All Posts By:

huyentran

Smoothie

Sinh tố kem việt quất – Blueberry cream pie smoothie

Chồng mình có bảo mình rằng, tớ chả hiểu mấy cái berry nó  ngon kiểu gì, chứ thử  vài loại thấy chả ưng, sao sánh bằng hoa quả nhiệt đới xứ mình được.

Cô vợ thì bảo: tại vì cậu chưa được ăn các loại berry tươi đúng mùa thôi! Ví dụ như dâu tây của mình chả bao giờ tớ thích, kiểu gì cũng chua, có ngọt cũng thấy ‘tầm thường’ lắm, nhưng lần đầu tớ ăn trái dâu tươi đúng mùa ở tại nước Anh thì tớ ‘choáng’ luôn. Kiểu như cả đời mình chưa được ăn dâu tây bao giờ hay sao ý!

Thế là mấy lần mình cũng lôi blueberry ra làm sinh tố. Blue berry của mình xài là mua loại đông lạnh chứ không phải loại tươi, vì nó đỡ đau ví hơn, cái loại tươi đóng hộp hơn 1 lạng ngoài siêu thị là đâu đó hơn 2 trăm nghìn thì phải, khóc cũng không dám mua :)) và vì mình không phải cái đứa chuộng hàng nhập, đặc biệt là mấy cái hoa quả bán giá trên trời vì đợt mình ở bên Anh mình cũng ăn chán chê rồi, nó đắt vì nó phải đi du lịch nửa vòng trái đất đến Việt Nam thôi. Xứ nhiệt đới có cơ man hoa quả ngọt ngào cơ mà, cứ đúng mùa mà chơi. Còn thỉnh thoảng mua trái cây lạ lạ của phương Tây để thay đổi cho thú vị thôi, và vì can tội blue berry được đánh giá nhiều chất chống oxy hóa quá nên không nỡ bỏ qua. Loại đông lạnh mình mua thì tầm 350k/kg, để làm sinh tố thì chấp nhận được.

Cái công thức sinh tố lần này mình cũng nhắm lâu rồi vì trang healthyblenderrecipes.com có nhiều công thức sinh tố hay quá mà mình thử mấy lần đều thấy ổn. Lần đầu tiên làm mình đã ưng lắm ý. Lúc xay xong giơ giơ trước mặt bạn chồng: “cho cậu nghĩ lại”. Thế là hắn cũng ậm ừ “ngon! được được!”, chớ mà quở quang blue berry nữa nhé 🙂

Món này nội dung cũng không phải cầu kỳ, chỉ có phần hạt điều tươi là cần ngâm nước lọc vài giờ trước đó cho mềm. Sữa thì mình dùng sữa hạnh nhân hoặc sữa dừa, các bạn có thể dùng sữa tươi tùy ý.

Nội dung gồm có (cho một cốc khoảng 300-350ml):

  • 200ml sữa hạnh nhân (hoặc sữa khác tùy ý)
  • 40g hạt điều tươi chưa rang chưa tẩm muối, ngâm nước lọc cho mềm nở
  • 160gr blueberries đông lạnh
  • 1 thìa cafe nước cốt chanh
  • rắc chút bột quế
  • rắc chút muối biển (mình dùng muối hồng Himalaya)
  • 1 thìa mật ong
  • 1 thìa cafe tinh chất vani (mình dùng loại tự ngâm từ quả vani)
  • Optional: Có thể cho thêm hạt chia, yến mạch ăn liền, hay các loại bột protein nếu dùng thay bữa.

Cách làm:

Hạt điều ngâm nước lọc cho mềm nở, trên 1h, đổ bỏ nước ngâm. Cho tất cả các nguyên liệu vào máy xay sinh tố. Xay nhuyễn trong vòng 1p.

Bạn sẽ có trong tay một cốc sinh tố sánh mịn như kem. Nếm vị cũng như kem luôn. Ngậy lắm ý!

Healthy Food

Cách làm Bơ đậu phộng(Bơ Lạc) chỉ trong 5 phút

Mà Bơ đậu phộng thì cực kỳ ngon ý.

Không thể hiểu sao trong nháy mắt mà đống lạc rang sẽ biến hình thành lọ bơ sánh đặc, ngậy và thơm sực mùi lạc. Thích nhất là cái khâu hít hà lúc xay ý. Bơ đậu phộng thực ra phương Tây họ dùng phổ biến chứ bên mình ít dùng hơn, nhưng một khi đã dùng thì thấy cũng rất thú vị, vì ăn mãi lạc rang không cũng muốn đổi nhiều cách chế biến cho mọi thứ phong phú, chưa kể khi ở dạng Bơ đậu phộng thì cách kết hợp sẽ khác nhiều: cho vào sinh tố này (đây là cách mình hay dùng nhất), nhà nào hay ăn bánh mỳ thì phết lên ăn sáng này, trộn sữa chua, hoa quả này, hay đơn giản là chấm táo này.

Tóm lại cứ thử làm nhé. Lạc đã rang thơm rồi thì chỉ mất 5 phút là có món Bơ đậu phộng thôi. Chỉ cần 1 cái côí xay máy sinh tố, hoặc tốt hơn nữa là máy xay đa năng (food processor) thôi.

Mình đã thử cả cối xay khô và cối xay ướt của máy sinh tố (mình dùng máy Philips 600W) thì đều có kết quả ok. Kĩ thuật quan trọng nhất (nghe cho oai) chỉ là lạc rang vừa tới không quá già không quá non, kèm thêm kiên nhẫn xay và xay. Tổng thời gian xay ít nhất phải 4 phút trở lên, chia làm 4, 5 lần ấn máy. Vậy thôi. Nhưng chính quá trình xay đó sẽ làm dầu trong lạc tự tiết ra và quyện đều, từ lúc lộm cộm đến lúc sánh mượt. Ớ phút cuối cùng chỉ cần thêm chút dầu, ít muối và mật ong.

Dưới đây là ảnh các bước nhé

1. Rang lạc

Lạc để làm Bơ đậu phộng có thể không rang hoặc rang nhưng nói thật là mình nhất định phải rang. Các loại hạt khi rang lên nó dậy mùi thơm khôn xiết, không rang hơi phí. Bạn có thể rang trên chảo hoặc trong lò. Như mình rang trong lò nướng 1800C trong 12-15 phút là lạc nổ lách tách rám màu rồi. Lạc khi rang lên cũng giúp quá trình xay dễ dàng hơn và dầu trong lạc tiết ra tốt hơn.

Sau khi rang xong, ủ lạc vào khăn vải một lúc để xát bỏ vỏ lạc.

Lac Rang

Lạc rang trong khay của lò nướng

2. Xay phút thứ 1:

Lạc sau khi bỏ vỏ, đổ vào cối xay của máy xay sinh tố. Trong hình là mình dùng cối khô đi kèm máy. Nếu cối nhỏ, bạn có thể chia làm nhiều mẻ vì nếu nhiều lạc quá sẽ khó xay nhuyễn. Nên xay ngay khi lạc còn ấm. Ban đầu nhấn nút pulse vài lần cho lạc vụn ra. Sau đó nhấn nút xay liên tục trong 1 phút đầu. Dừng và vét thành cối. Lúc này bơ đậu phộng trông lợn cợn thấy rõ.

Nếu muốn làm bơ đậu phộng dạng còn lợn cợn hạt (chunky peanut butter) chứ không phải nhuyễn mịn, bạn bỏ một chút lạc vụn này ra để riêng và chỉ xay cùng trở lại ở phút cuối cùng.

bolac1

Hỗn hợp lạc sau 1 phút xay

3. Xay phút thứ 2:

Tiếp tục xay 1 phút nữa. Dừng và vét cối. Lúc này lạc đã trông mịn hơn nhiều.

bolac4

Sau phút thứ 2

4. Xay phút thứ 3:

Tiếp tục xay 1 phút nữa. Dừng và vét cối. Lúc này hỗn hợp lạc trông đã khá mịn, bóng.

bolac2

Sau phút thứ 3

5 . Xay phút thứ 4:

Lúc này ta cho muối, dầu và mật ong/đường vào. Tiếp tục xay thêm 2 phút nữa (dừng lại 1 lần giữa chừng). Nếu bạn muốn làm bơ đậu phộng dạng còn lợn cợn, bạn hãy đổ nốt phần lạc vụn đã để riêng lúc trước vào để xay ở phút cuối cùng này.

Thời gian xay có thể sẽ cần dài hơn với các loại máy xay công suất thấp hơn. Miễn sao chúng ta cố gắng xay ít nhất 4 phút, và xay đến khi hỗn hợp bơ đậu phộng thật sánh mịn.

bolac3

Sau phút thứ 4. Hỗn hợp đã đặc và kết lại hơn, mịn hơn.

6. Đổ thành phẩm vào lọ trữ:

Vậy là ta đã có bơ đậu phộng rồi. Yay! Bạn hãy quyệt ngón tay nếm thử đi. Ngon nhỉ?

Giờ ta vét bơ đậu phộng vào các lọ thủy tinh nắp kín (lọ đã rửa sạch tráng nước sôi và lau khô), trữ trong tủ lạnh được vài tuần. Thường mình thấy để 2-3 tuần vô tư.

Nếu bạn làm nhiều mẻ, bạn có thể chơi với các loại vị khác, ví dụ như thêm bột cacao để làm chocolate peanut butter, hay mix với các loại hạt khác. Cách làm này áp dụng tương tự cho các loại bơ hạt khác, như bơ hạnh nhân, bơ điều, bơ vừng…

Thông thường mình thấy với mỗi 300gr hạt sẽ được khoảng 250gr bơ đậu phộng (không hiểu sao nó khấu hao đi đâu mất trong quá trình làm nhỉ?). Bạn có thể làm thuần chỉ có hạt không, nhưng mình rất thích cho một chút mật ong và muối biển. Với các loại vị biến thể thì các bạn tha hồ tự mix (thử bột quế hay chocolate chip ý).

Các bạn hay dùng bơ đậu phộng trong những món gì?

Homemade Peanut Butter - Tự làm Bơ Lạc (5 phút)

Print Recipe

Ingredients (5 items)

  • 300gr lạc sống
  • 1/4 thìa cafe muối biển
  • 1 thìa canh dầu lạc hoặc dầu dừa (hoặc các loại dầu thực vật khác)
  • 1 thìa canh mật ong hoặc đường
  • Các nguyên liệu có thể thêm phụ vào để tạo nhiều vị khác như: 1-2 thìa canh bột cacao, 1/3 thìa cafe bột quế hay các loại bột gia vị, 1 nắm chocolate chip, một vài thìa nutella...

Instructions (6 Steps)

1

Rang lạc: Rang trên chảo hoặc trong lò. Lạc rang trong lò nướng 180oC từ 12-15 phút tới khi chín. Ủ lạc vào khăn vải 5p để xát bỏ vỏ lạc.

2

Xay phút thứ 1: Lạc sau khi bỏ vỏ, đổ vào cối xay của máy xay sinh tố. Nên xay ngay khi lạc còn ấm. Ban đầu nhấn nút pulse vài lần cho lạc vụn ra. Nếu muốn làm bơ lạc có lợn cợn lạc thì để riêng một nắm lạc vụn ra. Sau đó nhấn nút xay liên tục trong 1 phút đầu. Dừng và vét thành cối. Lúc này bơ lạc trông lợn cợn thấy rõ.

3

Xay phút thứ 2: Tiếp tục xay 1 phút nữa. Dừng và vét cối. Lúc này lạc đã trông mịn hơn nhiều.

