All Posts By:

huyentran

Common Questions/ Juicing Basics

Tại sao không ăn cho có chất xơ?

Câu hỏi khá phổ biến ở những người chưa hiểu rõ về juice và chưa từng được thấy lợi ích của juice đúng cách lên cơ thể mình cũng như người khác xung quanh mình: “Sao không ăn luôn cho có chất xơ?”.

Mặc dù mình hay trả lời inbox của nhiều bạn về vấn đề này rồi và cũng thấy quá trời bạn mê đắm và ‘nghiện’ juicing một khi đã hình thành thói quen làm juice tại nhà, hoặc chẳng may uống thử juice của mình.

Thế mình sẽ hỏi lại các bạn: “Có nên ăn rau củ quả không?
Dĩ nhiên ai cũng bảo có. Ai cũng hiểu và luôn luôn biết rau củ quả là một phần tất yếu cho một người muốn khỏe mạnh. Mình đã thấy quá trời các phương pháp, các luận điểm và trường phái trong ăn uống (nói về thực phẩm là chủ đề nhiều tư tưởng và nhiều mâu thuẫn hơn cả). Nhưng chưa một trường phái nào PHỦ NHẬN được lợi ích của ăn rau củ. Rõ ràng đến nỗi ai mà bảo ăn rau không tốt chắc chúng ta sẽ hỏi họ đến từ hành tinh nào?.

Thế rồi mình sẽ hỏi: “Các bạn có tự tin là mình ăn đủ rau củ quả hàng ngày rồi không?”. Có ai thấy THỪA rau củ quả rồi, không muốn ăn nữa không? Nếu bạn tự tin rằng có, thì mình xin chúc mừng! Bạn có khả năng cao cũng đến từ hành tinh nào đó. Đùa vậy thôi. Chắc số đó là rất ít.
Với cuộc sống hiện đại ngày nay, đặc biệt là số dân thành thị, lối sống nhanh, hối hả và bề bộn công việc, thì không phải ai cũng tự tin ăn phong phú rau củ quả mỗi ngày.  Chưa kể đến bọn trẻ thành phố, khi chúng được nếm vị của fast food và thức ăn chiên rán béo ngậy vui mồm hay các loại bánh kẹo ngọt thì rau củ là thứ cuối cùng chúng thích.

Muốn khỏe đẹp thì phải ăn nhiều rau củ, trái cây?

Nhiều bằng cách nào đây?

Vạn vật sinh ra từ tự nhiên phong phú đều có mục đích riêng. Đặc biệt thực vật là nguồn thức ăn lành tính, an toàn, và nhiều dinh dưỡng thiết yếu hàng đầu của con người. Có vô vàn cách chúng ta nạp chúng vào người:

Ăn: ngoài ăn chín (luộc, hấp, rán, xào, chiên, nướng)…chúng ta có ăn sống (ăn salad, gỏi…).

Ngoài ăn, chúng ta uống: chính là juice (toàn bộ là sống, tại sao nên ăn sống?) và smoothie (có thể một số loại làm chín, như bí đỏ, khoai lang).

Chín hay sống, ăn hay uống… kiểu gì chúng ta cũng phải nạp rau củ quả.

Nếu các bạn ngồi ăn 2,3 đĩa salad không có sốt, các bạn có dễ ăn được không? Ví dụ bảo các bạn ngồi ăn 1,2 quả dưa chuột, vài nhánh cần tây, nửa cân rau xanh, vài nhánh gừng, một quả táo…cho bữa sáng, hoặc bữa nào cũng được. Bạn có thích ngồi nhai gần đấy thứ không? Mình thì chọn uống 1 cốc juice! Một khi bắt đầu ngày mới bằng một cốc juice, mình có cảm giác tự tin hơn hẳn về lượng rau củ quả mình cần ăn ngày hôm đó.

Một trong những nhân vật được cho là cha đẻ của juice hiện đại, ông Jay Kordich, có nói về ý nghĩa của chất xơ: không phải chất xơ, mà là phần nước của chất xơ đó mới là thứ nuôi dưỡng các tế bào của bạn. Juice chính là phần nước các bạn tách ra được từ rau củ quả, để lại chất xơ không hòa tan, nhưng trong juice vẫn giữ các chất xơ hòa tan, kèm theo vô vàn các chất dinh dưỡng của thực vật dưới dạng chất lỏng dễ hấp thụ cho cơ thể.

Bản thân mình thấy juice là cách tuyệt nhất cho phép cả cơ thể được tiếp nhận các chất dinh dưỡng tinh tế nhất của thiên nhiên, chỉ bằng cách uống một cốc chất lỏng mỗi ngày. Mỗi sáng cảm nhận những ngụm vitamins khoáng chất chảy trong người và thấy mình nhiều năng lượng hơn, tươi tỉnh hơn và yên tâm hơn.

