All Posts By:

huyentran

Uncategorized

Sự sống và dinh dưỡng – Chúng ta được tạo nên bởi cái gì?

Cái gì làm nên thực thể ‘sống’?

Có những người tin rằng không phải chỉ thực vật, động vật, con người hay các sinh vật, mới có sự sống. Cả những vật tưởng là vô tri như đất, nước, ngôi nhà, con đường…cũng có linh hồn.
Điều này đã khiến mình băn khoăn từ hồi còn bé khi người lớn hay bảo: con đừng vứt đồ chơi thế không nó đau đấy!

Đến bây giờ lớn lắm rồi (^^), đặc biệt khi nhìn những người thân ra đi, hay những giây phút cầm trên tay con chim đang hấp hối, hay tức tối miết thật sạch hàng kiến đang marching khắp phòng…hay cả những ngày thấy trong người hụt hơi loạng quạng mệt, thi thoảng mình lại thắc mắc: cái gì làm nên sự sống?

Cái gì làm nên … mình?

Lúc nào vui thì sẽ tự nói: sự thông minh, tình yêu thương, cảm xúc, và rất nhiều cơm ngon.
Còn lúc nào chán câu trả lời là: bull shit.

Gần đây khi có thời gian (thực ra là phải dành thời gian) để học về dinh dưỡng nhiều hơn, trong một khóa học mình đang theo đuổi, mình phải học Sinh học – bộ môn khoa học về sự sống. Cái mà hồi học phổ thông mài đít ở trường cũng mới biết xíu xíu nhưng thực ra chả hiểu gì về bản chất. Trong đó mình được đọc và ngẫm lại những kiến thức basics nhất. Tất cả mọi thứ, cái gì, cuối cùng, ra sao, thì cũng phải quay về những yếu tố cơ bản nhất. Và mọi điều kỳ diệu đều được tạo nên từ những thứ nhỏ nhất siêu cơ bản của vũ trụ.

Một sinh vật sống luôn mang các đặc điểm và khả năng mà thực thể vật chất khác không có. Đó chính là khả năng điều khiển năng lượng và tương tác/tác động tới môi trường xung quanh chúng.

Có 5 đặc điểm làm nên sinh vật ‘sống’ (SVS):

  • SVS có cấu trúc độc nhất (unique structural organisation)
    Tức là không SVS nào giống hệt nhau, trong hàng tỉ tỉ SVS trên mặt đất, được tạo nên với nền tảng là tế bào – đơn vị nền tảng và có cấu trúc độc đáo, các phân tử DNA và proteins duy nhất không giống bất kỳ cá thể sống khác.
  • SVS có các quá trình trao đổi chất (metabolic processes)
    Trao đổi chất là toàn bộ các phản ứng hóa học giữa các phân tử của tế bào, nhằm cho tế bào lớn lên, tái sản xuất và sửa chữa. Khả năng trao đổi chất giữ cho các tế bào ‘sống’ được. Toàn bộ các SVS đều sử dụng dinh dưỡng (thức ăn cho tế bào), thông qua 3 hoạt động chính: nạp dinh dưỡng (phần nhiều SVS nạp dinh dưỡng bằng cách ăn các sinh vật khác), process dinh dưỡng (quá trình xử lý dinh dưỡng diễn ra ngay khi dinh dưỡng ở trong tế bào, nơi các phản ứng hóa học tinh vi cho phép tế bào sản xuất các phần mới, sửa chữa, tái sản xuất và cung cấp năng lượng cho các hoatjd odojng sống ) và loại trừ chất thải (bởi vì không phải vật liệu dinh dưỡng nào đi vào SVS cũng có giá trị, một số thậm chí còn có hại).
  • SVS có các quá trình phát triển (generative processes).
    Toàn bộ các hoạt động giúp tăng kích cỡ của sinh vật (cho phép SVS ‘thêm’ các cấu trúc, sửa chữa các phần của nó, tăng số lượng tế bào), hoặc tăng số lượng sinh vật trong nhóm của nó (bởi vì SVS nào rồi cũng chết, chúng cần phải sinh sản). Và quá trình này chỉ xảy ra được khi có các quá trình trao đổi chất như trên – hấp thu và xử lý dinh dưỡng. .
  • SVS có các quá trình phản ứng (responsive processes).
    Cho phép sinh vật phản ứng với các thay đổi trong môi trường xung quanh chúng theo một cách có ý nghĩa: khả năng nhận biết các thay đổi trong môi trường và nhanh chóng phản ứng lại (nhắm mắt khi bị lóa sáng, giật mình khi có tiếng động lớn, cây cối mọc lá theo hướng nắng mặt trời…); khả năng thích nghi với các thay đổi trong môi trường (một cách từ từ, như cây cối nở rộ mùa xuân, rụng lá mùa đông, mắt con người quen dần với bóng tối…); khả năng tiến hóa (thay đổi về cấu trúc gen của nhiều sinh vật sống cùng loài).
  • SVS có quá trình kiểm soát (control processes)
    Khả năng cho phép SVS đảm bảo các hoạt động trao đổi chất diễn ra theo trình tự và tốc độ hợp lý. Ví dụ như phân tử enzymes cho phép kiểm soát tốc độ và lượng các phản ứng hóa học diễn ra trong SVS, hay quá trình điều chỉnh các hoạt động nội tại để tự duy trì một trạng thái cân bằng (như tim đập nhanh hơn để tăng bơm máu để tăng oxy đến phổi khi cơ thể hoạt động cơ nhiều lên).

Dài nhỉ, nhưng mà ngẫm đi ngẫm lại chắc mình chỉ nhớ được những ý chính sau:
– Chúng ta đều được tạo nên bởi các tế bào, mang các tính chất và cấu trúc đặc trưng, các phân tử DNA tạo nên cấu trúc gen độc nhất vô nhị. Chúng ta là UNIQUE in every way.
– Chúng ta tồn tại được tức là đã và luôn trong vận động và những quá trình tác động đến môi trường, tương tác và phát triển, sinh sôi, repair và thay thế những gì ko phù hợp, trong chính bản thân mình. Chúng ta LUÔN THAY ĐỔI và LUÔN THÍCH NGHI in every process.
– Bản thân mỗi tế bào tạo nên chúng ta cũng đều có khả năng kiểm soát và tự cân đối.

Quả là một sự kỳ diệu khi chỉ từ những phân tử nhỏ bé không nhìn thấy nổi đã tự nhân lên, sinh sôi và lớn mạnh thành những em bé, và rồi thành những người trưởng thành (thường xuyên thắc mắc và rầu rĩ) của thế giới hiện đại như chúng ta haha.

Trở lại câu hỏi: cái gì làm nên… mình?

Có thể là tỉ tỉ các tế bào, các phân tử…luôn đang trong quá trình vận động tái tạo, thu nạp thải sản sinh và cân đối năng lượng….
Cũng có thể là sự thông minh, tình yêu thương, cảm xúc, rất nhiều cơm ngon.
Hay cũng có thể là bull shit.
Tùy cách mình lựa chọn hoặc nhìn nhận. Nhỉ?

Thế bạn được làm nên từ…cái gì?

TẠI SAO NÊN ĂN SỐNG? – WHY RAW FOOD

Common Questions/ Juicing Basics

Nước ép để được bao lâu?

Nước ép mình để qua đêm được ko?
Mình ép xong mang đi làm cả ngày được ko?
Mình ép một lần cho vài ngày được ko?

Để trả lời ngắn gọn cho việc nước ép để được bao lâu thì câu trả lời thỏ thẻ của mình là: không có con số cụ thể!

Lý do vì sao? Vì chất lượng nước ép và thời gian bảo quản của juice phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

Như mọi người cũng biết, dĩ nhiên uống juice xong thì tốt nhất là uống luôn và ngay lập tức càng sớm càng tốt – cũng y như việc bạn ăn cơm vừa nấu xong thì nó ngon và tốt hơn là để lâu dần. Ép xong uống liền là lý tưởng nhất. Tuy nhiên không phải ai cũng sống trong thế giới lý tưởng! Vì vậy việc ép và bảo quản uống trong ngày hoặc sau đó 1,2 ngày là một lựa chọn. Chỉ cần khi chúng ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng thời hạn sử dụng của juice để tự cân nhắc và căn chỉnh cho phù hợp điều kiện thời gian và sinh hoạt của mình và gia đình.

Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ về khía cạnh hạn sử dụng của juice và các cách tối ưu thời gian bảo quản juice khi chúng ta cần

VÔ VÀN YẾU TỐ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG JUICE:

1. Chất lượng nguyên liệu:

Rau củ lúc đưa vào ép có ở dạng tươi nhất không, mới không, vì bản thân rau củ từ trên cây/cành/đất, khi ngắt, hái thu hoạch đến tay chúng ta là bao lâu, đến khi nó được mang về nhà, cho vào tủ lạnh, đến khi lôi ra ép và dùng là bao lâu, thời gian thực vật cách ly với nguồn sống của nó càng lâu thì nó cũng đã giảm dần độ tươi và dinh dưỡng. Nếu bạn sử dụng sản phẩm đã có dấu hiệu nát, cũ, rau héo hoặc rau củ đã cắt sẵn chúng sẽ bắt đầu  oxy hóa và  làm giảm đáng kể thời hạn sử dụng. Nói thế cũng ko phải để quá chặt chẽ căn đo tính toán nhưng là để chúng ta nhận thức được rằng – chất lượng nguyên liệu khi ép sẽ quyết định chất lượng juice chúng ta uống đến 80%, 20% còn lại là thao tác, máy móc vv)

2. Loại nguyên liệu:

Mỗi loại rau, củ, quả sẽ có độ dài bảo quản khác nhau do tính chất của chúng hơi khác nhau. Thông thường các loại juice với rau xanh sẽ dễ xuống màu và vị hơn, nhưng có những loại như gừng hoặc chanh sẽ giúp vị và màu của chúng kéo dài thời gian xuống màu/mùi. Thông thường các loại nguyên liệu có tính acid hơn (mức pH thấp) sẽ lâu hỏng hơn các loại có tính kiềm (mức pH cao). Vì vậy các bạn có thể thêm chanh để giúp juice giữ được lâu hơn.
Các bạn có thể tham khảo mức độ pH của thực phẩm trong link sau: http://www.pickyourown.org/ph_of_foods.htm

3. Chất lượng máy ép:

Máy ép càng tốt, công nghệ càng tốt thì khả năng lấy dinh dưỡng càng cao và làm mất vitamin các chất trong quá trình ép càng ít)

4. Vệ sinh an toàn:

Đó là cách bạn rửa, cọ, thao tác,cắt gọt, thực phẩm chạm vào tay, chạm vào các bề mặt, môi trường mà nguyên liệu đó tiếp xúc, đến độ sạch của máy móc (máy ép của bạn có cáu bẩn ko bạn check kĩ nhé), đến độ sạch của chai lọ đồ đựng … Càng sạch thì càng giảm rủi ro nhiễm khuẩn.

5. Nhiệt độ:

tiêu chí hàng đầu của juice là phải luôn giữ lạnh dưới 2oC (hoặc chí ít dưới 5oC). Nhiệt độ càng cao, thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao, hoặc juice bị di chuyển ra vào chênh lệch nóng lạnh thay đổi nhiệt độ nhiều thì càng làm tuổi thọ giảm.

6. Ánh sáng:

Càng ở chỗ gần ánh nắng mặt trời thì tuổi thọ juice càng thấp theo thời gian.
Và vân vân các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới juice thành phẩm và quá trình bảo quản.

Từ việc hiểu các tác nhân có thể ảnh hưởng tới chất lượng juice và việc bảo quản, mình rút ra

CÁC NGUYÊN TẮC CHÍNH KHI MUỐN BẢO QUẢN JUICE TỐT NHƯ SAU:

1. Luôn dùng nguyên liệu tốt nhất, tươi ngon nhất

Nếu dùng nguyên liệu vét tủ lạnh thì nhớ là càng bớt tươi thì càng không nên ép ra để lâu thêm nữa
2. Luôn giữ lạnh

Giữ lạnh các nguyên liệu rau quả từ lúc ép, ép xong mà không uống luôn thì phải đóng chai kín giữ lạnh luôn (dưới 5oC). Nếu cần di chuyển thì luôn nhớ tìm cách bảo quản lạnh juice khi di chuyển và mang theo mình.
Đây cũng là lý do với True Juice tụi mình cũng luôn nhập rau củ quả chất lượng và rau củ hái mới hàng ngày, ép tươi và đóng lạnh, giữ lạnh toàn bộ quy trình từ lúc ép đến khi vận chuyển cũng trong thùng lạnh chuyên dụng, đến tay người uống là chai juice vẫn lạnh. Các bạn có thể đọc thêm về các dịch vụ và quy trình sản xuất của True Juice tại website riêng: https://truejuice.vn/
Juice nếu được giữ lạnh tốt sẽ giữ được màu sắc, hương vị và có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng hơn.

NGUYÊN TẮC QUAN TRỌNG KHI BẢO QUẢN JUICE:

Luôn uống ngay khi có thể. Ép cái là uống liền (tức là không phải lo bảo quản)
Tuy nhiên không phải ai cũng sống trong thế giới lý tưởng! Vì vậy việc ép và bảo quản uống trong ngày hoặc sau đó 1,2 ngày là một lựa chọn. Chỉ cần khi chúng ta hiểu các yếu tố ảnh hưởng thời hạn sử dụng của juice để tự cân nhắc và căn chỉnh cho phù hợp điều kiện thời gian và sinh hoạt của mình và gia đình.

THẾ NÀO LÀ JUICE HẾT HẠN SỬ DỤNG

Thực ra khi xét về khía cạnh juice thế nào là không uống được thì hơi khó có ranh giới. Bởi vì khi đánh giá mức độ uống được của juice ,  mình thấy cần xét đến 2 mức độ : Phẩm chất của juice (những thứ mình không cảm nhận đánh giá được, các yếu tố vi lượng, chất dinh dưỡng v.v) & các yếu tố Cảm Quan (nhìn, mùi, vị, texture…- những cái cảm nhận được sơ bộ).
Khi mình nói đến juice hỏng tức là nói đến việc juice xuống màu và vị ở mức độ mà ngửi mùi đã cảm thấy không uống được, nhớt, vón thay đổi rõ về texture. Còn từ lúc juice mới làm ra đến khi nó hỏng là nó chuyển từ trạng thái tươi nhất đến xuống dần về vị (bớt ngon), về màu (sắc độ), về mùi (bớt dậy mùi thơm rõ ràng của các lớp nguyên liệu), còn về khía cạnh các chất dinh dưỡng trong đó thì mỗi chất sẽ có tỉ lệ giảm dần theo thời gian khác nhau, cái này mình không có chuyên môn để đi sâu vì chỉ có máy mới đo được nhưng không phải chất nào khoa học cũng gọi tên và tách bạch để đo lường nắm bắt được.

Có một thực tế mình đã thử nghiệm: juice mình ép tươi và đóng chai giữ ngăn lạnh luôn và liên tục đến 5 ngày thì quan sát juice hơi xuống màu và vị, cảm nhận được nó bớt tươi và kém dinh dưỡng đi (cảm nhận bằng cảm quan nhé) – nhưng vẫn uống được – vì bụng không sao. Và có cô bạn mình nước ép để quên trong tủ lạnh 1 tuần sau chồng không biết vẫn uống – cũng không thấy đi ngoài hay vấn đề gì 🙂

Thực tế là FDA Hoa Kỳ đưa ra quy tắc các loại juice untreated (tươi sống không qua xử lý) có thể giữ lạnh trong 7 ngày. Các hãng nước ép lạnh tại Mỹ và Châu Âu thông thường để hạn sử dụng cho juice của họ (ép lạnh và raw, không tính juice đã qua xử lý) từ 3-5 ngày, một số nơi để 7 ngày tối đa. Nhưng thông thường sẽ là – thưởng thức tốt nhất trong vòng 3 ngày (best enjoyed by). 3 ngày là mức phổ thông để giữ juice vẫn còn giữ vị/màu sắc/chất lượng tốt, tuy nhiên đến 7 ngày vẫn trong ngưỡng an toàn.

Đối với độ pH, FDA đã chỉ ra mức độ các vi khuẩn mầm bệnh (pathogen) có thể bị tiêu diệt là <= 3,5 pH (có tính axit) hoặc >=11,5pH (có tính kiềm). Nhưng thông thường các loại juice đều nằm trong khu vực nguy hiểm ở giữa là 3,6 – 11,4 pH. Nên nếu có mất công dùng giấy quỳ để đo độ pH của juice cũng chỉ để chơi chơi cho biết chứ không thay đổi được gì, mà thực chất với juice chúng ta nên dùng trực quan để đánh giá trước tiên bởi vì việc làm sao quyết định được juice đó đã hỏng thật sự (kiểu ko thể uống sẽ đau bụng) hay là có dấu hiệu không nên uống (vì có thể nhiễm khuẩn hay thay đổi cấu tạo dinh dưỡng) mà phải đem đi xét nghiệm thì căng quá 😀

OK, VẬY TÓM LẠI THỜI HẠN SỬ DỤNG CỦA JUICE LÀ BAO LÂU?