4

Xay phút thứ 3: Tiếp tục xay 1 phút nữa. Dừng và vét cối. Lúc này hỗn hợp lạc trông đã khá mịn, bóng.

5

Xay phút thứ 4: Lúc này ta cho muối, dầu và mật ong/đường vào. Tiếp tục xay thêm 2 phút nữa (dừng lại 1 lần giữa chừng). Nếu bạn muốn làm bơ lạc dạng còn lợn cợn, bạn hãy đổ nốt phần lạc vụn đã để riêng lúc trước vào để xay ở phút cuối cùng này.

6

Đổ bơ lạc vào lọ trữ: Vét bơ lạc vào các lọ thủy tinh nắp kín (lọ đã rửa sạch tráng nước sôi và lau khô), trữ trong tủ lạnh được vài tuần.

 

Juice Challenge

Cách giảm cân trong 7 ngày bằng nước ép (7 day juice cleanse)

Thực ra khi nói đến giảm cân, chủ đề luôn hot cho nhiều đối tượng, chúng ta thường được bủa vây bởi rất nhiều các lựa chọn. Các chương trình/chế độ mà giảm cân càng nhanh càng có rủi ro, đặc biệt nếu nó quá hà khắc và cắt đi nhiều nguồn dinh dưỡng cho cơ thể. Kết quả của một chế độ giảm cân hiệu quả là khi bạn kết thúc với tâm trạng tốt đẹp và ít nhất cảm thấy khỏe khoắn, nhẹ nhàng (chứ không phải thở không ra hơi hay đứng cũng không vững). Hơn nữa, mục đích cuối cùng không chỉ là số cân giảm (rồi lại tăng ngay sau đó), mà là thay đổi trong cả khẩu vị và lối sống sau đó. Khi khẩu vị của bạn thay đổi – reset your taste buds, bạn sẽ thay đổi cách mình lựa chọn thực phẩm, có mối quan hệ tốt hơn với thực phẩm đúng nghĩa một cách lâu dài sau đó. Vì vậy lựa chọn phương pháp nào là quyết định riêng của mỗi người và nó nên được xuất phát từ sự hiểu biết, tức là bạn cần hiểu rõ mình chuẩn bị làm gì.

Có rất nhiều các chương trình nước ép thải độc và cơ man các loại sách đi kèm về chủ đề này. Trong đó, chương trình 7 lbs in 7 day (Giảm 7 pound trong 7 ngày, 7 pound tương đương 3.17kg) là chương trình dinh dưỡng chỉ dùng nước ép  từ huấn luyện viên sức khỏe từ UK – Jason Vale,  hay còn được biết đến là The Juice Master. Mình chọn giới thiệu chương trình này trước vì bản thân mình và nhiều người thân mình đã giúp thực hiện và có kết quả. Sau này mình sẽ giới thiệu thêm nhiều chương trình khác để các bạn tham khảo (như 3 ngày, 5 ngày hay 14 ngày).

Cùng với phương pháp dinh dưỡng và tập luyện đơn giản, hàng ngàn người đã trải nghiệm chương trình này, không những giảm cân mà còn cảm nhận năng lượng của chính mình mạnh mẽ hơn, làn da rạng rỡ hơn và dễ dàng chia tay những cạm bẫy dinh dưỡng không lành mạnh trước đó.

Highlights của chương trình

-Quyển sách ‘7 lbs in 7 day’ đã lọt vào ví trí No.1 tất cả các sách của Amazon.co.uk (thậm chí vượt lên truyện The Da Vinci Code).
-Đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và các ngôi sao nổi tiếng như Sarah Jessica Parker, Drew Barrymore và Jenifer Aniston đã thực hiện chế độ dinh dưỡng kiểu Juice Master.
-Có trên 1 triệu  bản sách được bán trên toàn thế giới.
-Được tạp chí OK Anh quốc nhận xét là “Quyển sách về juicing thành công nhất thế giới” (“The most successful juicing book in the world!” OK Magazine)
Katie Price (hay còn được gọi là Jordan) là một người mẫu và nhân vật truyền hình nổi tiếng của nước Anh, được biết đã giảm cân thành công hơn 6kg trong 3 tháng sau sinh nở nhờ chương trình Turbo Charge của Jason Vale

Trước tiên, chúng ta cần có một số kiến thức cơ bản trong chủ đề này

WHAT IS JUICE CLEANSE? – JUICE CLEANSE LÀ GÌ?

Thực ra cơ thể chúng ta ngày nay ‘được’ nạp rất nhiều chất độc từ khắp ngõ ngách, từ thực phẩm, từ sinh hoạt, từ không khí ta hít hàng ngày, cộng thêm lối sống nhìn chung không lành mạnh (ngồi máy tính >8h 1 ngày, ít vận động), chưa kể độc hại hơn là hút thuốc lá, dùng chất cồn, ngủ muộn vv.. vô vàn. Vì vậy khi khái niệm detox (thải độc) xuất hiện đã được chào đón nhiệt tình trên khắp thế giới.

Nhìn chung lại, có những cách detox bài bản như sau:

1. Water fast: chỉ uống nước, không ăn (tuy nhiên phương pháp này chỉ nên thời gian ngắn vì cơ thể không được cung cấp dinh dưỡng)
2. Juice fast: chỉ uống juice và nước + có thể thêm trà thảo dược hay các loại nước có chất dinh dưỡng (nhưng không có chất cứng/thức ăn).
3. Juice feast: chỉ uống juice và nước, có thể thêm trà thảo dược hay các loại nước có chất dinh dưỡng + ăn thêm một chút rau củ quả dạng sống (raw food – rau củ quả không qua nấu chín)
4. Raw food cleanse: giống juice fast nhưng hơi đảo lại, ăn rau củ quả dạng sống trong các bữa ăn hàng ngày, bổ sung thêm juice, nước, trà thảo dược v.v.. nhưng tỉ lệ thức ăn vẫn cao như ăn bình thường, juice chỉ là uống phụ cùng.

Chương trình 7 ngày juice cleanse mình giới thiệu dưới đây là một dạng juice fast – tức là không nhai, không ăn gì, chỉ uống juice từ rau củ.

WHY – TẠI SAO VÀ LỢI ÍCH?

Thường mọi người hay nghĩ detox là để giảm cân (có đúng không? 🙂

Thực tế, lợi ích lớn nhất chính là phục hồi cơ thể đến gần hơn trạng thái cân bằng.
Chúng ta có thể detox để giảm cân, để chữa bệnh, để da đẹp hơn, mắt sáng hơn, tràn trề năng lượng hơn, khỏe mạnh hơn, để thay đổi, để trở về với chính mình, để kết nối với cơ thể tốt hơn…

Mình là một đứa nhìn chung có lối sống lành mạnh (cố gắng lành mạnh thôi 🙂. Mình juice fast để thứ nhất: thử một lần để biết hiệu ứng ra sao vì nghe nói đến benefits của nó quá nhiều, cũng thấy quá nhiều câu chuyện thành công, rất nhiều người nghiện juice và có những thay đổi lớn cả về cơ thể lẫn tinh thần/niềm tin sau khi hoàn thành thử thách. Thứ hai, mình muốn xem sức chịu đựng của cơ thể và có phần tâm linh: để kết nối với cơ thể mình tốt hơn. Thực ra từ khi tập yoga mình cũng như qua thời gian (tuổi tác?) mình đã ý thức về bản thân, về cơ thể mình, về phần ‘tâm’ của chính mình nhiều hơn, thường xuyên cảm ơn bản thân và trân trọng những gì cơ thể mình đang trải qua. Thật sự là trân trọng! Vì vậy lần juice fast này mình cũng muốn là dịp để pause lại, để tập trung vào phía bên trong hơn nữa.

Bạn chồng mình bị lôi kéo vào thử thách này: bạn ý lối sống nhìn chung không lành mạnh (bằng mình), cũng không hút thuốc hay rượu bia nhưng ngủ rất muộn và còn ăn uống lung tung hơn mình. Cũng sẽ update xem đối tượng này có giảm cân không hay sẽ phản ứng ra sao sau khi hoàn thành chương trình.

HOW? TRIỂN KHAI RA SAO?

CHUẨN BỊ:

Trước juice fast 2-3 ngày: uống nhiều nước, ít nhất 2l (cái này quá đơn, bình thường mình đã uống 3-4l/ngày). Không ăn các đồ có hại (cũng quá đơn, bthg mình cũng đã không bao giờ ăn fast food, đồ đóng hộp, bánh kẹo hộp, đồ ăn công nghiệp, rượu bia, nước ngọt…) , giảm đường, trứng sữa, tinh bột, tăng hoa quả rau củ.

Nguyên liệu: Với số lượng 6 cốc juice 300ml 1 ngày, nhân lên 2 người. Mình phải sản xuất 12 chai juice một ngày. Công thức cần sẵn sàng và từ đó nhân lên số nguyên liệu. Ngoài ra mình sẽ kết hợp dùng thêm Spirulina (tảo xoắn, dạng bột để pha cùng juice) để bổ sung nhiều vi chất hơn nữa, tăng thêm hiệu quả cho quá trình detox. Nếu bạn muốn xài thêm mấy đồ bonus này, nên mua sẵn để dùng, đằng nào sau khi kết thúc thử thách bạn cũng vẫn xài chúng được.

Chai lọ đựng: mỗi ngày mình sẽ juice một lần vào buổi sáng để dùng cho cả ngày. Nước ép xong sẽ được đóng vào chai thủy tinh 300ml tương ứng mỗi khẩu phần và luôn giữ lạnh.

Máy móc: Chương trình này cần sử dụng 2 loại máy: cả máy ép và máy xay sinh tố

Chọn thời điểm phù hợp: Khi juice fast và để cơ thể trải qua một giai đoạn thay đổi đáng kể, bạn rất cần nghỉ ngơi. Các tế bào cơ thể cần năng lượng để được phục hồi. Cơ thể chúng ta cần năng lượng từ thực phẩm ‘sống’, có enzyme, có vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa v.v. Khi ta nạp năng lượng ‘tốt’ vào, các năng lượng ‘xấu’ sẽ phải ra. Việc uống juice cho phép nạp các dưỡng chất tốt đó một cách nhanh chóng và nhiều nhất có thể (thay vì phải nhai, phải ăn, phải tiêu hóa thức ăn chán chê mới hấp thu được một phần dưỡng chất từ thức ăn). Vì vậy bạn nên chọn thời điểm mình không có quá nhiều xáo trộn trong cuộc sống, không du lịch, di chuyển nhiều, công việc không quá stress hay đang có nhiều sự kiện lớn, ăn uống tiệc tùng hẹn hò nhiều.

QUAN TRỌNG là Tinh thần: juice fast là thử thách ! Gọi là thử thách vì nó đòi hỏi bạn có quyết tâm. Bạn sẽ cần quyết tâm theo đúng chương trình, vượt qua các cám dỗ, vượt qua những ngày đầu khó khăn khi cơ thể đang phản ứng với thay đổi (lúc nào thay đổi gì cũng phải khó khăn hết á), để kỷ luật với bản thân hơn. Thêm nữa, nó đòi hỏi công sức. Bạn phải mua chật tủ lạnh rau củ quả, rửa, cắt gọt, rồi rửa máy, rửa chai lọ…Nói chung là bạn sẽ có cơ hội để kiểm soát cơ thể của mình thay vì để cơ thể kiểm soát cuộc sống mình. Nhưng bạn cần có NIỀM TIN : chắc chắn mình làm được, không được từ bỏ ! (không ai rủ tớ ăn uống tiệc tọt gì đến hết tuần sau nhá hehe)

juicecleanse

TRONG QUÁ TRÌNH JUICE FAST

Cơ bản là mỗi ngày mình sẽ uống 5-6 khẩu phần juice 300ml, mỗi lần uống cách nhau 2-3 tiếng. Có thể bổ sung thêm juice nữa nếu cần, hoặc trong lúc khó khăn quá, đói quá thì có thể uống smoothie (sinh tố, nhưng loại nhẹ ít chất xơ không hòa tan, tức là giống như juice nhưng xay thêm với quả bơ hay chuối thôi).
Bắt đầu mỗi ngày bằng 1 cốc nước chanh ấm (nước + chanh vắt, có thể thêm mật ong).

