăn một bát sẽ không chỉ cảm thấy khá no, sảng khoái, nó còn đặc biệt phù hợp cho những ngày hè nắng nóng, và cũng đủ thỏa mãn cho những kẻ thèm ngọt.

Ai cũng biết bữa sáng quan trọng, nếu bạn ăn một bữa sáng healthy, nhiều khẩu phần rau hoa quả, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong ngày hôm đó vì chí ít cũng bắt đầu ngày mới bằng điều gì đó tốt cho cơ thể.

Ngoài để ăn sáng, smoothie bowl hoàn toàn có thể thay bữa trưa nhanh gọn, hay cho những bạn không muốn ăn nặng nề vào buổi tối (đặc biệt tập tành xong mà có 1 bát này thì không cần ăn tối nữa, rất mát ruột). Mình thì thường chỉ chọn 1 bowl cho 1 bữa thôi chứ không ăn nhiều bữa (trừ khi có ý định cleanse vài ngày chỉ uống juice hoặc sinh tố cho cả ngày thì lại khác).


7 ngày thử thách smoothie bowl

SHOPPING LIST

Đây là shopping list cho thử thách này, dĩ nhiên là để giúp các bạn tiện mua đồ và chuẩn bị. Các bạn hoàn toàn có thể biến tấu hoặc thay đổi, thay thế các loại hoa quả hay rau xanh tùy theo điều kiện quanh khu vực mình và đúng mùa, thấy cái nào hay thì có thể sáng tạo tùy sở thích nhé ạ (dĩ nhiên theo đúng công thức thì chuẩn ngon không lo bị rủi ro làm ra vị ko ưng ý).

NGÀY 1 – XANH SỨC SỐNG

Nguyên liệu: như trong ảnh dưới
Chuối đông lạnh 1-2 quả (quả nhỏ thì 2 quả – thích ngọt thì tăng chuối)
Quả bơ 1/2 (hoặc 1 phần bơ đông lạnh sẵn 100gr như đã chuẩn bị)
Sữa hạt (mình dùng sữa hạt điều vì nó xay nhanh và ngậy) 1 cup – khoảng 200ml 
Rau bó xôi 1 nắm to – thái nhỏ
Rau cải kale 1-2 lá to – bỏ phần cuộng cứng (bình thường khi ép thì dùng cả cuộng như xay thì bỏ ra cho nó mịn) – cắt ngắn

Cách làm
Tất cả cho vào máy xay, xay nhuyễn

Với các loại máy xay công suất không cao thì cần chia làm 2 lần xay. Lần một xay khoảng 1 phút, chỉ sữa hạt và rau xanh, sau đó nghỉ và xay thêm 1 phút nữa cùng các loại quả còn lại.

Đổ ra bát miệng rộng. Rắc thêm toppings.
Toppings mình dùng là: chuối, kiwi, hạt hemp rắc lên

Chú ý: dùng tỉ lệ sữa vừa phải để sinh tố có độ đặc chứ không cho nhiều sẽ làm loãng sinh tố, khó đặt toppings.

NGÀY 2 – TÍM TƯƠI TRẺ

Nguyên liệu:

Dâu tây 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
Việt quất 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
(hoặc có thể dùng dâu tằm)
Thanh long đỏ 1/2 quả
Chuối chín đông lạnh 1 quả
Sữa hạt (mình hay dùng sữa hạt điều, sữa yến mạch hoặc sữa dừa) 1 cup – nếu ko có thì dùng nước dừa tươi

Cách làm:

Cho tất cả nguyên liệu vào xay nhuyễn.

Ít nhất phải có 2 loại hoa quả đông lạnh để smoothie có độ xốp đặc, ko bị chảy loãng. Và các bạn điều chỉnh lượng sữa-chất lỏng cho vào để vừa đủ đặc đừng quá tay.

Nếu các loại dâu chua quá thì tăng lượng chuối hoặc xay thêm cùng 1, 2 quả chà là cho tăng độ ngọt.

Đổ ra bát, rắc toppings tùy ý.
Trong hình là mình dùng cái dụng cụ múc kem nhỏ để xúc thanh long đỏ hình tròn viên bi, rắc thêm hạt hemp, nhà có cây hoa nhài nên ngắt hoa nhài ra trang trí cho thơm mồm 🙂

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 3 – NÂU NO NÊ

Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1-2 quả
Bơ lạc 2tbsp
Sữa hạt (mình dùng sữa điều) 1 cup
Vanilla essense (nếu có thì sẽ thơm dậy mùi) 1/4 tsp hoặc 2 giọt thôi
Cacao powder nguyên chất không đường 1 tbsp

Cách làm:

Cho tất cả vào xay nhuyễn.