Thực hiện theo tất cả các nguyên tắc Huyền đã liệt kê trên, các bạn thông thường có thể làm juice và bảo quản trong vòng 3-5 ngày (điều kiện dưới 5oC và với máy ép chậm, nếu máy ép ly tâm thì theo mình chỉ nên trong vòng 8h).

Tuy nhiên thời gian bảo quản này có thể thấp đến 0 ngày hoặc thậm chí 30 phút, nếu bất kỳ nguyên tắc nào ở trên không được đáp ứng hay có các yếu tố khác làm juice ‘xấu’ đi.

Và dĩ nhiên luôn ưu tiên uống sớm nhất có thể khi vừa ép xong và hạn chế tối đa juice ở nhiệt độ thường.

Ngoài ra có một lưu ý: sau khi juice giữ lạnh và bảo quản uống sau thì các bạn chú ý khi uống nên đợi juice nguội bớt – không nên uống juice khi lạnh quá. Có thể ngâm cả chai juice trong nước nguội thì 5-10p là juice bớt lạnh rồi, hoặc đợi ở nhiệt độ thường khoảng 20p.
Hi vọng các thắc mắc của mọi người về vấn đề bảo quản phần nào đã được giải tỏa.  Bài viết về bảo quản juice mình cũng từng chia sẻ trên sách Chào Juice và bài Cách bảo quản juice tốt nhất.

Chúc mọi người enjoy juicing nhé!

Healthy Food

Trà Củ dền đỏ bổ máu

Với những juicer như mình thì củ dền là loại nguyên liệu thường xuyên có mặt trong bếp, và nằm trong list thực phẩm thanh lọc cơ thể hàng đầu.

Nếu như các bạn đã thử các công thức juice với củ dền tuyệt ngon của mình tại đây và đây, bạn đã cảm nhận phần nào tính thanh lọc cao của củ dền.

Nếu trong bếp của bạn cũng sẵn có củ dền, thay vì làm juice, hôm nay các bạn hãy thử món trà củ dền đỏ đặc biệt thanh lọc và có lợi cho máu của mình nhé.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích sức khỏe của củ dền, bản thân các bài post tại juicylife.vn mình đã nêu ra vài lần trong các công thức nước ép có củ dền. Đối với những người tập luyện thể thao, củ dền là thực phẩm không thể bỏ qua – nó có khả năng tăng cường hiệu suất hoạt động và tăng cường sức bền thể lực! (và là mánh của từ vận động viên chuyên nghiệp tới các bạn chơi thể thao nghiệp dư).

Tại sao củ dền lại có tác dụng lớn vậy ?

Chính là từ hàm lượng nitrat vô cơ có trong củ dền – (loại này trong rau lá màu xanh đậm cũng có).
Sau khi uống vào cơ thể, nitrat được vi khuẩn trong nước bọt của chúng ta chuyển thành nitrite, qua dạ dày, một số nitrite đó chuyển thành nitric oxide (NO) – đây là thứ mà cơ thể chúng ta cần: nó điều chỉnh lưu lượng máu, dẫn truyền thần kinh, miễn dịch, co bóp cơ, cân bằng glucose và canxi, tóm lại là toàn làm những thứ tốt cho chúng ta ^^. Nitric Oxide còn làm thư giãn các cơ và qua đó mở rộng các mạch máu – tăng tính hiệu quả sử dụng oxy của các tế bào – và đây là một trong những lý do tại sao nước ép củ cải đường có thể được sử dụng để hỗ trợ hiệu quả hoạt động thể thao.

Ngoài tác dụng bổ máu và thanh lọc cơ thể, củ dền còn có tác dụng điều hóa huyết áp và lượng canxi cao giúp xương chắc khỏe.

CÔNG THỨC TRÀ BỔ MÁU VỚI CỦ DỀN VÀ TÁO ĐỎ

(cho 1 lít trà)

1-2 củ dền, gọt vỏ cắt miếng

1/2 củ hồi

3-5 quả táo đỏ

vài lát gừng và nghệ

1 lít nước

Đun trên bếp hoặc dùng ấm đun trà chuyên dụng, đun sôi âm ỉ trong 5-10 phút. Uống khi ấm nóng.

Món trà bổ máu sau đây ngoài củ dền còn có sự kết hợp của Táo đỏ nổi tiếng trong đông y là nguyên liệu bổ máu mang tính ấm, dưỡng tỳ vị, bổ khí, bảo vệ cổ họng, dưỡng nhan sắc; Củ hồi với lượng vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt của các nguyên liệu còn lại.

Gừng và nghệ giúp tăng tính ấm của món trà, tăng chất chống oxy hóa và khả năng kháng viêm, miễn dịch cho cơ thể.

Đây là món trà thảo dược rất có lợi cho phòng chống thiếu máu, tốt cho phụ nữ, đặc biệt cho những bạn có dự định sinh em bé, và tốt cho cả những ngày sau chu kỳ, phụ nữ sau sinh nở.

Các đối tượng cần thận trọng khi dùng trà củ dền: người huyết áp rất thấp, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

 

Liều lượng: có thể uống thường xuyên nếu thích liên tục trong vòng 1-3 tháng, hoặc chỉ kết hợp uống 3-5 lần một tuần trong chế độ ăn thông thường.
Nên dùng trong những ngày trời lạnh, mát, chuyển mùa. Nếu dùng trong mùa hè thì có thể bỏ qua gừng và uống trà khi đã nguội khoảng 30 độ.

Uncategorized

3 công thức nước ép cần tây thanh lọc – thải độc – giảm cân hiệu quả

Các juicer yêu quý, các bạn có đang nghe về trao lưu nước ép cần tây đang rất HOT mấy ngày gần đây không?
 
Thực sự thì ở các nước phương Tây, cần tây không hề xa lạ, người ta ăn sống, ép nước uống hàng ngày, làm salad, quết bơ lạc,… nhưng thực sự ở Việt Nam thì vẫn rất nhiều người vẫn hỏi bọn mình có phải loại cần tây … hay xào thịt bò không? Đúng là một cái tên nhưng hai số phận phải không nào? Nhưng đúng là loại cần tây để ép nước và loại mà các mẹ vẫn hay xào thịt bò là khác nhau, dẫn đến nhiều bạn nhầm lẫn như vậy cũng dễ hiểu.
 
Và chỉ khi qua những ngôi sao nổi tiếng được, mấy ngày gần đây nước ép cần tây là công thức được tìm kiếm nhiều nhất và được nhiều người quan tâm tới. Nhưng dù sao đó cũng là những điều rất tích cực và đáng để quan tâm.
 
Và để lý giải vì sao nước ép Cần Tây lại HOT như vậy vì mọi người biết đó, Cần Tây đặc biệt vì tỉ lệ cao Sodium hữu cơ thiết yếu (natri hữu cơ, nguyên tố thiết yếu cho cả động vật và thực vật). Cần tây ở dạng sống (raw), có chứa gấp 4 lần natri hữu cơ so với canxi, làm cho nó trở thành một loại nước ép có giá trị hàng đầu cho những người đã sử dụng đường và tinh bột thường xuyên trong suốt cuộc đời của họ. Và lượng chất trong Cần Tây cũng giúp bạn giảm cholesterol cao trong mỡ máu cực hiệu quả, giảm viêm mạnh mẽ, giảm thiểu và chữa trị cao huyết áp..vv..
 
Đó cũng là lý do nhiều siêu sao, người nổi tiếng sử dụng nó như một thực phẩm giúp thanh lọc cơ thể và cải thiện sức khỏe.
 
Chỉ riêng nước ép cần tây không thôi cũng rất tuyệt vời, nhưng sẽ hơi khó uống với một số bạn chưa từng làm quen với nước ép nguyên chất. Và một nguyên tắc quan trọng đó là đừng nên chỉ ăn/uống suốt một loại thực phẩm nào đó, dù nó có tốt đến đâu. (Vì quá nhiều sẽ lại trở thành hại). Chúng ta nên cân bằng và mixed cần tây với các loại rau, củ quả khác nữa.
 