CAUTION – LƯU Ý

Khi quá trình thải độc diễn ra là khi bạn dừng ăn những đồ không có lợi, thay bằng những đồ có tính phục hồi cho cơ thể. Vì vậy sẽ có những phản ứng nhất định từ cơ thể. Bạn càng có nhiều ‘độc tố’ trong cơ thể, phản ứng của bạn sẽ càng nhiều hơn. Giống như người nghiện cà phê hay thuốc lá, khi cai bao giờ cũng thấy khó chịu, đau đầu, mệt mỏi, quay cuồng … gọi là các triệu chứng từ bỏ, do cơ thể được nới lỏng với các chất độc hại và bắt đầu ‘thải’ ra. Bao gồm: Trans-fatty acid, các mô mỡ, các chất hóa học; các tế bào chết hoặc tế bào bệnh; chất độc trong máu, lá lách , gan và thận, cholesterol dư thừa. Rất cần uống nhiều nước (nước tinh khiết hoặc nước lọc qua máy lọc tốt) để đẩy nhanh các chất thải ra ngoài.

Các triệu chứng đó có thể khác nhau giữa các cơ thể và nếu có vấn đề về sức khỏe như bệnh tật hay các triệu chứng mãn tính, tốt nhất nên hỏi bác sỹ trước nhé. Tự bạn phải chịu trách nhiệm cho chính mình, cần nghiên cứu kỹ trước khi bắt đầu.

LỊCH TRÌNH CHƯƠNG TRÌNH 7 NGÀY JUICE CLEANSE

NGÀY 1

7 A.M. (thời gian tương ứng lúc bạn dậy) Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. (tương đương bữa sáng) Super Juice
11 A.M. (bữa giữa trưa) Super Juice
2 P.M.(bữa trưa) Super Chute Juice
5 P.M. (bữa xế chiều) Turbo Express
8 P.M.(bữa tối) Lemon/Ginger Zinger
9 P.M.(trước khi đi ngủ) Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
2 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều/Tối: 20-30 phút

NGÀY 2

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Super Juice
11 A.M. Super Juice
2 P.M. Super Chute Juice
5 P.M. Turbo Express
8 P.M. Turbo Express và Cỏ lúa mỳ  (thêm 1 thìa cà phê bột cỏ lúa mỳ vào cốc juice Turbo Express)
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

NGÀY 3

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Lemon/Ginger Zinger hoặc Super Juice
11 A.M. Super Juice
2 P.M. Passion 4
5 P.M. Turbo Express
8 P.M. Turbo Express và Cỏ lúa mỳ
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

NGÀY 4

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Super Juice
11 A.M. Super Juice
2 P.M. Super Detox Juice
5 P.M. Turbo Express
8 P.M. Turbo Express và Cỏ lúa mỳ
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

NGÀY 5

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Super Chute Juice
11 A.M. Super Chute Juice
2 P.M. Super Detox Juice
5 P.M. Super Juice
8 P.M. Super Juice
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

NGÀY 6

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Passion 4 Spirulina
11 A.M. Passion 4 Spirulina
2 P.M. Pure Green Super Juice
5 P.M. Boost Juice
8 P.M. Boost Juice
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

NGÀY 7

7 A.M. Nước ấm với chanh, lá bạc hà hoặc mật ong
8 A.M. Super Juice
11 A.M. Super Juice
2 P.M. Passion 4 Spirulina
5 P.M. Homemade Lemonade Sherbet
8 P.M. Boost Juice
9 P.M. Trà thảo mộc với lá bạc hà hoặc Hot ‘ n’ Spicy
3 lần tập thể dục
Sáng: 20-30 phút
Chiều: 15 phút (chạy, đi bộ, nhảy, yoga, tùy ý)
Tối: 20-30 phút

juice cleanse bottles

CÔNG THỨC

Các công thức đã được chỉnh sửa một chút để phù hợp với điều kiện rau củ quả theo mùa của Việt Nam nhưng mình đã cố gắng giữ gần như nguyên bản gốc. Các bạn khi chuẩn bị nguyên liệu cũng có thể thay thế một số loại nếu không tìm được nhưng hãy cố gắng làm theo công thức nhất có thể.

SUPER JUICE

½ quả chanh xanh, bỏ vỏ (chọn xanh không hạt Đà lạt, nếu có hạt phải bỏ hạt trước khi ép)
2 quả táo cỡ nhỏ (khoảng 250gr đã bỏ vỏ, hạt)
½ quả dứa
1/2 quả dưa chuột
½ quả bơ chín
30ml nước ép cỏ lúa mỳ hoặc 1 thìa cafe bột cỏ lúa mỳ hữu cơ
1 viên tảo spirulina tươi (hoặc 1 thìa cafe tảo spirulina dạng bột)
Đá

-Ép phần táo, dứa, dưa chuột và chanh.
-Xay: đổ phần nước ép trên vào máy xay sinh tố, thêm thịt quả bơ, tảo, cỏ lúa mỳ và đá. Xay nhuyễn. Rót ra ly và thưởng thức.

JM’s SUPER CHUTE JUICE

2 quả táo cỡ nhỏ (khoảng 250gr đã bỏ vỏ, hạt)
1 miếng nhỏ cà rốt
½ nhánh cần tây
1 nắm to các loại rau xanh – cải xong, cải xoăn, rau mùi, bó xôi, xà lách hay bất kỳ loại nào bạn có
1/2 quả dưa chuột
1 nhánh súp lơ xanh
1 lát củ dền dầy khoảng 2cm
1 lát chanh vàng, bỏ vỏ
1 cm củ gừng

Ép tất cả các nguyên liệu, xen kẽ rau cùng củ quả cứng hơn để đẩy bã nhanh hơn. Rót ra cốc và thưởng thức.

TURBO EXPRESS

½ quả dứa nhỏ
½ nhánh cần tây
3cm dưa chuột
1 nắm rau bó xôi (rau bina)
1/4 quả chanh xanh không hạt bỏ vỏ
2 quả táo cỡ nhỏ (khoảng 250gr đã bỏ vỏ, hạt)
½ quả bơ chín
Đá

-Ép phần dứa, cần tây, dưa chuột, bó xôi, chanh và táo.
-Xay: đổ phần nước ép trên vào máy xay sinh tố cùng thịt quả bơ và đá. Xay nhuyễn. Rót ra ly và thưởng thức.

BOOST JUICE

½ quả dứa
2 quả táo cỡ nhỏ (khoảng 250gr đã bỏ vỏ, hạt)
½ bát con giá đỗ
½ bát con rau cải xoong
½ bát con rau mùi
1 lá rau cải xoăn (kale)
2 nhánh súp lơ xanh
30ml nước ép cỏ lúa mỳ hoặc 1 thìa cafe bột cỏ lúa mỳ hữu cơ
2 viên đá

Ép tất cả các nguyên liệu đã rửa sạch thái vừa miệng ép. Sau đó trộn cùng cỏ lúa mỳ. Rót ra cốc và thưởng thức.

SUPER DETOX JUICE

2 quả táo cỡ nhỏ (khoảng 250gr đã bỏ vỏ, hạt)
½ quả dưa chuột
1 nhánh cần tây
1 nắm rau bó xôi (rau bina)
Nếu có bột diệp lục – green mix powder thì cho 1 thìa cafe, hoặc nếu không thì thêm một nắm các loại rau xanh như xà lách, rau mùi, cải xoong v.v. tùy điều kiện) .

Ép táo, dưa chuột, cần tây và rau bó xôi. Đổ nước ép vào máy xay sinh tố cùng bột diệp lục, xay nhuyễn. Nếu dùng rau xanh mà không có bột diệp lục thì đơn giản là ép tất cả nguyên liệu.

PASSION 4 SPIRULINA

½ quả dứa nhỏ
1 quả táo
½ quả chuối
100g sữa chua (1 hộp, nếu là người thuần chay thì chọn sữa chua từ đậu nành)
½ viên tảo spirulina tươi hoặc 1/2 thìa cafe bột tảo spirulina

Ép phần dứa và táo. Đổ nước ép vào máy xay sinh tố cùng chuối, sữa chua và tảo. Xay nhuyễn. Đổ ra cốc và thưởng thức. Nếu bạn không thích sữa chua thì tăng thêm nửa quả dứa xay cùng.

HOT ‘N’ SPICY

3 quả táo
1/2 thìa cafe bột quế

Ép phần táo, đổ ra cốc. Rót nước nóng già vào cốc với lượng bằng lượng nước ép táo. Trộn bột quế vào cùng, khuấy đều. Uống ấm.

LEMON/ GINGER ZINGER

2 cà rốt
2 táo
1 lát chanh vàng bỏ vỏ
1-2 cm củ gừng

Nước ép này là công thức yêu thích của cô Martina Navratilova, vận đông viên tennis hàng đầu đã thắng 58 giải tennes Grand Slam. Cách làm chỉ đơn giản là ép các nguyên liệu và đổ ra ly thưởng thức.

PURE GREEN SUPER JUICE

2 nhánh cần tây
½ quả dưa chuột
1 nắm rau bó xôi (rau bina)
30ml nước ép cỏ lúa mỳ hoặc 1 thìa cafe bột cỏ lúa mỳ hữu cơ
1 lát cam vàng (nên chọn cam úc không hạt, nước ép không bị đắng, bỏ vỏ )

Ép cần tây, dưa chuột, bó xôi và cỏ lúa mỳ. Đổ ra cốc có đá, mỗi lần uống lại cắng một miếng cam. Làm như vậy phần nước ép sẽ hấp dẫn hơn và vitamin C trong cam cũng giúp hấp thụ khoáng chất trong rau tốt hơn.

SHERBET LEMONADE

2 quả táo
1/3 quả chanh vàng (riêng công thức này chanh vàng thơm khác hẳn chanh xanh vì chọn loại chanh nào sẽ quyết định mùi vị cốc juice)
Đá viên

Ép táo và chanh vàng (chanh gọt vỏ bỏ hạt). Rót ra cốc và thưởng thức.

TRÀ THẢO MỘC – NATURAL TEAS

Có thể làm từ các loại hoa quả đơn giản, như cắt quả chanh vàng/chanh xanh, quả cam, một nhúm lá bạc hà vào cốc, rồi đổ nước nóng già vào để ngâm 3 phút. Trà thảo mộc từ hoa quả tươi này đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảm cân vì chúng hỗ trợ hệ tiêu hóa khởi động vào sáng sớm, và làm dịu vào buổi tối. Không dùng nước sôi 100oC mà chỉ nên dùng nước nóng già, nước sôi sẽ làm hỏng vitamin trong nguyên liệu.

SAU KHI KẾT THÚC

Nên ăn gì?