Đổ ra bát, rắc dừa nạo, cacao nibs và các loại hạt khô để toppings

Ngon lắm luôn!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 4 – VÀNG NĂNG ĐỘNG

Tập hợp những hương vị đặc trưng của một mùa hè nhiệt đới.

Công thức:

Chuối đông lạnh 1 quả
Dứa 1-2 miếng (1/4 quả)
Xoài 1/2 quả (đông lạnh)
Chanh leo 1 thìa (lấy ruột thôi)
Nước dừa 1/2 cup (tăng giảm sao cho vừa độ sánh của smoothie)

Cách làm:

Tất cả cho vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn.
Nếu máy xay không khỏe lắm thì các bạn hãy xay chanh leo với nước dừa trước, lọc bỏ bã hạt chanh leo, sau đó mới xay cùng các loại còn lại nhé.

Nếu thấy hơi chua thì thêm chút mật ong, hoặc xay cùng 1,2 quả chà là ngâm mềm, hoặc tăng lượng chuối chín.

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 5 – HỒNG TƯƠI VUI

Cho một ngày không bao giờ buồn 

Nguyên liệu:

Dâu tây đông lạnh 1 cup (khoảng 150gr)
Yến mạch 1/2 cup (hoặc 3-4 thìa canh) CHọn yến mạch ăn liền hoặc yến mạch cán (instant oat thì xay nhanh hơn, rolled oat thì cần xay kĩ hơn chút)
Sữa chua không đường 1/2 cup (hoặc 1 hộp) – nếu dâu chua quá thì dùng sữa chua có đường
Sữa hạt (hoặc nước dừa tươi) 1/4 cup

Cách làm:

Xay yến mạch cùng sữa hạt (hoặc nước dừa) trước cho nhuyễn, sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào. Nếu thích có thể dùng thêm 1 quả chuối đông lạnh cho ngọt ngào hơn. Xay nhuyễn.

Đổ ra bát. Trang trí topping. Do mình ko có dâu tươi nên mình trang trí với thanh long đỏ và rắc các loại hạt (coshatj hướng dương, chia và yến mạch).

Chúc các bạn một ngày luôn HỒNG!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 6 – TẢO TỈNH TÁO

Cho một ngày không phờ phạc, nhất định là không phờ phạc đấy !

Nguyên liệu:

Sữa hạt điều 1 cup (hoặc sữa dừa, hoặc nước dừa tươi)
Chuối đông lạnh 2 quả
Kiwi 1/2 quả
Cốt dừa 1 thìa canh
Tảo spirulina dạng bột 1 thìa cf (nếu dùng tảo tươi dạng viên thì 1/2 viên). Mình ko thích dùng viên tảo nén của Nhật, để dùng trong làm món thì nên mua tảo dạng bột hoặc tảo tươi dạng đông lạnh theo từng viên, nó bớt tanh hơn và ko lo bị nhiều chất độn như viên nén.
Nếu thích có thể cho thêm 1/4 quả bơ cho thêm mượt

Cách làm:

Cho tất cả vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.

Cho ra bát, trang trí topping. Ở đây mình trang trí với khế, kiwi, dừa nạo và cacao nibs

Món này vừa ngon vừa nhiều dinh dưỡng, sẽ cho bạn một sáng nhiều năng lượng đó!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 7 – CAM NGỚ NGẨN

Một tuần với sinh tố đến hôm nay là ngày cuối challenge rồi, nhanh không các bạn?
Thực ra cả tuần vui vẻ năng động rồi, ngày cuối cho chúng ta tự trở về bản chất.
Mỗi tuần nên có một ngày, một vài giây phút ngớ ngẩn đi các bạn ạ!Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1 quả
Xoài 1/2 quả
Sữa chua hi lạp (hoặc sữa chua thường) 50gr (nửa hộp)
Dầu dừa (optional, nhưng có thì sẽ thơm và giúp hấp thụ nghệ tốt hơn, rất hợp) 1/2 thìa cf
Bột nghệ 1 thìa cf (nếu dùng nghệ tươi thì 1 mẩu nhỏ khoảng 1-2cm)
Một chút nước lọc (hoặc nước dừa tươi)
Cách làm:

Tất cả xay nhuyễn trong máy xay sinh tố. Chú ý điều chỉnh lượng nước sao cho được sinh tố đủ độ đặc, nhưng không nên lỏng. Và sinh tố sau khi xay cần giữ được độ mát mới ngon.
Chúc mừng các bạn đã vượt lười thành công và hoàn thành thử thách #7smoothiebowl cùng#juicylife. Mình rất mong các bạn đã yêu thích smoothie hơn, cùng đó là tiếp tục khám phá các món ăn sáng healthy bổ dưỡng nhiều màu sắc!

Hẹn gặp lại các bạn trong các thử thách khác cùng Huyền nhé!

Healthy Food

Nước chanh muối Hương Nhài – Jasmine Lemonade

JASMINE LEMONADE

Có bông hoa nhài cắm…cốc nước chanh!