Và tèn ten, xin giới thiệu với các bạn 3 công thức Green Juice mình rất hay làm với những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm tại các cửa hàng bán rau hữu cơ/thực phẩm sạch. Hãy lưu ý vì là nước ép sống nên hãy lựa chọn cho mình nguyên liệu tốt nhất nhé.
 
Xin mời các bạn lưu lại và thưởng thức mỗi ngày nhé

1) Nước ép cần tây – bó xôi – rau mùi

Đây là công thức nước ép rau xanh đơn giản nhưng rất mạnh mẽ. Chỉ 1 cốc nước ép cần tây – bó xôi – rau mùi này mỗi ngày cũng sẽ nạp cho bạn một lượng canxi, sắt và vitamin K lớn. Nếu không có cải xoăn bạn hoàn toàn có thể thay bằng cải bó xôi hay các loại rau xanh khác tùy ý thích.

Nếu bạn chưa thử ép cần tây – bó xôi và rau mùi, bạn rất nên thử. Sau khi uống rau mùi mình thấy người tỏa hương hơn hay sao ý hehe, và cảm giác tươi mới nhiều năng lượng thì đương nhiên như với các loại green juice rồi, nhưng rau mùi nó đặc biệt sao đó. Cảm giác sau khi uống nó rất đặc biệt.

Chắc là nó đã có nhiều các hoạt động gì đó tương tác trong cơ thể mình sau đó. Chỉ biết là THÍCH.

Công thức:

  • 1 quả dưa chuột
  • 2 bẹ cần tây
  • 1 nắm to rau bó xôi
  • 1 – 2 quả táo
  • 1 nắm rau mùi

2) Nước ép cần tây – bó xôi – cà rốt

Ngoài việc siêu giàu dinh dưỡng, các loại nước ép từ rau củ còn khá là no (đấy là lý do khi uống juice rồi thì người ta tuyệt nhiên không có mấy nhu cầu snack ăn vặt).  Thay vì ăn vặt lung tung không chất lượng, hãy uống juice, hoặc thậm chí juice có thể thay thế một bữa nhỏ trong ngày (ăn ít đi chưa bao giờ là điều đáng lo trong thời buổi con người thường xuyên ăn thừa so với nhu cầu thực). Thậm chí chỉ cần 1 cốc juice mỗi ngày trước bữa ăn 30p cũng sẽ hỗ trợ giảm cân, vì nó giảm cơn đói nhanh chóng và giúp kiểm soát cơn thèm vô tội vạ.

Công thức dưới đây bao gồm 3 loại thực vật rất mạnh mẽ và vô cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Cần tây: giá trị lớn nhất của cần tây sống nằm trong việc nó đặc biệt chứa tỉ lệ cao sodium hữu cơ thiết yếu (natri hữu cơ, nguyên tố thiết yếu cho cả động vật và thực vật). Cần tây ở dạng sống (raw), có chứa gấp 4 lần natri hữu cơ so với canxi, làm cho nó trở thành một loại nước ép có giá trị hàng đầu cho những người đã sử dụng đường và tinh bột thường xuyên trong suốt cuộc đời của họ. Cần tây còn chứa hợp chất tên là Phthalide, có thể làm hạ huyết áp nhờ việc làm thư giãn các mạch máu để máu phi qua thông thoáng 😊

Nước ép cà rốt, tùy vào điều kiện cá nhân, có thể uống vô giới hạn với bất kể số lượng hợp lý nào, từ 400ml đến thậm chí 3.5l mỗi ngày (surprised?). Nó tác dụng giúp bình thường hóa toàn bộ hệ thống cơ thể. Cà rốt là nguồn vitamin A, B, C, D, E, G, & K dồi dào hàng nhất trong các loại thực phẩm. Đây là một sự trợ giúp có giá trị trong việc cải thiện và duy trì cấu trúc xương của răng (theo Dr. Norman Walker trong sách “Fresh Vegetable & Fruit Juices”)

Rau bó xôi (rau bina) là thực phẩm quan trọng bậc nhất cho toàn bộ đường tiêu hoá, dạ dày, tá tràng và ruột non. Thiên nhiên đã trang bị cho con người những chất liệu hữu cơ tốt nhất để làm sạch, tái tạo và tái sinh đường ruột, có trong rau bó xôi tươi (cũng theo Dr. Norman Walker trong sách “Fresh Vegetable & Fruit Juices”).

Tuyệt vời vậy đó, nhưng mà công thức này có thể sẽ khó uống cho những người mới làm quen với green juice. Nếu cần thiết các bạn hãy ép cùng 1 quả táo, vị sẽ hoàn toàn khác biệt. Và chú ý với cần tây, vì vị khá đặc trưng, mình xếp vào loại vị khá mạnh, nên điều chỉnh tăng dần chứ đừng ép nhiều ngay từ đầu khi mới thử. Về mặt mầu sắc, công thức này cũng không phải siêu đẹp đẽ, do có sự pha lẫn cả màu xanh và màu cam của cà rốt.

Công thức:

  • 2 nhánh cần tây
  • 3 củ cà rốt
  • 2 nắm rau bó xôi (khoảng 200-300gr)

3) Sweet and Sour Green Juice – (Cần Tây | Cam | Bó Xôi | Dứa | Dưa Chuột)

Công thức này sử dụng rau bó xôi quen thuộc trong green juice. Các bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng một loại rau xanh khác tùy ý theo mùa. Kết hợp với vị ngọt và thơm của dứa và vị chua nhẹ của cam. Cần tây đem lại vị thơm nhẹ, là thực phẩm nhiều muối khoáng tự nhiên, và dưa chuột, thành phần base phổ biến trong green juice để bổ sung nước nhiều tính kiềm.

Sự kết hợp ngọt ngào và chua dịu của cam, dứa bổ mắt, với các loại rau kiềm tính giàu chất chống oxy hóa, chắc chắn không nên bỏ qua cho các tín đồ nước ép rau.

Công thức:

  • 1 nắm rau bó xôi
  • 3 nhánh cần tây
  • 1 quả dưa chuột
  • 1 quả cam
  • 1/4 quả dứa
Uncategorized

Gấc Oatmeal – Cháo yến mạch gấc

Oatmeal cùng gấc superfood – siêu nhanh siêu dễ làm!

Như post trước mình đã hướng dẫn cách sơ chế gấc để tiện dùng cho các loại món ăn, đồ uống (xem lại tại công thức Sữa Gấc và sơ chế gấc).

Hôm nay giới thiệu với các bạn món cháo yến mạch siêu dễ làm với Gấc nhé.

Oatmeal hay các món cháo với yến mạch đều được làm khá nhanh, đặc biệt nếu các bạn sử dụng yến mạch cán hoặc yến mạch ăn liền.

Nói qua một chút về các loại yến mạch phổ biến. Có 3 loại phổ biến mà chúng ta có thể dễ dàng mua tại Việt Nam, sắp xếp theo thứ tự thời gian chế biến từ lâu đến nhanh nhất:

  1. Steel Cut Oat (Yến mạch dạng cắt hạt tấm): yến mạch nguyên hạt (nếu nguyên hạt và chỉ bỏ vỏ trấu ở ngoài thì chính là Oat Groats nhưng mà ở VN ko dễ mua được loại này), được cắt thành các hạt nhỏ (gọi là steel cut vì thường được cắt bằng lưỡi dao thép), thông thường mất 20-30 phút để chín mềm.
  2. Rolled Oat (Yến mạch cán dẹt, hay còn gọi là Old-fashioned Oat) – yến mạch dạng này phổ biến nhất): Hạt yến mạch nguyên hạt được hấp chín và cán dẹt. Tùy vào độ dẹt khi người ta cán mà ta có Yến mạch cán dẹt Old fashioned (mất khoảng 5-8 phút để nấu chín mềm), mỏng hơn nữa thì có Quick Oat hoặc 1-minute-Oat (mất 1 phút để chín).
  3. Instant Oat (Yến mạch ăn liền): Loại này được hấp lâu nhất, cán dẹt nhất, còn nấu nhanh hơn loại Quick Oat, thường ở dạng dẹt rất mỏng và khá vụn. Hay được dùng trong các sản phẩm ăn liền, có thể được trộn thêm các thành phần khác để người dùng chỉ việc cho nước sôi vào ngoáy lên là dùng luôn, nhưng các bạn nên chú ý đọc thành phần kĩ nếu không thích các loại added sugar hay bột sữa v.v.