Dĩ nhiên mình không khuyên các bạn chỉ juice mà bỏ bữa. Ăn là chuyện của ăn. Uống là chuyện của uống. Ngoài nạp dinh dưỡng rau củ quả từ juice, mình đương nhiên không bỏ nạp rau củ quả qua đường ăn, ví dụ rau củ trong bữa ăn hàng ngày, salad hoặc ăn vặt bằng hoa quả khi đói. Về lâu về dài, không ai bỏ ăn, cũng không ai bỏ uống được. Vậy cứ dùng cả đi hen! Miễn là chọn nguyên liệu gì thôi.

Smoothie

Sinh tố bơ rau xanh không béo – Vegan Avocado smoothie

Nhắc đến sinh tố mà không nói đến sinh tố bơ thì quả là tội lỗi (với mình hihi). Nếu như từ bé mình chỉ biết sinh tố là sinh tố bơ, sinh tố xoài, với chủ đạo là hoa quả xay cùng sữa bò hoặc sữa đặc, béo, ngậy, thật là ngọt…thì bây giờ khái niệm sinh tố của mình nó rộng hơn nhiều lắm rồi. Bây giờ mình làm sinh tố mà không cho rau vào cứ thấy thiếu thiếu 🙂

Ngoài green juice, thì green smoothie cũng là các em yêu của mình!

Làm sinh tố nhanh lắm ấy. Nhanh hơn cả juice nhiều. Cơ bản cái khâu rửa máy xay nó vẫn nhanh chóng hơn rửa máy ép nữa. Vậy nên sinh tố cho bữa sáng là hợp lý lắm lắm và lại healhy lắm lắm luôn.

Quay lại sinh tố bơ. Trong các món sinh tố từ bé mình được biết thì sinh tố Bơ vẫn là món mình hay gọi nhất khi ra hàng. Thế nào nhỉ, nó ngậy, béo, mịn mượt, và cả ngọt ngào nữa. Bơ là cái quả đặc biệt mà chẳng quả nào tương tự được. Nhưng bây giờ thì mình đã tìm ra cách để làm sinh tố bơ mà không cần đường, không cần sữa đặc hay sữa bò nữa.

Đây là phiên bản rau của Sinh tố Bơ. Phiên bản healthy hơn. Và cũng ngon theo cách riêng của nó 🙂

Công thức Sinh tố Bơ rau xanh

300ml sữa hạt điều (hoặc sữa hạnh nhân)

1 quả bơ nhỏ

1 quả chuối 

1 nắm rau bó xôi, thái nhỏ (30-35gr)

1 thìa mật ong hoặc hơn nếu thích ngọt

1 xíu muối (mình dùng muối hồng)

Cho tất cả vào máy xay, xay nhuyễn (khoảng 1 phút). Thêm đá xay cùng nếu thích uống mát. Thêm bớt sữa tùy độ đặc loãng mình muốn.

Vậy là được một cốc sinh tố bơ Vegan, Sống, có rau xanh, Dairy free, mượt, mịn, ngậy.

Chúc các bạn ngon miệng!

JUICE RECIPES

Công thức nước ép rau bó xôi, lê, củ đậu – PEAR-FECTION

Nước ép rau xanh ngọt nhẹ, thơm, mát. Perfect!

Trong các loại quả để thêm vào cùng các công thức green juice của mình thì táo và dứa luôn là lựa chọn thường trực nhất. Tuy nhiên ngoài ra mình cũng rất thích LÊ. Tại sao mình ít dùng lê nhỉ? Juice của nó trắng hơn táo, trắng kiểu đục đục mà vẫn trong trong, ngọt và đem lại vị rất ‘êm’. Nhưng chắc là không phải lúc nào mình cũng mua được lê ưng ý. Loại lê mình hay dùng nhất là Lê Nam Phi. Gần đây thì có Lê Hàn quốc, lúc nào ko có Lê nam phi thì mình dùng, nhưng ko ưng Lê Hàn Quốc bằng, vì Lê Nam Phi có độ hơi hơi chát nhẹ chứ không ngọt sắc. Lê quả thuôn thuôn tròn kiểu này thấy đáng yêu là.  Quả LÊ là một trong những loại trái cây nhiều chất xơ nhất. Nước ép lê chứa nhiều pectin,  loại chất xơ hòa tan hoạt động giống như một chất gel trong ruột để giúp quét đi các chất thải và chất độc nếu có đang ẩn nấp trong hệ tiêu hóa.

Trong rất nhiều các công thức green juice mình hay lấy dưa chuột làm base, tuy nhiên với công thức này mình dùng củ đậu.

CỦ ĐẬU là loại củ quá đỗi quen thuộc với người Việt. Vừa rẻ, vừa mát, vừa nhiều nước, ăn lại giòn đẫm nước trong miệng, lại còn hơi ngọt nhẹ. So với dưa chuột mình thậm chí có phần ưu ái hơn hehe. Trong các loại củ thì đặc biệt Củ đậu chỉ ngon nhất khi ăn sống. Phải ăn sống! Củ đậu mà làm chín rồi thì mất hết thú vị.

