CHỌN NƠI TẬP YOGA NÀO CHO BẠN?
Thực ra mình không phải là người nhiều kinh nghiệm gì về việc chọn trung tâm nào. Mình chưa trải nghiệm nhiều nơi tập yoga để đưa ra kinh nghiệm gì đâu các bạn ạ. Lại còn viết dài lê thê đố đọc hết.
Nhớ lại cái ngày đầu tiên mình thực sự mơ hồ cảm nhận được yoga là gì, hoàn toàn beginner, cho đến bây giờ cũng được gần 2 năm, dĩ nhiên ko phải là nhiều nhưng không ai đo chất lượng một mối quan hệ bằng thời gian (nhỉ? ^^).
Từ việc tự tập, tự theo video trên youtube, đến việc chọn một trung tâm. Đến chọn giáo viên nào, chọn Style Yoga nào cho mình… Những người mới tập có thể sẽ thấy hơi rối với nhiều thông tin, đb là khi yoga đang dần thành trào lưu như aerobics hay bất kỳ môn thể dục phổ thông nào.
Giá như trong lúc phân vân đó có ai chỉ luôn cho mình đến đâu, tập gì, lúc nào, mình chỉ việc nghe theo, thì tốt biết mấy nhỉ. Nhưng cái thú vị của một mối quan hệ là gì?
Chính là cái giai đoạn ‘tìm hiểu nhau’ ấy. Mình có thể hoàn toàn không biết người đó là ai, anh ta theo trường phái gì, nói năng ra sao, cử động thế nào, nhà anh ta có phù hợp với mình không, tính cách có match không…. Nhưng cái giai đoạn ‘ngộ’ ra nhiều thứ khi thực sự tiếp xúc mới là quan trọng. Tức là gì, CỨ TẬP ĐI. Cứ thử đi. Cứ chọn 1 cách, 1 địa điểm, 1 khung giờ, và commit tập đúng 1 tháng liền Hàng Ngày đi.
Nói vậy chứ mình vẫn sẽ chia sẻ một vài yếu tố để các bạn cân nhắc khi đến được quyết định cam kết đó nhé. Áp dụng cho những ai mới làm quen với yoga và cảm thấy có phần lúng túng.
Khi chọn 1 trung tâm yoga, bạn cần xem xét các yếu tố nào quan trọng nhất, với mình thì có các yếu tố sau:
1. ĐỊA ĐIỂM và GIÁ TIỀN
Trung tâm nào gần nhà hoặc cơ quan hoặc trên đường di chuyển của bạn hàng ngày một cách tiện nhất, chính là trung tâm đầu tiên bạn cần cân nhắc (trước khi bạn là con nghiện yoga có thể lê từ đầu này đến đầu kia Hà nội chỉ để tập một buổi mà bạn khoái).
Việc chọn cái gì không quan trọng bằng việc bạn có THỰC SỰ CÓ MẶT để tập hay không. Vì vậy địa điểm thuận tiện với chính bạn là yếu tố rất quan trọng.
Kế đến là giá tiền – dĩ nhiên rùi. Các loại hình và trung tâm yoga hiện nay ở HN cũng khá đa dạng rùi. Từ những nơi yoga chỉ là một bộ môn kèm theo cơ số thứ khác, pha tạp từ gym, group X, dancing đến yoga. Đến những trung tâm chỉ dạy yoga mà thôi. Từ những nơi bình dân vài trăn ngàn 1 tháng đến hàng triệu. Trung bình mình thấy chi phí để tập yoga sẽ dao động trung bình 500k-1 triệu 1 tháng.
2 yếu tố trên mà không chọn cho phù hợp với bạn thì sẽ rất khó để bạn hình thành thói quen đi tập nhé.
2. CÁC LỚP VÀ KHUNG GIỜ
Ngoài việc nhìn vào cơ sở vật chất của một trung tâm, bạn cần nhìn vào Lịch các lớp yoga mà trung tâm đó có. Thường thì cứ nhìn vào lịch tuần là ra nơi đó có bao nhiêu khung giờ và bao nhiêu lớp yoga mỗi ngày, giáo viên là ai, style gì. Có những nơi chỉ 1, 2 lớp một ngày, có những nơi mười mấy lớp. Nhiều khung giờ = nhiều lựa chọn = thuận tiện để sắp xếp lịch, đặc biệt cho các mẹ bận từ việc cơ quan đến chạy về nhà thổi cơm để làm sao nhét đc 1 tiếng đi tập.
Nhiều loại hình yoga cũng có lợi để các bạn trải nghiệm nhiều phong cách yoga khác nhau vì mỗi nhánh của yoga lại có một lợi ích và cảm nhận khác nhau, từ đó bạn mới chọn đc mình thích style nào.
Nếu giờ của bạn đặc biệt và luôn thay đổi + dư giả kinh tế, các bạn có thể chọn phương án thuê giáo viên PT dạy lớp cá nhân hoặc nhóm riêng.
3. KHÔNG KHÍ VÀ KHÔNG GIAN
Mình cho tiêu chí này trước cả cơ sở vật chất vì cá nhân mình nhận thấy, một lớp tập yoga tốt không cần cơ sở vật chất trang hoàng phức tạp. Cơ bản là 1 căn phòng thoáng đãng, có gương và có thảm, vậy thôi. Còn đâu tùy nhu cầu bạn có thể xét về việc có tủ đồ, nhà tắm rộng rãi sạch sẽ có nước nóng v.v.