Dĩ nhiên càng nguyên bản thì càng giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn, nhưng lại mất công nấu cầu kỳ hơn, thời gian nấu lâu hơn. Nên tùy sở thích và mục đích món ăn mà các bạn chọn nhé.

Mình thì hay dùng loại truyền thống cán dẹt.

Giờ thì vào chủ đề chính.

Món yến mạch Gấc này là phiên bản cháo yến mạch không mặn và thuần chay.

Tức là vị nó không phải giống dạng cháo mặn thịt thà, nhưng cũng không ngọt, mà chỉ đậm đậm thơm thơm của gấc và gừng, ngậy ngậy của hạt điều.

Công thức Cháo Yến Mạch Gấc

Sữa hạt: 500ml (mình dùng sữa hạt điều)

Yến mạch cán dẹt Rolled Oat: 80gr

Gừng tươi bào nhỏ: 10gr

Muối hồng: 1 nhúm nhỏ

Bơ lạc: 2 thìa canh

Gấc cốt:  30-40ml (cách sơ chế tại đây)

Cách làm

-Yến mạch, muối và sữa hạt đổ chung vào nồi nhỏ (nên dùng nồi không dính hoặc đế dày một chút để tránh xém đáy). Đun sôi. Sau khi sôi hạ nhỏ lửa đun và ngoáy đều trong 4-5 phút. Lúc này hỗn hợp yến mạch đã thành ‘cháo’ rồi đấy, dẻo dẻo quện đều sánh sánh rồi. Nếu đặc quá thì các bạn thêm nước hoặc sữa hạt.

-Lúc này cho thêm gấc, bơ lạc và gừng tươi bảo nhỏ vào trộn đều thêm khoảng 1 phút hoặc chỉ 30 giây là được.

Xong!

-Bây giờ bạn cho ra bát và rắc topping tùy ý. Nếu có các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, mixed nuts… các bạn hãy rang thơm và rắc lên nhé. Hôm nay mình lười nên chỉ có chút kỷ tử tiện rắc lên như thế này thôi.

Vẫn rất ngon.

Nếu thích ăn phiên bản ngọt thì các bạn rưới thêm maple syrup hay mật mía. Còn không thì cứ như vậy thưởng thức. Ấm, thơm, dẻo, ngậy. Một bữa sáng tuyệt vời đủ chất và nhanh chóng. Món oatmeal của mình làm hơi đặc, nếu các bạn thích bớt đặc thì cứ thêm nước hoặc sữa hạt vào trong lúc nấu nhé

Các bạn có thể tham khảo lại các bài viết trước:
Cách làm sữa hạt điều 
Cách làm sữa gấc và sơ chế gấc trữ đông tiện lợi
Cách làm sữa hạt với máy ép chậm Hurom
Yến mạch ngâm – Overnight Oat bữa sáng healthy 5 phút

 

 

Happy Plant-based Milk/ Plant-based Milk

Công Thức Sữa Gấc cho đôi mắt sáng – Gac Nut Milk

SỮA HẠT VÀ GẤC

Nếu có một thực phẩm bản địa truyền thống trong ẩm thực dân gian quen thuộc, một superfood chưa được khai thác nhiều, thì đó sẽ là GẤC.

Gấc – trái cây của thiên đường – The fruit from Paradise

Gấc được coi là thực phẩm số 1 về hàm lượng Beta Carotene (tiền chất của vitamin A – chất này đặc trưng tạo màu vàng/đỏ – có trong các loại củ quen thuộc như cà rốt, khoai lang, bí đỏ…). Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi cà rốt. Lượng Lycopen trong những trái gấc màu đỏ, có thể cao gấp 70 lần cà chua. Ngoài 2 chất đặc trưng trên thì gấc còn chứa vô số các chất có lợi khác.
Túm lại ăn nhiều các chất trên thì giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, sáng mắt, ngăn chặn mù lòa, giảm tỷ lệ ung thư, viêm gan, huyết áp, ngoài ra da cũng đẹp, bớt sạm, khô v.v.

Thông thường các vitamin sẽ dễ giảm chất lượng khi chế biến nhiệt cao, tuy nhiên Lycopen lại ngược lại – dễ hấp thụ và phát huy tốt hơn khi qua nhiệt. Vì vậy với gấc chúng ta nên làm chín trước khi dùng để chế biến các món khác, và cũng bởi thịt gấc khi làm chín sẽ bớt mùi ngái hơn, thơm ngon hơn.
Phần màng hạt gấc đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao nên các bạn đừng bỏ.

Theo cách truyền thống của ông bà xưa thì do quả gấc khó trữ lâu và mỗi lần làm mất công, nên quả gấc thường được làm thành dầu gấc, hoặc mỗi khi chế biến sẽ cho thêm chút rượu để tăng thêm màu đỏ đẹp và át mùi vị ngái của gấc.

Mình sẽ hướng dẫn cách sơ chế gấc để các bạn có thể trữ đông dùng được lâu, và lại tiện để chế biến các món ăn, đồ uống healthy nhé.

CÁCH CHẾ BIẾN VÀ BẢO QUẢN THỊT GẤC TƯƠI

Quả gấc tươi bổ đôi

 

BƯỚC 1: BỔ ĐÔI QUẢ GẤC

Lấy thìa nạo và đổ phần thịt và hạt gấc ra 1 cái âu to (nên dùng âu inox hoặc thủy tinh vì gấc khá bám màu).
Lưu ý không nạo kĩ phần vỏ có thể gây đắng

BƯỚC 2: TÁCH BỎ HẠT

Do phần màng xung quanh hạt gấc khác dai nên mình dùng con dao nhỏ cắt một đường rồi lột một phát là phần vỏ và thịt gấc sẽ rời khỏi hạt rất nhanh.
Nếu có găng tay y tế (loại bám sát vào tay chứ ko phải găng nilong rộng thùng thình đâu) bạn nên dùng để tránh gấc bám vào ngón tay.

BƯỚC 3: XAY NHUYỄN VÀ CHÍN

Thực ra có 2 cách làm chín gấc: 1 là bạn hấp phần thịt gấc trước khi tách hạt. 2 là bạn tách hạt xong thì hấp, rồi xay nhuyễn.

Mình thì hay làm như sau:
Lấy phần thịt gấc tươi vừa lọc bỏ hạt kia, đem xay nhuyễn mịn (dùng máy xay sinh tố, cho thêm một chút nước và chút muối hồng, miễn sao có thể xay nhuyễn dễ dàng)
Sau đó cho hỗn hợp gấc mịn đó lên bếp quấy đun. Đun lửa vừa (không to), và quấy liên tục. Khi hỗn hợp nóng và lục bục được 3 phút thì bạn tắt bếp được rồi. Không cần đun lâu quá. Sau đó để nguội.

đây là hỗn hợp gấc đã xay mịn, chưa sôi (khi chín bạn sẽ thấy nó còn đỏ hơn nữa và có mùi thơm hơn là mùi ngái của gấc tươi)

Vậy là ta đã có phần cốt gấc/thịt gấc nguyên chất để yên tâm sử dụng trong các món rồi. Chỗ thịt gấc này có thể chia vào các khay làm đá, thành các viên đá gấc nhỏ, trữ đông được 1-3 tháng, mỗi lần chỉ cần 1 viên là đủ cho 1 phần ăn.

Có tiện không nào các bạn?

Còn đây là vào phần chính – sữa hạt và gấc

CÔNG THỨC SỮA GẤC BỔ MẮT

Khi đã có phần cốt gấc trên rồi, chúng ta tha hồ làm rất nhiều món khác nhau. Trí tưởng tượng của các bạn sẽ đưa các bạn đi xa nhé. Mình sẽ update dần một vài món cơ bản với gấc để các bạn tham khảo nhé.

Sữa hạt – 1 lít  – Bạn có thể chọn bất kỳ loại sữa hạt nào bạn hay làm, mình thì thích sữa hạt điều, hoặc sữa dừa và sữa hạnh nhân. Các công thức cách làm chi tiết đều đã chia sẻ tại đây: cách làm sữa dừa, sữa hạt điều 3 vị, sữa hạnh nhân.

Cốt gấc – 40-80ml (tùy khẩu vị của bạn thích mùi và màu gấc đến đâu)

3 quả chà là ngâm nước lọc cho mềm xay cùng để lấy vị ngọt (dĩ nhiên là phải bỏ hột chà là trước khi xay nhé). Nếu không có chà là bạn có thể dùng mật ong và đường thốt nốt hoặc đường thô tùy ý.