Điều kị nhất sau khi kết thúc các chương trình giảm cân chính là ăn uống vô tội vạ trở lại. Sau khi cơ thể và hệ tiêu hóa trải qua những ngày không có thức ăn và ở trạng thái được reset, chúng ta phải rất cẩn thận khi ăn trở lại. Phải rất từ từ! Và đặc biệt cần ăn thực phẩm dạng nguyên bản (whole foods) chứ không phải những loại qua chế biến và tinh chế hay tệ hơn là đồ ăn không rõ nguồn gốc. Bắt đầu ăn rất ít một, bởi lúc này hệ thống trao đổi chất trong cơ thể đang chậm rãi nếu ta ăn như trước kia ngay lập tức thì sẽ nhanh chóng tăng cân trở lại.

Ví dụ sau chương trình 5 ngày (ngày thứ 8 đến 12), lưu ý ăn số lượng ít, không nên ăn thịt (ít nhất 2 ngày), dĩ nhiên không thuốc lá, rượu  bia, cà phê:

  • Bữa sáng: sinh tố hoặc sữa chua trộn hoa quả, cháo trắng hoặc cháo rau.
  • Bữa trưa: sinh tốhoặc sữa chua hoa quả, salad, súp rau, có thể gạo lứt muối mè
  • Bữa tối: Gạo lứt với rau củ luộc, salad hoặc súp.

Các bạn có thể tham khảo thêm các lưu ý và chia sẻ trải nghiệm của mình sau khi thực hiện chương trình này tại đây 

Các bạn đã bao giờ theo chế độ giảm cân nào chưa? Đã bao giờ juice cleanse chưa? Chia sẻ cùng mình nhé!

JUICE RECIPES/ Juicing for health

Nước ép thải độc gan cho Gan nhiễm mỡ – Liver Cleansing Juicing

Gan nhiễm mỡ đang trở thành căn  bệnh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại, khoảng 25% dân số toàn cầu bị vướng vào nó. Gan nhiễm mỡ có liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2 và các rối loạn insulin khác. Nếu không xử lý, nó có thể diễn biến thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn ở gan và sức khỏe nói chung.

Mình chia sẻ bài viết này do mình tổng hợp và dịch, chỉ đơn giản bởi thấy sao có nhiều người xung quanh mình bị thế, mà vấn đề là họ thấy nó là bình thường không serious ý. Mình cũng từng bị gan nhiễm mỡ (má ơi không thể tưởng được ngày trước mình lại lười vận động), trước đây là gái văn phòng điển hình, ngồi nhiều, ít vận động, chỉ suốt ngày mơ thay đổi, mơ đi tập này tập nọ, nhưng cái gì cũng trong tưởng tượng thôi. À nhưng đó là mình bị gan nhiễm mỡ từ 7 năm trước rồi. May mắn sao đã gặp nhiều đam mê hay ho nên giờ bói cũng không thấy mỡ ở gan.

Giải pháp là gì? Tóm lại với mình là vẫn mấy cái người ta hay nhai đi nhai lại suốt ý mà (chỉ là có làm hay không thôi): tập mỗi ngày, uống juice mỗi ngày, uống nhiều nước, tránh ăn các loại thức ăn đóng hộp công nghiệp nhiều đường và nhiều phụ gia không đọc nổi tên, không bao giờ uống nước ngọt, hạn chế đường tinh luyện và cố gắng dùng gạo xát dối.

Bệnh về gan thì cũng nhiều loại nhưng gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh thời đại và có mức độ phổ biến. Dưới đây tóm tắt sơ lược về em ý và cách giải quyết/phòng tránh.

1.Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích lũy trong các tế bào gan, khi tỉ lệ mỡ trong gan chiếm hơn 5%.

90% những người uống nhiều rượu và chất cồn bị gan nhiễm mỡ. Nhưng ngoài rượu bia, vẫn có nhiều nguyên nhân khác gây ra Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu có thể chữa trị và loại bỏ hoàn toàn, tuy nhiên nếu không được xử lý sẽ dẫn đến các bệnh có thể phá hủy các tế bào gan như viêm gan, xơ gan hay ung thư gan.

fattyliverdisease

Hình ảnh bên trái: lá gan khỏe mạnh. Ảnh bên phải: lá gan nhiễm mỡ Nguồn ảnh: www.endocrineweb.com

2. Các nguyên nhân gây bệnh

Uống rượu bia và chất cồn

Béo phì: 30-90% số người trưởng thành béo phì bị gan nhiễm mỡ, tỉ lệ này cũng đang gia tăng ở trẻ em

Quá nhiều mỡ bụng: Kể cả những người cân nặng trung bình cũng có thể bị gan nhiễm mỡ nếu họ bị ‘mỡ nội tạng’- tức là bị béo nhiều ở phần eo. Chính phủ Úc có đưa ra chỉ số vòng eo tham khảo là nên nhỏ hơn 81cm với nữ và 95cm với nam và khi vòng eo của chúng ta lớn hơn con số này thì có nguy cơ cao hơn về các bệnh tiểu đường, tim mạch và gan mỡ. Tuy nhiên mình nghĩ con số này với người Việt Nam nên nhỏ hơn nữa chứ đợi vòng eo 81cm thì đã có quá nhiều nguy cơ rồi.

Kháng insulin: Kháng insulin và dùng insulin mức độ cao đã được chứng minh tăng trữ mỡ gan ở những người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ăn nhiều tinh bột tinh chế: Tiêu thụ thường xuyên carbs tinh chế (các loại từ bột mỳ và cơm tẩy trắng) thúc đẩy lưu trữ mỡ gan, đặc biệt ở những người thừa cân hoặc kháng insulin.

Uống nhiều nước ngọt giải khát nhiều đường: các loại nước giải khát nhiều đường, các loại nước tăng lực, nước đóng chai… gây tăng tích tụ mỡ gan ở cả trẻ em và người lớn. Ngoài ra các thực phẩm qua chế biến nhiều như bột tinh luyện, đường và chất béo hydro hóa, chất bảo quản, phụ gia, màu sắc, thuốc trừ sâu vv trong thực phẩm chính là nguyên nhân lớn cho căn bệnh  này.

Suy giảm sức khỏe đường ruột: Nghiên cứu gần đây cho thấy sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, các vấn đề về chức năng bảo vệ đường ruột ( “ruột rò rỉ”) hoặc các vấn đề sức khỏe đường ruột đóng góp vào phát triển bệnh gan nhiễm mỡ.

3.Triệu chứng

Rất nhiều trường hợp là gan nhiễm mỡ không thể hiện các triệu chứng rõ rệt và người bệnh thường không biết mình bị bệnh. Việc khám bệnh và xét nghiệm máu định kỳ rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh ở giai đoạn ban đầu.

Ngoài ra, các triệu chứng liệt kê dưới đây có thể thể hiện ở người suy giảm chức năng gan.

Đầy hơi, trào ngược và ợ nóng
Táo bón
Chán ăn
Da hoặc mắt có màu vàng (một triệu chứng của bệnh vàng da)
Không có khả năng giảm cân
Huyết áp cao
Ủ rũ, lo lắng, hoặc trầm cảm
Nước tiểu sẫm màu
Thường xuyên mệt mỏi
Nhiều mồ hôi

4.  Các bước để làm sạch gan (Liver cleasing)

Gan nhiễm mỡ và gan bị nhiễm độc/quá tải đều có thể được loại bỏ nhờ quá trình thải độc và làm sạch gan.

4.1 Loại bỏ các thực phẩm độc hại

Càng ăn nhiều thực phẩm chế biến thì gan càng khổ. Các loại đồ ăn nhanh, chiên ngập dầu, đồ ăn vặt đóng gói sẵn với đường tinh luyện và dầu hydro hóa và cơ man phụ gia, chất bảo quản, nổi tiếng là độc hại cho toàn bộ cơ thể bạn.

Giảm ăn tinh bột, đặc biệt là tinh bột tinh chế: Không phải khi gan nhiễm mỡ thì cách giải quyết là giảm ăn mỡ và chất béo. Theo các nghiên cứu thì chỉ 16% lượng mỡ ở gan của những người bị bệnh đến từ chất béo trong khẩu phần ăn. Thay vào đó, mỡ gan chủ yếu đến từ các acid béo trong máu, và khoảng 26% mỡ gan hình thành từ quá trình DNL – quá trình tinh bột dư thừa chuyển hóa thành mỡ. DNL xảy ra mạnh mẽ hơn khi người ta nạp nhiều thực phẩm và đồ uống nhiều fructose hơn.

Trong một nghiên cứu, người trưởng thành bị thừa cân mà tiêu thụ chế độ ăn uống nhiều calo và tinh bột tinh chế trong ba tuần sẽ bị gia tăng 27% mỡ gan, mặc dù trọng lượng của họ chỉ tăng 2%.

Trong một nghiên cứu, mỡ gan và tình trạng kháng insulin giảm đáng kể khi người ta ăn theo chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn low-carb. Trong nghiên cứu này, 14 người đàn ông béo phì bị Gan nhiễm mỡ đã theo chế độ ăn ketogenic Địa Trung Hải. Sau 12 tuần, 13 người đã giảm mỡ gan, trong đó có ba người hoàn toàn hết bệnh.

4.2 Giảm cân

Là một trong những cách tốt nhất để loại bỏ gan nhiễm mỡ nếu người bệnh bị thừa cân và béo phì. Trong một nghiên cứu kéo dài ba tháng trên người lớn thừa cân, khi họ giảm 500 calorie lượng ăn mỗi ngày đã dẫn đến giảm trung bình 8% trọng lượng cơ thể và giảm đáng kể chỉ số mỡ gan.

4.3 Sử dụng các thực phẩm giúp giảm mỡ gan

Ngoài việc giảm tinh bột tinh chế, việc sử dụng các thực phẩm và đồ uống dưới đây cũng giúp ích:

Monounsaturated fats (Chất béo không bão hòa đơn): Nghiên cứu cho thấy ăn các thực phẩm giàu axit béo không bão hòa đơn như dầu ô liu, quả bơ và các loại hạt (nuts) có thể thúc đẩy giảm mỡ gan

Whey protein: Whey protein đã được chứng minh để giảm mỡ gan lên đến 20% ở phụ nữ béo phì. Ngoài ra, nó có thể giúp giảm men gan và các lợi ích khác ở những người bị bệnh gan nặng.

Trà Xanh:  Một nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa trong trà xanh (catechins) giúp giảm mỡ gan và viêm ở những người bị gan nhiễm mỡ.

Chất xơ hòa tan:  Một số nghiên cứu cho thấy tiêu thụ 10-14 gam chất xơ hòa tan hàng ngày có thể giúp giảm mỡ gan, giảm men gan.

4.4 Tập luyện và tập luyện

Các hoạt động thể chất là một trong các cách hữu hiệu nhất để giảm mỡ tích tụ ở gan.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục (các bài tập sức bền hoặc tập sức đề kháng và HIIT) vài lần một tuần có thể làm giảm đáng kể lượng chất béo lưu trữ trong các tế bào gan, cho dù có giảm cân hay không.

Trong một nghiên cứu trong 4 tuần, 18 người lớn béo phì bị gan nhiễm mỡ đã tập thể dục từ 30-60 phút trong năm ngày một tuần, đã giảm 10%mỡ gan, mặc dù trọng lượng cơ thể của họ vẫn ổn định. Ngoài ra một nghiên cứu khác trên 28 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, thực hiện HIIT trong 12 tuần đã giảm được hẳn 39% mỡ gan.

Tuy nhiên, thậm chí tập thể dục cường độ thấp hơn có thể có hiệu quả trong mục tiêu giảm mỡ gan. Vì vậy, để có thể tập luyện thường xuyên trong công cuộc giảm mỡ gan, bạn nên chọn loại hình tập phù hợp cho mình và mình thấy thích để gắn bó lâu dài.