Và tiêu chí này hơi chung chung và khó miêu tả nhưng đại để là cảm nhận của bạn khi tập có mặt tại trung tâm đó, hoặc khi tập thử. À dĩ nhiên trước khi mua member của bất kỳ nơi nào thì các bạn nên tập thử nhé, hầu như trung tâm nào cũng có các gói tập thử một hoặc vài ngày đó.
Cái này mình thấy cũng quan trọng. Có thể là âm thanh ở đó (nó có ồn không, có bị lẫn tiếng nhạc ồn ào của phòng kế bên, đb phổ biến ở các trung tâm lẫn cả gym và yoga mà cách âm ko tốt, và tiếng ồn đó có khiến bạn khó chịu ko), có thể là ánh sáng (nó có bị tù mù, thiếu ánh sáng mặt trời, bí bức, ít cửa sổ…), có thể là nhiệt độ (điều hòa lạnh quá không?, tập yoga rất ko nên bật điều hòa lạnh, những trung tâm hiểu thì có quy định riêng về sử dụng quạt và điều hòa, còn không sẽ mạnh người nào người ấy bật, cũng dễ tranh cãi cơ ấy), có thể là cảm giác sạch sẽ, an tâm…
Có thể là bản thân cộng đồng những người tập khác ở đó, văn hóa tập ở đó. Điều tuyệt vời khi tập yoga dĩ nhiên là cả cộng đồng những người cùng sở thích và tình yêu với yoga. Khi bạn gắn bó với một nơi tập thì những thành viên quanh bạn sẽ là cộng đồng mà bạn kết nối thường xuyên, cho dù bạn là người chỉ đến tập và về không nói chuyện với ai 🙂
4. SPIRITUALITY
Đây là điều tạo nên sự khác biệt hoàn toàn của Yoga với các môn vận động khác. Yoga là cả một trải nghiệm phức tạp không chỉ tập trung ở hoạt động thể chất mà phần nhiều chính là trải nghiệm về tinh thần và tâm hồn. Vì vậy nếu một trung tâm chỉ tập trung dạy yoga phô diễn tư thế mà thiếu các giây phút lắng đọng để thở hoặc thiền, thì mình sẽ thấy thiếu lắm. Bởi các asana (các tư thế) chỉ là 1 trong 8 nhánh của yoga, trong tổng thể hệ thống thực hành bao gồm hơi thở, nhận thức, niềm tin, thiền và hơn thế nữa (mà mình chắc 10 năm nữa cũng chưa khám phá được). Một cấu trúc cơ bản cho các lớp yoga là bao gồm phần mở đầu và kết thúc đều dành cho kết nối người tập với hơi thở của họ, Om chanting và thả lỏng. Nếu thiếu các bước này thì mình sẽ không đánh giá cao. Dĩ nhiên nghe thì phức tạp và có thể xa vời, nhưng chỉ cần nghĩ đơn giản nó là chút hoạt động hướng vào trong cho mỗi người tập để thư giãn hơn cũng được.
5. CÁC GIÁO VIÊN
Nói về việc chọn giáo viên thì vô vàn, nhưng vì bài này là về chọn trung tâm, thế nên các bạn chỉ cần nhìn vào đội ngũ giáo viên của trung tâm đó. Trung tâm đó tập trung giáo viên Việt, hay Ấn độ, hay Western; có tập hợp nhiều giáo viên không hay chỉ 1, 2 người chính; có hay thay đổi giáo viên không hay cố định…Giáo viên ở đó đã dạy yoga lâu chưa, thâm niên thế nào. Bởi vì nói thật trong tình trạng nhiều nơi dạy yoga trào lưu thì không phải giáo viên nào cũng bài bản và có kiến thức chứ đừng nói kinh nghiệm. Dĩ nhiên có thể nhìn vào bằng cấp và chứng chỉ của họ nếu bạn kĩ tính.
Ngoài ra có thể tham khảo các học viên khác của trung tâm đó xem họ có thích giáo viên nào ở đó không, nhận xét ra sao. Nhưng cách thiết thực nhất chính là học thử 🙂 Kiểu gì cũng có giáo viên mà bạn thấy thích. Và bởi vì mỗi giáo viên có một thế mạnh và phong cách, nên mình thấy không nên gắn với 1 giáo viên nào cả mà nên trải nghiệm học hỏi từ nhiều người. Vì vậy trung tâm nào càng có nhiều giáo viên giỏi, giáo viên được nh người thích, thì càng nhiều lựa chọn cho bạn.
Ngoài ra còn rất nhiều những yếu tố nho nhỏ khác nữa tựa chung lại tạo nên một trải nghiệm khi tập yoga tại một trung tâm nào đó. Tuy nhiên các bạn nên nhớ, mỗi người sẽ có cảm nhận và trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, sở thích và nhu cầu khác nhau. Bản thân một giáo viên và một lớp có thể lúc cao hứng lúc không. Bản thân người tập cũng vậy. Vậy nên toàn bộ các tiêu chí mình nêu trên chỉ mang tính vui vui tham khảo, hi vọng có ích cho những bạn mới tập yoga.
Chúc các bạn tìm được nơi tập yoga gắn bó và phù hợp cho mình nhé.
Bây giờ đi lau thảm chiều còn tha đi đây.
P/S là ảnh outdoor chứ chả phải ở trung tâm nào đâu cứ ngồi bốc phét :))
No Comments