Cách làm:
Cho sữa hạt, cốt gấc và chà là đã ngâm mềm bỏ hạt vào máy xay sinh tố, xay ở tốc độ cao trong 1 phút.

Vậy là bạn đã có sữa gấc hoàn toàn từ thực vật, vô cùng bổ dưỡng, và vị thì ngon đáo để đấy!

CHÚC CÁC BẠN CÓ NHỮNG LY SỮA GẤC THẬT NGON!

Lưu ý:

Dĩ nhiên thực phẩm tốt mấy cũng không nên lạm dụng. Vì lượng tiền vitamin A trong gấc cao, mà vitamin A là vitamin tan trong dầu,  là loại cơ thể nếu dư thừa không đào thải được qua đường tiểu  nên nếu ăn quá nhiều sẽ tích ở gan. 

Juice Challenge/ Smoothie

7 công thức smoothie bowl cho bữa sáng nhanh gọn đủ chất siêu healthy

Nếu các bạn follow trên FB cá nhân của Huyền thì đã thấy Huyền từng kêu gọi thử thách 7 ngày với Smoothie bowl. Trong post này Huyền tổng hợp lại series đó để các bạn có thể tự thực hiện và tìm mọi thông tin liên quan luôn một chỗ nhé.

Nhớ hash tag #7smoothiebowl #juicylife để mình cùng theo dõi kết quả nếu bạn tự thực hiện nhé!

Cơ bản thử thách này là 7 smoothie bowl tương đương với 7 bữa sáng trong tuần liên tục. Mục đích là để mọi người trải nghiệm thay một bữa với sinh tố và cảm nhận bản thân trong 1 tuần, từ đó xây dựng thói quen ăn uống healthy hơn, hoặc chỉ đơn giản làm cho vui, ăn cho ngon miệng, cho đẹp mắt cũng được.


SMOOTHIE BOWL LÀ GÌ? CÓ GÌ HOT?

Sinh tố thì chắc không có gì lạ. Nhưng sinh tố với các nguyên liệu healthy hơn, sử dụng các loại hoa quả làm ngọt tự nhiên (không có chuyện dùng sữa đặc ông thọ đâu), sử dụng nhiều loại super foods, có thể đủ no để thay một bữa ăn đủ chất nhưng khỏe người, thì không phải ai cũng rành.

Smoothie bowl là trào lưu trong 2 năm gần đây, đặc biệt trên thế giới, với tên gọi ‘acai bowl’ nữa vì thực ra nó bắt nguồn từ việc dùng bột acai (một loại quả nhiệt đới xuất phát từ Brazil được phương Tây xay sinh tố sệt như kem phục vụ trong bát ô tô).

Smoothie bowl cơ bản như tên gọi – là SINH TỐ đựng và bày biện trong BÁT (ô tô, ý là bát to mới đủ ăn sáng ý).

Smoothie bowl về cơ bản khi đã nắm cách làm rồi thì cho phép chúng ta sáng tạo vô giới hạn và bày biện với đủ các loại toppings để tạo ra thậm chí các tác phẩm nghệ thuật (đẹp lắm ý – dưới con mắt một đứa phàm ăn như tớ).

Một bát smoothie bowl cơ bản gồm 2 phần: 
FRUIT BASE (phần sinh tố chính – thường là base với 1 hoặc nhiều loại hoa quả, quyết định hương vị chính) + TOPPINGS (phần rắc thêm bên trên, có thể rắc đủ thứ khác nhau, từ chính hoa quả làm base, đến các loại hạt, ngũ cốc, hoa quả khô, superfoods khác tùy ý).

Nó khá đặc, và bạn sẽ xúc ăn bằng thìa. Sau khi ăn một bát sẽ không chỉ cảm thấy khá no, sảng khoái, nó còn đặc biệt phù hợp cho những ngày hè nắng nóng, và cũng đủ thỏa mãn cho những kẻ thèm ngọt.

Ai cũng biết bữa sáng quan trọng, nếu bạn ăn một bữa sáng healthy, nhiều khẩu phần rau hoa quả, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn trong ngày hôm đó vì chí ít cũng bắt đầu ngày mới bằng điều gì đó tốt cho cơ thể.

Ngoài để ăn sáng, smoothie bowl hoàn toàn có thể thay bữa trưa nhanh gọn, hay cho những bạn không muốn ăn nặng nề vào buổi tối (đặc biệt tập tành xong mà có 1 bát này thì không cần ăn tối nữa, rất mát ruột). Mình thì thường chỉ chọn 1 bowl cho 1 bữa thôi chứ không ăn nhiều bữa (trừ khi có ý định cleanse vài ngày chỉ uống juice hoặc sinh tố cho cả ngày thì lại khác).


7 ngày thử thách smoothie bowl

SHOPPING LIST

Đây là shopping list cho thử thách này, dĩ nhiên là để giúp các bạn tiện mua đồ và chuẩn bị. Các bạn hoàn toàn có thể biến tấu hoặc thay đổi, thay thế các loại hoa quả hay rau xanh tùy theo điều kiện quanh khu vực mình và đúng mùa, thấy cái nào hay thì có thể sáng tạo tùy sở thích nhé ạ (dĩ nhiên theo đúng công thức thì chuẩn ngon không lo bị rủi ro làm ra vị ko ưng ý).

NGÀY 1 – XANH SỨC SỐNG

Nguyên liệu: như trong ảnh dưới
Chuối đông lạnh 1-2 quả (quả nhỏ thì 2 quả – thích ngọt thì tăng chuối)
Quả bơ 1/2 (hoặc 1 phần bơ đông lạnh sẵn 100gr như đã chuẩn bị)
Sữa hạt (mình dùng sữa hạt điều vì nó xay nhanh và ngậy) 1 cup – khoảng 200ml 
Rau bó xôi 1 nắm to – thái nhỏ
Rau cải kale 1-2 lá to – bỏ phần cuộng cứng (bình thường khi ép thì dùng cả cuộng như xay thì bỏ ra cho nó mịn) – cắt ngắn

Cách làm
Tất cả cho vào máy xay, xay nhuyễn

Với các loại máy xay công suất không cao thì cần chia làm 2 lần xay. Lần một xay khoảng 1 phút, chỉ sữa hạt và rau xanh, sau đó nghỉ và xay thêm 1 phút nữa cùng các loại quả còn lại.

Đổ ra bát miệng rộng. Rắc thêm toppings.
Toppings mình dùng là: chuối, kiwi, hạt hemp rắc lên

Chú ý: dùng tỉ lệ sữa vừa phải để sinh tố có độ đặc chứ không cho nhiều sẽ làm loãng sinh tố, khó đặt toppings.

NGÀY 2 – TÍM TƯƠI TRẺ

Nguyên liệu:

Dâu tây 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
Việt quất 1/2 cup đông lạnh (khoảng nửa bát)
(hoặc có thể dùng dâu tằm)
Thanh long đỏ 1/2 quả
Chuối chín đông lạnh 1 quả
Sữa hạt (mình hay dùng sữa hạt điều, sữa yến mạch hoặc sữa dừa) 1 cup – nếu ko có thì dùng nước dừa tươi

Cách làm:

Cho tất cả nguyên liệu vào xay nhuyễn.

Ít nhất phải có 2 loại hoa quả đông lạnh để smoothie có độ xốp đặc, ko bị chảy loãng. Và các bạn điều chỉnh lượng sữa-chất lỏng cho vào để vừa đủ đặc đừng quá tay.

Nếu các loại dâu chua quá thì tăng lượng chuối hoặc xay thêm cùng 1, 2 quả chà là cho tăng độ ngọt.

Đổ ra bát, rắc toppings tùy ý.
Trong hình là mình dùng cái dụng cụ múc kem nhỏ để xúc thanh long đỏ hình tròn viên bi, rắc thêm hạt hemp, nhà có cây hoa nhài nên ngắt hoa nhài ra trang trí cho thơm mồm 🙂

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 3 – NÂU NO NÊ

Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1-2 quả
Bơ lạc 2tbsp
Sữa hạt (mình dùng sữa điều) 1 cup
Vanilla essense (nếu có thì sẽ thơm dậy mùi) 1/4 tsp hoặc 2 giọt thôi
Cacao powder nguyên chất không đường 1 tbsp

Cách làm:

Cho tất cả vào xay nhuyễn.