4.5 Raw Juicing

Thực sự rất khó để chúng ta ăn/nhai tất cả các loại rau SỐNG cần thiết để làm sạch gan hiệu quả. Juicing cho phép ta nạp nhiều loại rau sống với ít năng lượng nhất dưới dạng uống được, từ đó dễ dàng có được 4-5 phần ăn tươi rau hữu cơ cần thiết. Hơn nữa, khi uống nước ép và biết cách kết hợp, chúng ta còn uống được những loại rau mà mình không thích ăn.

Với tình trạng chức năng gan bị suy yếu, nước ép rau còn làm thêm một nhiệm vụ bonus là khiến cho các loại rau củ dễ tiêu hóa hơn, sẵn sàng để cơ thể hấp thụ hơn.

Rau quả lý tưởng cho một làm sạch gan bao gồm rau bắp cải, súp lơ. 2 loại rau này vị khá mạnh và nên kết hợp với các rau củ tốt cho gan khác như củ dền, cà rốt, cần tây, cà chua, cải xoong và các loại rau xanh lá, táo, nho đen, dứa, củ cải đỏ, mận.

Sử dụng cả vị đắng và chua – Những thực phẩm làm tăng sản xuất các enzyme tiêu hóa và túi mật khỏe mạnh có vị cay đắng và chua bao gồm: rau diếp xoăn, mướp đắng, chanh, bưởi, củ cải đường, rau cải xanh, cải xoong, rau arugula (Đà lạt có trồng được), lá bồ công anh và ô liu.

Thêm các loại gia vị như cayenne, gừng, tỏi, mùi, nghệ…(lưu ý rau mùi nên tránh với phụ nữ mang thai và người viêm thận).

Tất cả các loại rau trên giúp làm giảm nồng độ axit trong cơ thể, tạo ra sự cân bằng pH thân thiện hơn cho cơ thể.

Lưu ý: những người sử dụng juice để chữa bệnh nên đặc biệt chú ý nguyên liệu rau củ quả cần là hữu cơ.

Các công thức tham khảo:

livercleansing1

Liver Cleansing 1:

1 quả táo to (khoảng 200gr)
1 miếng dứa (khoảng 50gr), hoặc nhiều  hơn tùy thích
1 củ dền cỡ vừa (khoảng 150gr)
4 củ cà rốt (khoảng 250g)
1 nhánh cần tây
1-2 cm gừng

Rửa sạch và cắt nguyên liệu cho vừa miệng máy ép. Ép xen kẽ các thành phần. Uống fresh. Nếu không uống ngay thì cho vào lọ kín hơi, tốt nhất là chai thủy tinh đổ đầy miệng chai, đóng chặt nắp, trữ trong ngăn lạnh trong vòng 24h.

livercleansing2
Liver Cleansing 2:

 3-4 lá rau cải xoăn (kale)

1 quả chanh vàng hoặc chanh xanh (chanh vàng cho vị thơm dịu)
1 quả dưa chuột
1 nắm rau xà lách
1 quả táo xanh
1-2cm gừng
1-2 nhánh rau mùi

Chúc các bạn luôn có một lá gan khỏe mạnh!

JUICE RECIPES/ Plant-based Milk

Sữa Xanh giàu tính Kiềm – Alkaline Green Mylk

Sữa mà lại có màu xanh lá cây! Có lạ không nhỉ?

Đây là công thức được chỉnh sửa một chút công thức gốc trong quyển sách “The pH Miracle: Balance Your Diet, Reclaim Your Health” của tác giả Robert O. Young, Ph.D., D.Sc., một chuyên gia dinh dưỡng và nhà vi sinh vật học, là diễn giả trên thế giới về y tế và chăm sóc sức khỏe. Quyển sách tập trung vào thông điệp chính: sự cân bằng pH trong cơ thể chính là chìa khóa cho sức khỏe tối ưu, cân nặng lý tưởng và minh mẫn tinh thần. Sự cân bằng đó có thể đạt được qua việc nuôi dưỡng cơ thể bằng những thực phẩm giàu tính kiềm (alkaline), để từ đó giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe như tiêu hóa kém, thừa cân, năng lượng kém, đau và bệnh tật. Quyển sách chứa nhiều công thức các món ăn nhiều tính kiềm, được lựa chọn từ các nguyên liệu như cà chua, chanh, bưởi, các loại rau xanh, quả bơ, các loại rau mầm và hạt.

Nếu các bạn đã thử làm sữa hạnh nhân tại nhà, đã thấy nó khá đơn giản và lại ngon ra sao. Nếu bạn có máy ép. Bạn hoàn toàn có thể thử công thức Sữa Xanh giàu tính kiềm này nhé.

Cần tây giàu sodium có lợi cho sức khỏe. Cần tây chứa hơn  90% là nước, hợp chất nitơ 1,95%, chất béo 0,07%, chất xơ 1,15% và các vitamin A, B, C, các khoáng chất như Mg, Mn, Fe, I, Cu, K, P, Ca và vitamin P. Tinh dầu có mùi thơm đặc trưng của cần tây là chất selinene và butyl phthalide.

Dưa chuột mang lại muối tính kiềm và cung cấp nước với lượng calories rất thấp. Dưa chuột cũng được nghiên cứu khoa học chỉ ra chúng có tính chống viêm và chống oxy hóa.

Rau bó xôi rất giàu diệp lục (chlorophyll) và có chứa protein thực vật và trong top đầu danh sách các loại rau có lợi cho sức khỏe nhất. Bó xôi giàu cả vitamins và khoáng chất, mang tính chống oxy hóa rất cao.

Hạnh nhân cũng có protein và bổ sung chất béo có lợi.

Nguyên liệu

(1) Sữa hạnh nhân – 600ml (Cách làm sữa hạnh nhân tại đây)

(2) Nước ép rau (green juice) – 400ml

2 quả dưa chuột
1 nhánh cần tây
2 nắm rau bó xôi
1 vài cọng lá bạc hà hoặc lá rau thơm (không bắt buộc)

Cách làm

Cho các nguyên liệu làm phần nước ép vào máy ép, có thể lọc qua rây lọc để đảm bảo không vướng cặn.

Đổ phần nước ép xanh (2) vào sữa hạnh nhân (1), khuấy đều, ta có 1l Sữa Hạnh Nhân Xanh.

Sữa này có thể để vào chai kín nắp trong ngăn mát tủ lạnh trong 2 ngày.

Đây là sự kết hợp khá lạ. Mình biết có thể bạn hơi ngại ngùng. Đừng lo. Sữa này vị the the mát và dễ uống. Nếu làm lần đầu bạn có thể . Sữa có mùi thơm nhẹ, màu xanh nhạt rất hay.

Chúc các bạn có thêm nhiều thực phẩm giàu tính kiềm cho cơ thể!

 

Smoothie

Sinh tố ‘siêu dừa’ – Double Coconut Pineapple Smoothie

Thực ra mình thấy sinh tố nào có dứa và dừa cũng đều hấp dẫn hết. Nó ngon như thể nó không phải thứ đồ lành mạnh nào đó ý. Dứa và dừa là kiểu kết hợp mang đậm tính nhiệt đới và thường chúng ta hay liên tưởng đến mùa hè. Thực ra với bromelain trong dứa tốt cho giảm viêm nhiễm, hỗ trợ các bệnh đường hô hấp như hen suyễn, thì dứa phù hợp cho không chỉ mùa hè mà nên là các mùa, đặc biệt khi trời chuyển lạnh.

Dừa thì…cái gì có dừa cũng ngon. Mình là fan của dừa (à mà fan của khá nhiều thứ khác, nhưng cứ giơ dừa trước mặt là biết sẽ thích rồi). Có ai nghĩ dừa là béo thì mời tra lại thông tin, các bạn Tây đã ca ngợi chất béo trong dừa rầm rộ hàng thập kỷ nay rồi. Dĩ nhiên chất béo thì vẫn cần để ý khi tiêu thụ nhưng nên nhớ nó là chất béo tốt cho sức khỏe (nó có lactic acid giống như trong sữa mẹ ấy, có ai bảo sữa mẹ không tốt chắc có cả tập đoàn quay ra phê phán bạn mất).

Mình đã thử nhiều sinh tố với dừa, chủ yếu với nền sữa dừa tự làm. Tuy nhiên công thức này mình chơi trội, muốn mùi dừa nó phải everywhere…kiểu ngập ngụa trong dừa ý. Nên mình dùng sữa dừa đóng lon (hay bán trong siêu thị ý), và cả dầu dừa ép lạnh, không quên dùng cả nước dừa trong quả dừa nhé. Làm ngọt và sánh bởi 1 quả chuối (thường mình hay dùng chuối đông lạnh), và thêm cả dứa nữa. Lần này mình dùng nước ép dứa chứ không phải dứa nguyên miếng. Tuy nhiên các bạn dùng cái nào cũng đc, đều ngon ý!

Sẵn sàng chết trong dừa chưa?

1 quả dừa xiêm: lấy cả nước, cả cùi (khoảng 1 cup nước dừa)
2 thìa canh (tbsp.) sữa dừa (cream of coconut, loại đóng lon)
1 thìa café (tsp) dầu dừa ép lạnh
1 cup dứa, tương đương 1 miếng dứa to (hoặc dùng ½ cup nước ép dứa, hoặc nước cam vắt)
1 quả chuối chín mềm
*Optional: thêm 1 tsp hạt chia hoặc hạt lanh (flax seed) để thêm dinh dưỡng nữa

Cách làm:

Tất cả cho vào máy xay: xay nhuyễn trong vòng 1 phút. Thêm đá khi xay tùy ý.

Bây giờ thì mang cái ghế ra ban công, hoặc ngồi phệt dưới đất cũng được, đón tí gió mùa và nghe tí music yêu thích!

Món này phù hợp bữa sáng, bữa xế, hay tráng miệng những bữa ăn nhẹ nhàng. Trẻ con đảm bảo cũng thích. Và túm lại uống lúc nào cũng thích.

Enjoy!

Double Coconut Pineapple Smoothie - Sinh tố 'siêu dừa'

Print Recipe
Serves: 400-450ml Cooking Time: 10min

Ingredients (6 items)

  • 1 quả dừa xiêm: lấy cả nước, cả cùi (khoảng 1 cup nước dừa)
  • 2 thìa canh (tbsp.) sữa dừa (cream of coconut, loại đóng lon)
  • 1 thìa café (tsp) dầu dừa ép lạnh
  • 1 cup dứa, tương đương 1 miếng dứa to (hoặc dùng ½ cup nước ép dứa, hoặc nước cam vắt)
  • 1 quả chuối chín mềm (đông lạnh thì càng thích)
  • *Optional: thêm 1 tsp hạt chia hoặc hạt lanh (flax seed) để thêm dinh dưỡng nữa

Instructions (1 Steps)

1

Tất cả cho vào máy xay: xay nhuyễn trong vòng 1 phút. Thêm đá khi xay tùy ý.

JUICE RECIPES

Nước ép gừng nghệ đánh bay cảm cúm – Ginger turmeric shot flu fighter

“A ginger shot a day keeps illness away”

(một shot nước cốt gừng mỗi ngày đẩy lùi bệnh tật)

Đã đến lúc các bạn trẻ Việt Nam nên thử một lần dừng uống các kiểu shot từ cồn và các quán bar nên đưa juice shots vào menu của mình.

Shots là đồ uống được làm chủ yếu từ các loại rượu mạnh và đựng trong những ly rượu nhỏ xíu, được uống trong 1 lần ực chứ không chia nhỏ nhâm nhi. Vì vậy shots rất mạnh và thường đem lại cảm giác say trong thời gian ngắn.