Mình viêm họng và có ai đó xay cho một cốc chanh muối mật ong thơm mùi hoa nhài. Trông thì rõ đơn giản, làm cũng rõ đơn giản, mà có những thứ đơn giản thôi cũng là quá đủ.

Cốc này thơm trước tiên là mùi chanh, cả chanh xanh lẫn chanh vàng, vị chua và hơi mằn mặn do có muối hồng. Ai thích kiểu giải khát thì có thể cho thêm mật ong. Uống xong cuối vị mới có mùi hoa nhài.

Xong tự dưng biết thêm tác dụng của hoa nhài – hóa ra nó có tính kích thích này nọ cơ các bạn ạ! Chết thật! Thế thì phải uống thêm cả rổ hoa nhài xem tác dụng đến đâu mất ^^

Cách làm đơn giản cực, sử dụng máy xay sinh tố:

1 nhúm lá bạc hà

2 bông hoa nhài

1/2 quả chanh (nếu chanh vàng thì mùi thơm lắm ko thì chanh xanh cũng được) bỏ hạt

ít muối hồng

1/2 thìa cafe mật ong

Nước lọc khoảng 300-350ml

Cho tất cả vào máy xay, xay nhuyễn. đổ ra uống luôn thì rất thơm. Có thể trang trí với hoa nhài và vỏ chanh.

Món này nên uống luôn, không để lâu chanh sẽ đắng.
Nếu đang viêm họng uống vào thấy phê phết, dịu hẳn cái họng ý!

Healthy Food

Kem chuối dừa ngũ sắc

Kem chuối dừa chắc chắn là món kem đơn giản và phổ biến nhất có thể làm cho mọi gia đình, vì nó ko cần dụng cụ hay nguyên liệu gì đặc biệt.

Chỉ với vài quả chuối, ít hộp sữa chua, cốt dừa, là bạn cũng làm được.

Bình thường cách làm truyền thống là xếp xen kẽ các lớp chuối với hỗn hợp sữa chua, nhưng mình thích nhiều màu mè để nghịch cho bọn trẻ nó thích, nên mình xay tuốt lên rồi cứ thế thêm các loại tạo màu tự nhiên có trong bếp. Món này cũng không healthy lắm lắm đâu nhưng cũng đủ điểm để mình và cả nhà vui hen, lâu lâu ăn kem cho có khí thế mùa hè!

Các bạn thử làm kem cho mùa hè này nhé!

Thành phần đơn giản của món kem ngũ sắc:

Vài quả chuối chín (khoảng 4-5 quả)

1 lạng cùi dừa non hoặc bánh tẻ (vì mình thích kem dừa, và thích cùi dừa non xay cùng cho ngậy)

2 hộp sữa chua có đường

150ml nước cốt dừa (bằng khoảng một nửa lượng chuối. Lượng nước nhiều quá thì kem cũng nhiều dăm đá)

Nếu thích ngọt thì thêm sữa đặc (nhưng mình dùng sữa chua có đường rồi, và chuối chín cũng khá ngọt)

Toppings: dừa nạo và lạc rang, vừng rang

Gần này được khoảng 1 hộp chữ nhật kem

Cách làm

Theo cách truyền thống là sẽ xếp các lát chuối rồi đổ hỗn hợp chất lỏng còn lại (sữa chua, cốt dừa, sữa đặc v.v) lên, rồi cứ thế các lớp xen kẽ. Nhưng mình làm theo kiểu nhanh gọn. Là cho tuốt vào máy xay. Xay bông lên mất khoảng 15-30s ở High speed. Trộn cùng các hương vị tạo màu tự nhiên khác như ghi chú bên dưới. Đổ ra khuôn rồi đông lạnh. Xong!

Ảnh bị outnet rồi, vì mải gặm!

Biến thể các màu:

Màu xanh: Xay cùng bột matcha (khoảng 2-4 thìa cà phê)

Màu hồng: Xay cùng quả dâu tằm (hoặc dâu tây hay củ dền tùy bạn)

Màu nâu: Xay cùng bột cacao nguyên chất không đường (món này mình hay có sẵn vì thi thoảng làm sinh tố socola)

Màu be chính là món kem cơ bản như trên.

Mới có 4 màu nhưng gọi ngũ sắc cho nó oai. Màu còn lại thì lần tới mình sẽ có thêm màu cam từ xoài và nghệ thêm vào, hoặc màu tím của khoai lang tím v.v. Mời các bạn tự sáng tạo thỏa thích nhé!

Chúc các bạn ăn kem ngon miệng. Nhưng ăn vừa phải thôi không sún răng và lạnh người nhé! Hem tốt! hihi

4 màu kem, gấp 4 lần công thức ở trên nhé. Tha hồ nghịch với lũ trẻ con 🙂