Đổ ra bát, rắc dừa nạo, cacao nibs và các loại hạt khô để toppings

Ngon lắm luôn!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 4 – VÀNG NĂNG ĐỘNG

Tập hợp những hương vị đặc trưng của một mùa hè nhiệt đới.

Công thức:

Chuối đông lạnh 1 quả
Dứa 1-2 miếng (1/4 quả)
Xoài 1/2 quả (đông lạnh)
Chanh leo 1 thìa (lấy ruột thôi)
Nước dừa 1/2 cup (tăng giảm sao cho vừa độ sánh của smoothie)

Cách làm:

Tất cả cho vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn.
Nếu máy xay không khỏe lắm thì các bạn hãy xay chanh leo với nước dừa trước, lọc bỏ bã hạt chanh leo, sau đó mới xay cùng các loại còn lại nhé.

Nếu thấy hơi chua thì thêm chút mật ong, hoặc xay cùng 1,2 quả chà là ngâm mềm, hoặc tăng lượng chuối chín.

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 5 – HỒNG TƯƠI VUI

Cho một ngày không bao giờ buồn 

Nguyên liệu:

Dâu tây đông lạnh 1 cup (khoảng 150gr)
Yến mạch 1/2 cup (hoặc 3-4 thìa canh) CHọn yến mạch ăn liền hoặc yến mạch cán (instant oat thì xay nhanh hơn, rolled oat thì cần xay kĩ hơn chút)
Sữa chua không đường 1/2 cup (hoặc 1 hộp) – nếu dâu chua quá thì dùng sữa chua có đường
Sữa hạt (hoặc nước dừa tươi) 1/4 cup

Cách làm:

Xay yến mạch cùng sữa hạt (hoặc nước dừa) trước cho nhuyễn, sau đó cho các nguyên liệu còn lại vào. Nếu thích có thể dùng thêm 1 quả chuối đông lạnh cho ngọt ngào hơn. Xay nhuyễn.

Đổ ra bát. Trang trí topping. Do mình ko có dâu tươi nên mình trang trí với thanh long đỏ và rắc các loại hạt (coshatj hướng dương, chia và yến mạch).

Chúc các bạn một ngày luôn HỒNG!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 6 – TẢO TỈNH TÁO

Cho một ngày không phờ phạc, nhất định là không phờ phạc đấy !

Nguyên liệu:

Sữa hạt điều 1 cup (hoặc sữa dừa, hoặc nước dừa tươi)
Chuối đông lạnh 2 quả
Kiwi 1/2 quả
Cốt dừa 1 thìa canh
Tảo spirulina dạng bột 1 thìa cf (nếu dùng tảo tươi dạng viên thì 1/2 viên). Mình ko thích dùng viên tảo nén của Nhật, để dùng trong làm món thì nên mua tảo dạng bột hoặc tảo tươi dạng đông lạnh theo từng viên, nó bớt tanh hơn và ko lo bị nhiều chất độn như viên nén.
Nếu thích có thể cho thêm 1/4 quả bơ cho thêm mượt

Cách làm:

Cho tất cả vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn.

Cho ra bát, trang trí topping. Ở đây mình trang trí với khế, kiwi, dừa nạo và cacao nibs

Món này vừa ngon vừa nhiều dinh dưỡng, sẽ cho bạn một sáng nhiều năng lượng đó!

#7smoothiebowl #juicylife

NGÀY 7 – CAM NGỚ NGẨN

Một tuần với sinh tố đến hôm nay là ngày cuối challenge rồi, nhanh không các bạn?
Thực ra cả tuần vui vẻ năng động rồi, ngày cuối cho chúng ta tự trở về bản chất.
Mỗi tuần nên có một ngày, một vài giây phút ngớ ngẩn đi các bạn ạ!Nguyên liệu:

Chuối đông lạnh 1 quả
Xoài 1/2 quả
Sữa chua hi lạp (hoặc sữa chua thường) 50gr (nửa hộp)
Dầu dừa (optional, nhưng có thì sẽ thơm và giúp hấp thụ nghệ tốt hơn, rất hợp) 1/2 thìa cf
Bột nghệ 1 thìa cf (nếu dùng nghệ tươi thì 1 mẩu nhỏ khoảng 1-2cm)
Một chút nước lọc (hoặc nước dừa tươi)
Cách làm:

Tất cả xay nhuyễn trong máy xay sinh tố. Chú ý điều chỉnh lượng nước sao cho được sinh tố đủ độ đặc, nhưng không nên lỏng. Và sinh tố sau khi xay cần giữ được độ mát mới ngon.
Chúc mừng các bạn đã vượt lười thành công và hoàn thành thử thách #7smoothiebowl cùng#juicylife. Mình rất mong các bạn đã yêu thích smoothie hơn, cùng đó là tiếp tục khám phá các món ăn sáng healthy bổ dưỡng nhiều màu sắc!

Hẹn gặp lại các bạn trong các thử thách khác cùng Huyền nhé!

Uncategorized

SURRENDER – Đầu hàng để buông!

Cảm giác ‘đầu hàng’ hóa ra lại tốt.

Ở đây mình muốn nói đến cảm giác đầu hàng chính cái tôi – cái ego của bản thân. Bạn đã bao giờ có cảm giác đó chưa?

Có những giai đoạn thường xuyên trong trạng thái dễ căng thẳng – rõ nhất là việc phần gáy và cổ dễ căng cứng, và hơi thở không đều/ngắn. Nói chung kể cả bận lắm nhưng chỉ cần quan sát vài giây là đủ biết những dấu hiệu cơ thể đang stressed. Ví dụ như gần đây khi mình có nhiều thứ đang diễn ra và muốn làm,chưa như ý muốn, ít thời gian yoga, ko dậy sớm trước 6am… nên tự áp lực và căng thẳng.

Càng stress thì mình lại càng ý thức cần phải làm gì đó. Mình ý thức rõ lắm. Chỉ còn khâu Action nữa thôi.
Khi đó chỉ cần cố quyết tâm dành ra vài phút dậy sớm buổi sáng để ngồi yên và thở. Hoặc đang làm chạy ra downward dog một lúc rồi thở. Hoặc ra trồng cây chuối rồi thở… Tóm lại là làm một cái gì đó để có thể tập trung vào HƠI THỞ.

Người ta hay nói về Thiền và tác dụng của nó. Nhưng chỉ có người thực sự trải nghiệm mới hiểu. Tất cả lý thuyết chỉ để tham khảo.

Mình cũng không chăm thiền dài, thiền sâu hay chuẩn chỉ. Đôi khi chỉ 5 phút ngồi yên để quan sát hơi thở đã là đủ make a different.

Đủ để SURRENDER

Đủ để Đầu hàng!

Đầu hàng trước những rối loạn, mông lung, suy nghĩ nhảy múa của tâm trí.
Đầu hàng của cái tôi tham lam, trước cái gì đó to lớn hơn rất nhiều chính bản thân mình (có thể đó chính là God, là Brahman, lá Đấng Tối cao, hay năng lượng universal nào đó mà mình không rõ – bởi vì dù sao linh hồn của con người cũng chỉ là một phần của tạo hóa chung). Chỉ là cảm nhận thôi – vì mình vô thần.
Đầu hàng để đón nhận một cảm giác dễ chịu yên bình.
Cảm giác đầu hàng đó đến cùng lúc với sự thư giãn đó.

Nên khi nào bạn căng thẳng và đầy ham muốn.
Hãy dành 5 phút để sẵn sàng surrender. Và buông!
Hãy dành 5 phút cho hơi thở của mình.

Nó là thứ duy nhất sẽ không bao giờ rời bỏ bạn cho tới khi bạn chết!

Còn bạn thì sao, hãy chia sẻ những trải nghiệm kết nối bản thân khi thở của các bạn nhé?

Smoothie

Sinh tố sầu riêng sữa dừa – light durian smoothie

Trên đời này chỉ có 2 loại người.

Loại ghét sầu riêng

Và loại MÊ sầu riêng

Không có loại ở giữa :)))

Đã từ lâu rồi mình vẫn ấp ủ làm sinh tố sầu riêng. Vẫn nhớ cái hồi đi Penang, có một lần tạt ngang ngửa trong lúc đang đi lang thang các con phố đi bộ đông ngút người, 2 thằng đã ngó thấy có durian smoothie ở một quán ven đường và quyết định thử, đang lúc đang đói. Trời ơi, đấy là cốc sinh tố sầu riêng đầu tiên 2 thẳng nếm trong cuộc đời. Và nó NGON NGÂY NGẤT.