Đó là shots truyền thống. Tuy nhiên, juice shots (shots từ nước ép!) lại là đồ uống khá phổ biến trong các juice bars phương Tây. Bạn vẫn có những cảm giác ‘mạnh’ như uống shots rượu, lại như uống energy shots được làm từ những siêu phẩm của thiên nhiên vô cùng tốt cho sức khỏe! Selena Gomez là một trong những nhân vật (nổi tiếng?) công khai nghiện uống shot gừng vào buổi sáng. Bé đó có nói: “Cảm giác nó giết hết các thứ xấu xa trong bụng”. Mình không để ý mấy đến nhân vật này nhưng mình ủng hộ thói quen tốt đó.

Gừng thường được gọi là “vua của các loại thực phẩm chống viêm” bởi vì nó có chứa  các hợp chất và tinh dầu như gingerols, zingerone và shogaol (tạo nên mùi thơm và vị cay mạnh của gừng) có thể làm gián đoạn quá trình viêm nhiễm.

Gừng là một gia vị phổ biến và là một trong các loại thuốc vĩ đại nhất của thế giới. Trong y học Trung Hoa và Ấn Độ, gừng được sử dụng như vị thuốc từ hàng ngàn năm trước công nguyên. Với đặc tính giảm đau và chống viêm, gừng là thực dược phẩm với các lợi ích chính có thể kể đến như sau:

  • kích thích tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp bảo vệ chống lại bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa, giúp giảm bớt chứng đầy hơi.
  • vệ sỹ mạnh mẽ cho hệ thống miễn dịch.
  • giúp giải độc, cải thiện tuần hoàn,  kích thích gan để loại bỏ chất độc ra khỏi máu.và có các đại lý mầm chiến đấu giúp chống lại nhiễm trùng.
  • vì gừng chống viêm nên nó cũng giúp giảm đau cơ và đau nhức sau khi vận động mạnh.
  • thông mũi tự nhiên.

Ngoài dùng trong nấu ăn, có 3 cách khác để sử dụng gừng hiệu quả hàng ngày đó là:

  1. ÉP: dĩ nhiên rồi. Gừng hợp với mọi công thức juice (với những người đã quen uống gừng thì món nào cũng có thể thêm gừng)!
  2. Ginger shot: chính là công thức giới thiệu tại đây.
  3. Trà: Bào nhỏ gừng cho vào nước nóng để uống trà gừng tự nhiên, thêm một thìa mật ong và lát chanh mỏng. Cũng rất hữu hiệu những ngày cảm cúm.

Nghệ: Củ nghệ được coi là một siêu thực phẩm và cũng là vị thuốc, được sử dụng cho rất nhiều bệnh bao gồm: viêm khớp, đầy hơi, các vấn đề về túi mật, tiêu chảy, đau đầu, viêm phế quản, cảm lạnh, trầm cảm, phòng chống ung thư Alzheimer &, và rất nhiều công dụng khác. Thành phần chính củ nghệ là curcumin, một thành phần trị liệu được sử dụng trong các loại thuốc với khả năng tăng cường hệ miễn dịch và nhiều đặc tính chống oxy hóa. Curcumin mạnh hơn vitamin E 5-8 lần và mạnh mẽ hơn nhiều so với vitamin C.

cold shot

Photo credit: Paul Delmont

Các chiến binh cho sức khỏe

Sự kết hợp của nước cốt gừng, nước cốt nghệ và táo trong shot nước ép dưới đây tạo nên một đồ uống mạnh mẽ tăng cường khả năng miễn dịch để bảo vệ bạn trước các nguy cơ cảm cúm.

1/2 quả táo
1 củ gừng (dài 3-4 cm), hoặc nhiều hơn nếu chịu chơi
1 củ nghệ (dài 3-4 cm), hoặc nhiều hơn nếu chịu chơi

Táo gọt vỏ bỏ hạt. Gừng, nghệ rửa sạch, có thể nạo bớt vỏ.

Tất cả cho vào máy ép.

Cách uống 🙂

Rót ra cái chén con con, chén rượu ý ạ.

Hít hà mùi thơm nồng của shot nước ép diệu kỳ từ thiên nhiên này. Chuẩn bị tinh thần nhé…

Ực 100%. Thật nhanh.

Bạn sẽ thấy ‘ngây ngất’…. cay sực….cái gì tắc cũng thông tuốt ý! Cảm giác cũng shock như uống shot rượu nhưng đã hơn ý (à mà mình tỷ năm rồi không chạm môi vào rượu mạnh hihi). Pheeeeee……..lắm!

Trong những đợt chuyển mùa, bạn nên uống mỗi ngày 1 shot nhỏ này vào buổi sáng trước khi ăn sáng. Khi bị chớm cảm cúm, nên uống 1 ngày 3 lần. Nếu thích uống ấm có thể ngâm chén nước cốt này vào nước nóng để làm ấm nhẹ.

Note:

– Với những người không có máy ép, các bạn có thể làm như sau: thay nước táo bằng nước cam vắt (nửa quả cam), đổ vào chén có gừng, nghệ bào nhỏ. Uống hết trong 1 lần uống nhé (nhưng lưu ý có cặn của gừng, nghệ đó).
-Nếu không có gừng nghệ tươi, có thể dùng gừng nghệ dạng bột.
-Có thể vắt thêm chanh (vàng/xanh) và mật ong nếu muốn.

Chúc các bạn cũng sớm nghiện món này giống mình.

Bye bye cảm, bye bye cúm với ginger turmeric shot nhé!

Juicing Basics

TẠI SAO NÊN ĂN SỐNG? – WHY RAW FOOD

Raw food is alive – Thức ăn tươi SỐNG! 

Có bao giờ bạn nghĩ về chúng ta và những thực thể chúng ta ăn. Những gì chúng ta ăn có mang sự sống?

Thưc phẩm tươi sống (Raw food) chứa ‘biophotons’ – các đơn vị vật lý nhỏ nhất của ánh sáng (hạt ánh sáng), được lưu trữ và sử dụng bởi tất cả các sinh vật sống – bao gồm cả cơ thể con người.

Mọi tế bào của sinh vật sống, thực vật, thú vật và con người, đều phát ra biophotons hoặc phát quang ở cấp độ thấp (ánh sáng với bước sóng từ 200 đến 800 nm). Mức độ phát quang của các tế bào thể hiện tình trạng hoạt động của cơ thể sinh học đó. Các tế bào ung thư và các tế bào khỏe mạnh đều là một loại, nhưng chúng khác nhau ở mức độ phát biophotons. Một tế báo phát ra mức độ năng lượng càng cao thì càng có sức sống và khả năng truyền năng lượng tới đối tượng tiêu thụ nó. (1)

Thực phẩm mà càng lưu trữ nhiều ánh sáng thì càng bổ dưỡng. Rau củ tươi trồng tự nhiên và các loại hoa quả chín bởi ánh mặt trời là một ví dụ. Vì vậy, có thể nói khả năng lưu trữ biophotons là một thước đo về chất lượng thực phẩm cho bạn. (2)

Bản thân các DNA trong cơ thể con người cũng tạo ra hạt ánh sáng biophoton. Các DNA bên trong mỗi tế bào cơ thể rung động ở tần số vài tỷ hertz (rất tiếc là cùng giải tần số của các điện thoại di động chúng ta đang dùng). Những rung động của DNA tạo ra các biophoton. Tất cả các biophotons phát ra từ cơ thể của bạn giao tiếp với nhau trong một trường ánh sáng cấu trúc cao (highly structured light field) bao quanh cơ thể. Trường ánh sáng này cũng quy định hoạt động của các enzyme chuyển hóa.

Các biophotons chứa các thông tin sinh học quan trọng kiểm soát các quá trình phức tạp trong cơ thể bạn, và có quyền ra lệnh, điều tiết, qua đó tác động trực tiếp đến cơ thể bạn – đem lại dao động cao hơn cho các tế bào.

our light

Chúng ta không chỉ được tạo ra từ các nguyên tử và phân tử, mà còn phát ra và được tạo bởi ánh sáng (monosso.com/)

Có nghĩa là gì vậy?

Là hàng tỷ tế bào trong cơ thể các sinh vật sống đều phát ra ánh sáng. Ánh sáng đó liên tục nhận và phát thông tin. Con người cũng vậy. Tuy nhiên cơ thể chúng ta phát ra ánh sáng rất yếu (chứ không mạnh và có thể nhìn thấy được như con sứa hay con đom đóm) và chỉ có thể đo được với các công cụ khoa học.

Các nhà khoa học cũng cho ta thấy rằng, ở mức độ nhỏ nhất, chúng ta có thể ảnh hưởng đến nguồn ánh sáng đó, chính là trung tâm điều khiển cơ thể và trí não, và từ đó có thể ảnh hưởng tới chính con người mình, bằng cách chí ít là tăng cường nguồn sáng đó. Nguồn ánh sáng dồi dào phát ra từ một người chính là thứ tạo ra cảm giác tươi tỉnh và khỏe mạnh, thường thấy ở những người có nhiều bio-photons.

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy hầu hết những người tiêu thụ nhiều rau củ quả tươi sống đều có khuôn mặt tươi tắn, thường có làn da sáng và có vẻ ngoài rạng rỡ (điều không thể thấy trên khuôn  mặt một người đang bị bệnh tật bởi người đó có ít bio-photons).

Rau củ quả tươi chính là nguồn thức ăn tốt nhất

Ở dạng thô nguyên bản của mình, rau củ quả tươi chứa đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng quý báu cần thiết cho cơ thể người, dưới dạng hoàn hảo nhất và nhiều lợi ích nhất. Thực phẩm tươi mang hàm lượng nước cao nên dễ tiêu hóa, có khả năng làm sạch và nuôi dưỡng cơ thể, tâm trí chúng ta tốt nhất. Rau củ và hoa quả tươi còn mang những phẩm chất vô hình khác khó mà cân đo đong đếm: chính là Năng lượng Sống. (3)

Năng lượng để chúng ta sống được lấy từ chính thực phẩm chúng ta ăn. Tuy nhiên cơ thể cần sử dụng năng lượng để tiêu hóa chúng trước khi thấm nhận các chất dinh dưỡng. Khi ép nước từ rau và hoa quả, loại bỏ chất xơ không hòa tan, chúng ta mang lại cho cơ thể nguồn dinh dưỡng tuyệt vời dưới dạng đã được tiêu hóa một phần.

Vì vậy, nước ép rau củ quả tươi, sống, chính là Năng lượng sống dưới dạng chất lỏng.

Cách nhanh nhất để thử trải nghiệm sức mạnh ‘sống’ đó chính là uống nước ép tươi từ rau quả sống. Người hay uống juice đều hiểu và ‘nghiện’ trải nghiệm này – cảm giác khiến họ thấy mình ‘tươi’ từ bên trong.

water-and-the-body

LIFE WATER – Nước cho sự sống

Loại nước mà cơ thể chúng ta cần, mong muốn và phụ thuộc để hoạt động tốt nhất thực ra không đến từ vòi nước hay từ nước đóng chai, mà chính là loại nước có trong hoa quả và rau tươi. Nếu bạn uống bia, rượu hay các loại nước có ga, cơ thể bạn gần như không sử dụng được gì và chúng nhanh chóng được đẩy qua bàng quang. Nhưng loại nước từ rau củ quả tươi sống lại mang phẩm chất đặc biệt của thực thể sống và dễ dàng được hấp thụ vào cơ thể người.

Đã đến lúc chúng ta nên quan tâm đến cuộc sống của những thứ chúng ta ăn? Cuộc sống của các lọai rau, củ, quả đều phụ thuộc mạnh mẽ bởi ánh mặt trời, cũng như đề cập phía trên về các hạt ánh sáng bio-photons, và rất nhiều lần, raw juice được gọi là ‘liquid sunshine‘ (ánh dương dưới dạng chất lỏng).

Nấu chín làm giảm dinh dưỡng của rau củ quả

Đã có nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy vitamins và enzymes bị mất đi khi rau củ quả được nấu chín.

Việc nấu chín thực phẩm sẽ phá hủy nhiều Enzyme quan trọng. Enzyme chính là chất xúc tác để tăng tốc độ và tạo điều kiện cho các phản ứng trong cơ thể của bạn. Trong thực tế, một số phản ứng sinh hóa thậm chí sẽ không xảy ra nếu không có các enzyme (chúng ta có khoảng 1.300 enzyme). Nấu ăn, quá trình nấu chín thực phẩm, đặc biệt ở nhiệt độ cao, phá hủy các enzyme tự nhiên trong thực phẩm. Ngoài việc nhận enzyme từ thực phẩm tươi, sống, bạn cũng có thể giúp kích thích sản xuất các enzyme trong cơ thể của bạn chỉ đơn giản bằng cách nhai. Khi bạn nhai thức ăn của bạn, một tín hiệu được truyền từ não đến dạ dày để tăng sản xuất các enzyme. (Vì vậy juicing không thể thay thế hoàn toàn thực phẩm toàn phần). Khoảng 1/3 khả năng sản xuất enzyme của cơ thể sẽ bị mất đi ở độ tuổi 40.

Một nghiên cứu khoa học đã cho thấy, Vitamin C trong quả cà chua bị hao  hụt 10% ngay khi cà chua được nấu chín trong vòng 2 phút, và mất đi 29% nếu nấu trong nửa giờ ở nhiệt độ 88oC. Vitamin C là loại vitamin rất dễ bị oxy hóa khi gặp nhiệt độ và khi được nấu trong nước (vitamin C tan trong nước).

Theo một nghiên cứu khoa học khác của Tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm vào năm 2007, nhiệt độ cao sẽ phá hủy enzyme myrosinase trong súp lơ xanh. Ngoài ra, cà rốt khi nấu chín, mặc dù mức carotenoid tăng lên nhưng lại mất đi hoàn tòan polyphenols – các chất chỉ có trong cà rốt sống, có khả năng chống oxy hóa và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch và ung thư.

Tóm lại là gì?

Rau củ quả tươi sống chứa nhiều vitamin, khoáng chất và rất giàu năng lượng ánh sáng (bio-photons). Những chất này dễ mất đi trong quá trình nấu chín.

Rau củ quả tươi mang hàm lượng nước cao nên dễ tiêu hóa, có khả năng làm sạch và nuôi dưỡng cơ thể và tâm trí chúng ta tốt nhất.

Khi chúng ta ép nước từ rau và hoa quả, loại bỏ chất xơ không hòa tan, cơ thể được cung cấp nguồn dinh dưỡng đã được tiêu hóa một phần và chỉ cần rất ít năng lượng cho việc tiêu hóa.

Rau củ và hoa quả tươi còn mang những phẩm chất vô hình khác khó mà cân đo đong đếm: chính là năng lượng Sống. Nước ép rau củ quả tươi sống chính là Năng lượng Sống dưới dạng chất lỏng.

Với tình trạng thực phẩm tươi sống của thị trường Việt Nam còn nhiều rủi ro, khả năng mua và sử dụng rau củ quả  hữu cơ còn thấp, lựa chọn thực phẩm ra sao, phương pháp tiêu thụ (nấu chín hay ăn tươi) phụ thuộc vào điều kiện và niềm tin của mỗi người.

Với mình, điều mình tin tưởng và cố gắng thực hiện chính là: ăn phong phú thực phẩm (chủ yếu là thực vật), dưới nhiều dạng thức (cả chín, cả sống, cả ăn toàn phần, cả uống nước ép). Mình không gắn với một trường phái hay phương pháp ăn uống nào quá nghiêm ngặt. Và mình tin nếu bạn không bị vấn đề về bệnh tật cụ thể nào, hoặc không có lý do tôn giáo nào khác, bạn cũng không cần phải theo một trường phái nào hết.

emitting-light

Tỏa sáng (Nguồn ảnh: toolonginthisplace.wordpress.com)

Chúng ta đều phát quang, theo một mức độ nào đó, dưới con mắt khoa học, sinh học, hóa học hay vân vân học từ các nghiên cứu chỉ ra.

Bạn muốn mình ‘tươi sáng’, hay ‘u tối’?

Bạn muốn cung cấp cho cơ thể mình năng lượng ‘sống’ hay những năng lượng ‘rỗng’?

Tất cả là lựa chọn của bạn. 

Nếu bạn lựa chọn giống mình, chúng mình cùng ăn (và uống) thật nhiều rau, củ, quả (sạch) nhé!

Đồng ý không?

Huyen's Signature

 

Tham khảo:

(1) Marco Bischof, 2005, Biophotons- The Light in Our Cells, Journal of Optometric Phototherapy, available at: https://www.researchgate.net/publication/280714672_Biophotons-_The_Light_in_Our_Cells 

(2) http://articles.mercola.com/sites/articles/archive/2009/03/21/eat-your-food-uncooked-heres-the-really-raw-truth.aspx

(3) Leslie Kenton, 2009, Raw Juicing, Ulysses Press.

https://www.scientificamerican.com/article/raw-veggies-are-healthier/

http://www.drjoedispenza.com/blog/health/biophotons-the-light-in-our-cells/

http://www.transpersonal.de/mbischof/englisch/webbookeng.htm

JUICE RECIPES

Nước ép thải độc cùng quả kiwi – Kiwi Cleansing juice

Kiwi đã không còn là loại hoa quả xa lạ với người Việt mình. Trong những năm gần đây, việc sử dụng hoa quả phong phú của những vùng khác trên thế giới đã dễ dàng hơn tại nước mình, và khi nó trở nên phổ biến hơn thì giá thành của quả kiwi tính ra không phải là quá đắt so với những lợi ích nó mang lại.

Quả kiwi có hàm lượng Vitamin C rất cao (gấp đôi một trái cam) và chứa nhiều chất chống ô xi hóa (flavonoid và carotenoid), bảo vệ các DNA không bị hủy hoại và cũng giúp làm chậm quá trình lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch. Nước ép có kiwi sẽ mang hương vị nhiệt đới và chua nhẹ. Kiwi dễ kết hợp cùng táo, dứa, nho, chanh (các loại hoa quả nhiệt đới) và cả rau xanh. Khi ép chỉ cần gọt vỏ và bổ cau quả kiwi sao cho vừa miệng máy ép (nếu máy miệng rộng chắc cho được cả quả vào mà không cần cắt). Vì kiwi khi ép khá đặc và ít nước, cábc ạn nên ép xen kẽ cùng các loại củ quả nhiều nước hơn như táo, dưa chuột, chanh…

Rau bó xôi (bina), có tính kiềm cao, chứa gần gấp đôi lượng sắt so với các loại rau lá xanh khác và bổ máu do hỗ trợ các tế bào máu đỏ mang oxy. Giàu chất diệp lục (chlorophyll) và carotene, có thể làm giảm sự phát triển của các tế bào bất thường và thoái hóa điểm vàng, ngoài ra còn cung cấp chất lutein, vitamin A, B complex, C, K, axit folic, iốt, kali, canxi, magiê, phốt pho, natri, mangan, và nhiều axit amin khác.

Rau bó xôi là loại rau vị nhẹ, thích hợp cho những người mới tập uống green juice (nước ép rau xanh) và lại rất dễ kết hợp với các loại trái cây và rau quả.

Táo, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Là loại quả linh hoạt nhất trong juice bởi nó có khả năng cân bằng vị của rau xanh hay các loại củ vị mạnh. Táo có thể mix với hầu hết tất cả các loại rau củ quả. Có nhiều dòng táo trên thị trường và đều có thể ép được. Trong các công thức green juice thì dùng táo xanh (Granny Smith) cũng rất hợp và lượng đường thấp hơn các loại táo màu đỏ. Nhưng nói chung loại táo nào bạn có sẵn đều có thể mang ra ép được.

Chanh xanh (hoặc chanh vàng) chứa nhiều tính kiềm, tính thải độc cao và có vai trò như kháng sinh tự nhiên để cải thiện chức năng gan, táo bón và có thể giúp hòa tan sỏi thận và túi mật. Lượng vitamin C cao bổ trợ miễn dịch và làm giảm bớt các triệu chứng của viêm xương khớp.

Đây là công thức trong chương trình 3-Day Summer Juice Fast (Thải độc 3 ngày Mùa hè) của tác giả The Blender Girl & The Juice Goddess.

Công thức này ngon! Chua chua và rất refreshing. Thỉnh thoảng mình đi Aeon mà thấy kiwi sale chỉ tầm 55k/kg là hay khuôn về nhiều để juice. Mình chỉ hay dùng kiwi xanh để juice, ít dùng kiwi vàng. Khi juice nên chọn quả còn cứng cứng vì nếu chín mềm quá sẽ rất khó ép.

Nguyên liệu

  • 2 quả kiwi
  • 1 quả táo xanh Granny Smith (hoặc các loại táo đỏ khác nếu muốn vị ngọt hơn)
  • 1 nắm rau bó xôi (có thể thay bằng 3 lá rau cải xoăn – kale)
  • 1 quả chanh vàng (hoặc chanh xanh)

Kiwi gọt vỏ, táo gọt vỏ bỏ hạt. Rau bó xôi cắt rễ rửa sạch, cắt khúc ngắn, chanh bỏ vỏ bỏ hạt.
Tất cả cho vào máy ép, ép xen kẽ rau rồi đến táo và quả.
Uống tươi.

Kiwi Cleansing juice - Nước ép thải độc cùng quả kiwi

Print Recipe
Serves: 400-450ml Cooking Time: 10min

Ingredients (4 items)

  • 2 quả kiwi
  • 1 quả táo xanh Granny Smith (hoặc các loại táo đỏ khác nếu muốn vị ngọt hơn)
  • 1 nắm rau bó xôi (có thể thay bằng 3 lá rau cải xoăn - kale)
  • 1 quả chanh vàng (hoặc chanh xanh)

Instructions (3 Steps)

1

Kiwi gọt vỏ, táo gọt vỏ bỏ hạt. Rau bó xôi cắt rễ rửa sạch, cắt khúc ngắn, chanh bỏ vỏ bỏ hạt.

2

Tất cả cho vào máy ép, ép xen kẽ rau rồi đến táo và quả.

3

Uống fresh, có thể thêm đá nếu thích.

Healthy Food

Healthy Banana Bread – Bánh mỳ chuối không béo

Đã bao giờ bạn ăn cái bánh mỳ chuối nào thấy ấn tượng chưa?

Thực ra trong các loại bánh mỳ nhanh (quick bread – để chỉ loại bánh mỳ không dùng men nở, không cần ủ, nhồi bột mà chỉ dùng bột nở/muối nở, trộn trộn vài nhát nguyên liệu khô cùng nguyên liệu ướt rồi đem nướng thẳng), thì bánh mỳ chuối là classic.