Chả biết có phải do sầu riêng bên Malay nó ngon xuất sắc, hay là do người ta làm cái sinh tố đó kĩ thuật đặc biệt gì. Mà nó ngậy, mịn, mượt, ngọt vừa, mùi sầu riêng thì thơm xuất sắc, tóm lại ko chê vào đâu được.

Thế là từ hồi đó đến giờ vẫn mơ đến cốc sinh tố sầu riêng. Mà mãi không dám thử. Một phần vì sợ đau ví, một phần chưa dám đụng đến tìm các chỗ có sầu riêng đảm bảo (sợ tìm được mối ngon sạch xong sẽ không kiềm lòng được phá sản mất). Nên vẫn cứ để ý định đó. Để mơ vậy thôi (cho nó mãi đẹp).

Thế rồi một ngày đẹp trời có một chàng trai tốt bụng. Chàng trai này là đại gia sầu riêng. Chắc cứ nhắc đến hiệu sầu riêng của anh thì giới sầu riêng và làm nông sản sạch ở VN đều biết. Mỗi đợt hàng xuất khẩu sầu riêng và thanh long của anh hình như vài ba tấn gì đó ra nước ngoài. Và công nghệ sầu riêng không kích chín không phun tẩm gì giờ đã tiện lợi cho người mua lắm rồi, vì sầu riêng chín già tự nhiên được đóng đông lạnh bóc múi sẵn, đóng khay và hộp gọn gàng không lo đau tay. Anh ấy gửi mình hộp sầu riêng và không quên dặn, sao chưa thấy có công thức sinh tố sầu riêng nào à?

Và đây, sau bao nhiêu ‘trăn trở’ để làm sao ra được cốc sinh tố sầu riêng mà phải nổi vị sầu, không dùng sữa đặc, không dùng cố dừa đóng hộp, không thêm đường, không dùng sữa bò, không dùng các loại tạo ngọt hóa học, không dùng bột béo hay thứ gì tăng độ ngậy… mà phải thật đơn giản, thật nguyên bản.

Thì mình ra được thành phẩm là đây.

Rất đơn giản, nhưng vì đơn giản nên nguyên liệu chiếm vai trò tối quan trọng để tạo ra một cốc sinh tố sầu riêng ngon: sầu phải thật ngon, bơ phải thật ngon, chuối phải thật ngon, sữa dừa phải tự làm.

NGUYÊN LIỆU

1 múi sầu riêng chín già tự nhiên, thơm, ngọt

5-6 quả chuối ngự (nếu là chuối tiêu thì 1 quả chín mềm)

1 nửa quả bơ (bơ phải ngon, không đắng, không xơ, sáp)

200ml sữa dừa tự làm (cách làm sữa dừa rất đơn giản tại đây, làm đặc, cho ít nước sẽ được cốt dừa)

CÁCH LÀM

Tất cả cho vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn mịn. Mình dùng bơ đông lạnh, nên không thêm đá. Nếu các bạn không dùng hoa quả nào đông lạnh thì cần thêm đá khi xay mới ra cốc sinh tố mát ngon hơn.

Nếu không tự làm sữa dừa thì có thể dùng nước cốt dừa,  ở siêu thị giờ đã có 1 loại nước cốt dừa đóng lon hữu cơ có chứng nhận usda mà mở ra chỉ để được mấy ngày ý, loại đó sẽ ổn.

Món này để so về độ ngon và dậy mùi, ngậy ngọt ngào thì không bằng cốc sinh tố kí ức của mình ở Penang, nhưng vì mình CHỌN làm phiên bản healthy hơn, tự nhiên hơn, không thêm chất ngọt, chất tạo béo, sữa bò nào… Nên nó ngon theo chuẩn của mình.

Nó vẫn NGON lắm!

Còn nếu bạn nào hảo ngọt và béo hơn thì cứ thêm vài thìa sữa đặc cũng không sao hè hè.

Có bạn nào mê sầu riêng không vậy?

Healthy Food/ Smoothie

Sinh tố dừa, hoa đậu biếc – Never Blue again

Chưa bao giờ mình thôi ngạc nhiên với các cách tạo màu thực phẩm từ nguyên liệu tự nhiên.

Chẳng phải từ sau khi juice và có máy ép mà mình mới dùng màu từ các loại rau củ, mà từ nhỏ đã thích thú với các loại xôi ngũ sắc hay chè trôi nước nhiều màu hay cả những loại bánh từ gấc, từ ngải cứu, từ lá nếp…

Có đợt mình phát cuồng với smoothie bowl. Xem các hình smoothie bowl trên pinterest với các loại smoothie bowl màu xanh nước biển mà cứ xốn xang (blue is my favourite colour ^^).

Kiểu như thế này này

Mà phương Tây họ dùng một loại tảo lục ánh xanh blue, gọi là BlueMagik, mà ở Việt Nam mình không mua được.

Thế rồi cái ngày phát hiện ra có một loại HOA nó cho màu vô cùng tương tự! Thành phẩm lần đầu tiên thử nghiệm với hoa này là món Sinh tố bẩy sắc cầu vồng ở đây này (hôm đấy hơi phởn nên món đó cũng hơi phởn các bạn thông cảm 🙂

Nó chính là HOA ĐẬU BIẾC.

Khổ, thiên hạ người ta uống trà hoa đậu biếc với làm các món với nó thì mình chưa bao giờ xài, vì nghĩ đơn giản là ‘nhà không biết trồng hoa’ (trust me, mình là sát thủ với cây cối hoa hoét, cây duy nhất mình trồng thành công là nha đam, và một vài loại cây ‘bất tử’ khác).

Xong phát hiện ra dùng HOA KHÔ được (quê kinh người!). Thi thoảng lại bảo sao mình không sáng suốt sớm hơn.

Món này mình biến tấu từ một trong các công thức kinh điển của True Juice – Cocochia, đã được bao nhiêu feedback mê đắm của những fan yêu dừa và sự ngọt ngào tinh tế của dừa xiêm bản địa.

Mình thề là ai cũng có thể làm được món đồ uống hơn cả ‘mỹ nhân’ này.

Hà Nội những ngày tháng 7 mưa miên man đến tận 3 tuần, kéo sang cả tháng 8 sáng nào dậy cũng nghe tiếng mưa lách tách lầm rầm ngoài cửa. Bỏ lỡ biết bao kế hoạch J-Yogi Outdoor của mình và các đồng đội.

Nhưng thôi đã có món này. Và khi đã tận tay làm ra món này thì, mình sẽ ‘không bao giờ buồn’ (Never Blue nhá).

Công thức Never Blue để tạm biệt nỗi buồn ngày mưa! Tặng các nàng, chỉ cho các nàng mà thôi!

1 quả dừa xiêm bến tre (dừa bánh tẻ, cùi dẻo hoặc non cũng được)

1 thìa hạt chia

1 nhúm hoa đậu biếc khô (khoảng 2gr, 4-5 bông gì đó, nếu thích màu đậm hơn thì bạn tăng lượng hoa)

Cách làm sinh tố hoa đậu biếc và dừa

Hoa đậu biếc khô ngâm cùng nước nóng để thôi màu.

Dừa xiêm lấy nước, nạo cùi (chỉ dùng 1/4 cùi).

Xay nước và cùi dừa thật nhuyễn trong máy xay sinh tố. Nếu các bạn thích món này trong, thanh hơn, thì ko dùng cùi, nếu thích nó hơi ngậy hơn kiểu sinh tố loãng thì thêm cùi. Mỗi cách ra một kiểu thú vị riêng. Các bạn tự chọn cách nào mình thích.

Nếu xay với cùi dừa thì sau khi xay nhuyễn lọc qua rây lọc, được hỗn hợp sữa dừa non mịn ngậy.

Thêm hạt chia ngoáy đều.

Trộn trà hoa đậu biếc đã ngâm vào.

Xong!

Có dễ không nào, nếu không dùng cùi dừa thì thật sự món này làm trong 1 phút là xong. Chỉ cần nước dừa, pha với trà hoa đậu biếc, và rắc hạt chia.

Yes!

Nó dễ vậy đó.

Và nó đẹp vậy đó.

Nàng nào làm rồi nhớ đừng quên chụp một kiểu ảnh. Ngắm nhìn cốc nước đẹp như biển xanh, và gửi một câu yêu thương cho chính mình trong đó.

Và nhớ đừng quên hashtag #juicylife #neverblue hoặc comment khoe cùng mình nhé!

Love,

Huyen