Thông thường với thời tiết Hà Nội thì mùa làm bánh là mùa lạnh, chớm đầu tháng 8 trở ra (thực ra là rậm rịch từ mùa bánh trung thu kéo sang mùa lạnh, rồi Christmas…) bởi khi đó thời tiết rất thuận cho việc làm bánh, và thuận cả cái mũi, cái dạ dày nữa: lạnh thì ngửi mùi bánh đang nướng trong lò nó thơm vô cùng tận, hấp dẫn cực kỳ và luôn tạo một cảm xúc rất ‘rưng rưng’ riêng cho người làm bánh (amateur như mình). Tuy nhiên với các loại bánh để ăn sáng như cookie, muffin hay quick bread thì mùa nào làm cũng được, đặc biệt là các bà mẹ muốn đổi món cho mấy đứa nhỏ. Điển hình như nhà mình là cũng muốn thay đổi khẩu vị cho bé con và cũng thích món nào bạn ý cầm đi học được.

Cái thời đầu mới biết làm bánh thì mình thử làm đủ loại ý. Tủ lạnh lúc nào cũng có bơ, whipping cream, creamcheese, sữa, trứng và kệ bếp không bao giờ thiếu ơi hỡi các đồ chơi phụ trợ, các loại bột mỳ trắng, riêng đường cũng có đường trắng, đường nâu, đường xay đủ loại, nói chung là hơn cả bách hóa.

Nói chung là mình vẫn luôn thích bánh. Niềm vui thích không bao giờ lụi tàn. Mình chả sợ ăn bánh béo đâu. Tuy nhiên bây giờ mình khá dè chừng với đường tinh luyện, bơ và các loại sản phẩm từ sữa, nên đã dần tìm hiểu về các loại bánh ‘healthy’ hơn (mình hay gọi là bánh ‘khỏe’), ít calories rỗng hơn, ít chất béo động vật hơn, và làm ngọt từ tự nhiên hơn. Các loại bánh bây giờ mình làm cũng theo hướng đó. Có thể một số sản phẩm không giống các loại bánh ngọt truyền thống, nhưng các loại bánh ‘khỏe’ nó có vị rất riêng và cũng không kém phần hấp dẫn. Chắc cũng một phần vì khẩu vị của mình cũng khác xưa. Có thể vậy, nhưng mình thấy phản hồi của những người xung quanh mình cũng rất tốt (bao gồm cả người thích đồ béo như bạn chồng mình).

Hôm nay mình chia sẻ công thức Bánh mỳ chuối không béo này để các bạn làm thử nhé. Công thức này ngon – xốp (xốp kiểu đặc của bánh mỳ nhé, như bánh mỳ chuối bình thường ý), ẩm, và thơm mùi chuối, dễ làm (chỉ cần 1 cái âu trộn/bát to và vài dụng cụ đo lường cơ bản), khá linh hoạt (có thể thêm bớt như giải thích phía dưới), có thể làm vegan – phiên bản thuần chay không trứng. Khác với bánh mỳ chuối truyền thống được làm từ bột mỳ trắng (đã được tẩy trắng và mất đi nhiều dinh dưỡng), nhiều đường tinh luyện và nhiều bơ, công thức này 100% dùng bột mỳ nguyên cám (whole wheat flour), làm ngọt bằng chuốimật ong (hoặc maple syryp – siro từ cây phong nếu làm thuần chay), dùng dầu dừa (hoặc dầu oliu hay các loại dầu thực vật có lợi hơn cho sức khỏe, và có thể thêm các loại hạt, nho khô quả khô, chocolate tùy ý.

Chúng ta chỉ cần gần này nguyên liệu:

Banana-Bread-ingredients

Nguyên liệu

1 cup chuối nghiền (khoảng 2 quả chuối tây chín)
1/2 cup mật ong hoặc maple syrup
1/3 (hoặc 1/4 cup) dầu dừa hoặc dầu oliu hay các loại dầu thực vật lành tính khác
2 quả trứng gà
1/4 cup sữa (sữa thực vật) hoặc nước lọc/nước dừa tùy ý
1 3/4 cup bột mỳ nguyên cám (whole wheat flour), tương đương 210 gr
1 tsp baking soda
1 tsp vanilla (mình dùng vanilla tự ngâm)
1/2 tsp muối (mình dùng muối biển)
1/2 tsp bột quế
Các loại trộn thêm tùy ý: nho khô, hạt óc chó/hạt điều/hạnh nhân…, chocolate chip, các loại quả khô khác thái nhỏ…

Cách làm

  1. Làm nóng lò (165oC), chuẩn bị khuôn loaf (công thức này được 2 cái loaf như hình của mình, hoàn toàn có thể làm vào khuôn muffin và giảm thời gian nướng).
  2. Trong một tô to: đánh dầu dừa cùng mật ong cho đều, thêm trứng, đánh đều, trộn tiếp chuối nghiền và chuối. Toàn bộ khâu này chỉ cần 1-2 phút vì không cần đánh lâu, chỉ cần sao cho nguyên liệu trộn đều, không có phới lồng thì dùng 2 đôi đũa gộp vào đánh cũng được. Nếu dầu dừa vào mùa lạnh bị đông cứng thì chỉ cần hâm ấm lại (đặt cái bát trên lò nướng hoặc gần bếp nóng hay quay 10s trong lò vi sóng).
  3. Cho tiếp baking soda, vanilla, muối và bột quế vào bát, trộn đều.
  4. Chuyển sang dùng cái muôi to để trộn bột mỳ nguyên cám vào hỗn hợp chất lỏng trong bát. Chỉ trộn sao cho vừa đủ không trộn lâu, còn một vài cục cũng không sao (10-20s). Nhẹ tay trộn nốt các loại hạt hay quả khô muốn thêm vào. Tránh trộn lâu gây dai bánh.
  5. Đổ hỗn hợp bột vào khuôn đã chuẩn bị. Rắc thêm tí bột quế hoặc hạt trang trí bên trên.
  6. Nướng trong lò 165oC trong vòng 50-55 phút (nếu khuôn muffin thì giảm thời gian nướng, khuôn loaf to thì tăng thời gian), kiểm tra bằng cách châm một que gỗ nhỏ vào rút ra thấy không dính que là bánh chín. Sau đó chuyển ra cho bánh nguội khoảng 20 phút rồi mới cắt bánh, nếu cắt khi vừa ra lò bánh sẽ dễ bị nát. Bánh này mình thấy để qua đêm ăn còn ngon hơn khi mới nướng vì nó ẩm hơn nữa. Để ở nhiệt độ phòng mùa mát được 2-3 ngày, ngăn mát tủ lạnh được 4-5 ngày. Thậm chí có thể đông lạnh để được 2-3 tuần, khi nào cần ăn thì nướng lại/ toast lại.

Các lưu ý:

  • Phiên  bản vegan:

Thay trứng bằng bột chia hoặc bột flax (1 quả trứng thay bằng 1 thìa canh bột chia trộn cùng 3 thìa canh nước lọc, để 15 phút cho nở trương). Dùng sữa thực vật hoặc nước dừa thay vì sữa bò. Thay mật ong bằng maple syrup

  • Dầu: mình dùng dầu dừa ép lạnh của Thành Vinh.
  • Chuối: mình từng dùng thử chuối hấp/luộc (chuối tây chín đem hấp lên) có vị thơm ngọt hay lắm, nếu ai thích mùi chuối thì thử xem, bánh sẽ dậy mùi chuối hơn là chuối không hấp.
  • Bột mỳ nguyên cám: Mình dùng Bob’s Red Mill Whole Wheat Pastry Flour (có bán ở siêu thị An Nam trên Syrena Tây Hồ , một bịch hơn 2 kg có giá 102,000đ, cũng không đắt hơn nhiều so với bột mỳ trắng), ảnh như dưới đây

BRM whole wheat flour

Nếu bạn đã thử, hãy chia sẻ kết quả với mình nhé! Chúc các bạn có một công thức bánh tủ cho những lúc muốn làm bánh ít béo hơn, lành mạnh hơn.
Banana-Bread1

Healthy Banana Bread - Bánh mỳ chuối không béo

Print Recipe
Serves: 2 ổ Cooking Time: 1h10m

Ingredients (11 items)

  • 1 cup chuối nghiền (khoảng 2 quả chuối tây chín)
  • 1/2 cup mật ong hoặc maple syrup
  • 1/4 cup dầu dừa hoặc dầu oliu hay các loại dầu thực vật lành tính khác
  • 2 quả trứng gà
  • 1/4 cup sữa (sữa thực vật) hoặc nước lọc/nước dừa tùy ý
  • 1 3/4 cup bột mỳ nguyên cám (whole wheat flour), tương đương 210 gr
  • 1 tsp baking soda
  • 1 tsp vanilla (mình dùng vanilla tự ngâm)
  • 1/2 tsp muối (mình dùng muối biển)
  • 1/2 tsp bột quế
  • Các loại trộn thêm tùy ý: nho khô, hạt óc chó/hạt điều/hạnh nhân..., chocolate chip, các loại quả khô khác thái nhỏ...

Instructions (5 Steps)

1

Làm nóng lò (165oC), chuẩn bị khuôn loaf (công thức này được 2 cái loaf như hình của mình, hoàn toàn có thể làm vào khuôn muffin nhưng giảm thời gian nướng).

2

Trong một tô to: đánh dầu dừa cùng mật ong cho đều, thêm trứng, đánh đều, trộn tiếp chuối nghiền và chuối. Toàn bộ khâu này chỉ cần 1-2 phút vì không cần đánh lâu, chỉ cần sao cho nguyên liệu trộn đều, không có phới lồng thì dùng 2 đôi đũa gộp vào đánh cũng được. Nếu dầu dừa vào mùa lạnh bị đông cứng thì chỉ cần hâm ấm lại (đặt cái bát trên lò nướng hoặc gần bếp nóng hay quay 10s trong lò vi sóng). Cho tiếp baking soda, vanilla, muối và bột quế vào bát, trộn đều.

3

Chuyển sang dùng cái muôi to để trộn bột mỳ nguyên cám vào hỗn hợp chất lỏng trong bát. Chỉ trộn sao cho vừa đủ không trộn lâu, còn một vài cục cũng không sao (10-20s). Nhẹ tay trộn nốt các loại hạt hay quả khô muốn thêm vào. Tránh trộn lâu gây dai bánh.

4

Đổ hỗn hợp bột vào khuôn đã chuẩn bị. Rắc thêm tí bột quế hoặc hạt trang trí bên trên.

5

Nướng trong lò 165oC trong vòng 50-55 phút (nếu khuôn muffin thì giảm thời gian nướng, khuôn loaf to thì tăng thời gian), kiểm tra bằng cách châm một que gỗ nhỏ vào rút ra thấy không dính que là bánh chín. Sau đó chuyển ra cho bánh nguội khoảng 20 phút rồi mới cắt bánh, nếu cắt khi vừa ra lò bánh sẽ dễ bị nát. Bánh này mình thấy để qua đêm ăn còn ngon hơn khi mới nướng vì nó ẩm hơn nữa. Để ở nhiệt độ phòng mùa mát được 2-3 ngày, ngăn mát tủ lạnh được 4-5 ngày. Thậm chí có thể đông lạnh để được 2-3 tuần, khi nào cần ăn thì nướng lại/ toast lại.

Notes

-Phiên bản vegan: Thay trứng bằng bột chia hoặc bột flax (1 quả trứng thay bằng 1 thìa canh bột chia trộn cùng 3 thìa canh nước lọc, để 15 phút cho nở trương). Dùng sữa thực vật hoặc nước dừa thay vì sữa bò. Thay mật ong bằng maple syrup. -Dầu: mình dùng dầu dừa ép lạnh của Thành Vinh. -Bột mỳ nguyên cám: Mình dùng Bob's Red Mill Whole Wheat Pastry Flour. - (Công thức dựa theo trang web cookieandkate.com)