Củ đậu có hàm lượng calo thấp nhưng chỉ số một số chất dinh dưỡng quan trọng thì không hề thấp. 100gr củ đậu chứa đến 44% vitamin C cần thiết cho một ngày, các chất chống oxy hoá mạnh mẽ giúp ngăn ngừa các gốc tự do để chống ung thư, viêm, ho, cảm lạnh và nhiễm trùng và còn chứa lượng các vitamin quan trọng khác cho cơ thể. Ngoài ra củ đậu còn có chỉ số đường thấp nên rất phù hợp cho những người tiểu đường hay quan tâm đến giảm cân.  Người ta hay nói củ đậu có lượng carbohydrate nhất định, mình chả quan tâm. Tinh bột hay đường hay bất kỳ chất gì đến từ rau củ tự nhiên nó sẽ có mục đích và lợi ích của nó. Việc của mình là enjoy nó cùng vô số đa dạng các loại rau củ quả khác.

Nói thật nhé, củ đậu khi làm juice thì được nhiều nước, vị nước lại hơi ngọt sẵn, rất dễ làm greenjuice mà không cần thêm hoa quả.

Chỉ có một lưu ý rất lớn: Nước ép có củ đậu kiểu gì cũng LẮNG CẶN TRẮNG rất nhiều. Các bạn có biết khi pha bột sắn mà không uống luôn thì nó lắng thế nào không? Củ đậu lắng gần như vậy đó. Vì vậy với juice có củ đậu nhớ là phải lắc thật mạnh thật kỹ trước khi uống cho nó hòa đều trở lại nhé!

Đấy là nói về các loại củ quả làm base cho công thức green juice lần này.

Còn về phần rau xanh, ở đây mình có Cần Tây và Rau bó xôi. Thật nhiều rau bó xôi nếu các bạn đã quen với vị rau. Cần tây thì ít một thôi không cái vị hăng của nó sẽ lấn át hết. Một chút chanh vàng thơm sực với vị chua nhẹ sẽ cân bằng mọi vị ngọt và ngái. Túm lại là PERFECT! Cực dễ chịu cho những bạn mới làm quen với juice nữa.

Công thức nước ép rau xanh với lê và củ đậu

1 nắm to rau bó xôi (tăng giảm tùy khẩu vị)
1 quả lê
1 củ đậu nhỏ
1/4 quả chanh vàng (có thể thay bằng chanh xanh nếu muốn)

Cách làm

Rau rửa sạch. Lê và củ đậu gọt vỏ xắt miếng. Chanh vàng có thể để cả vỏ. Nếu có hạt phải bỏ hạt trước khi ép nếu không sẽ bị đắng. Luân phiên cho rau và củ vào ép. Uống liền tươi.

Ngon cực kỳ!

Happy Juicing/ Juicing Basics

TẠI SAO NƯỚC ÉP BỊ TÁCH LỚP

Giời ơi, sao nước ép của mình lại tách nước thế này, nó hỏng hay sao à? Hay có vấn đề gì? Hay là chưa biết cách ép? Ớ sao làm máy ép chậm xịn thế mà vẫn bị? v..v…

Huyền nhận được nhiều lời ố á thế này phết rồi đấy. Trả lời lẻ tẻ mỏi tay hôm nay viết một bài cụ tỉ cho mọi  người cùng hiểu và trao đổi nhé.

TÁCH LỚP/ PHÂN TẦNG LÀ HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG!

Nhắc lại lần nữa (hơi ngược tẹo): Nước ép tự nhiên mà không tách lớp thì là KHÔNG BÌNH THƯỜNG! Nhé ạ! Chỉ có các loại đồ uống sản xuất công nghiệp, có can thiệp, có chất ổn định, có chất nhũ hóa, có chất bảo quản hay các loại phụ gia mình không biết tên v.v. mới chai nào cũng giống hệt chai nào, và kể cả không bảo quản lạnh cũng để được hàng năm, màu y nguyên rất đẹp đẽ không đổi nhé ạ.

Tức là NƯỚC ÉP (hay kể cả SỮA HẠT) mà làm tự nhiên, không can thiệp, thì kiểu gì để nó yên một lúc trong tủ lạnh (hay ở ngoài nếu bạn lơ đễnh chưa kịp cất ngăn mát), nó PHẢI TÁCH LỚP, chưa muốn nói đến KẾT TỦA (nếu ép với máy ép ly tâm).

Người ta nói dùng Máy ép chậm thì nước ép không bị tách lớp? SAI nhé. Có 2 kiểu tách lớp sau:

  1. Tách lớp kiểu PHÂN TẦNG: tức là nước ép có độ lắng cặn, chia thành 2 lớp màu, bên trên màu trong hơn, nhạt hơn, bên dưới màu đậm hơn, đặc hơn. Tùy từng nguyên liệu sẽ cho độ chênh lệch giữa 2 tầng này rõ rệt hay không, hoặc có vẻ đặc hơn/loãng hơn. Máy ép chậm xịn đến mấy thì cũng sẽ cho juice phân tầng nhé (như ảnh minh họa đầu bài ý).
  2. Tách lớp kiểu KẾT TỦA: tức là phía bên trên nước ép có lớp đông đặc, kết tủa nổi lên, đặc hơn, trong khi lớp bên dưới rất trong, nhìn như là nước không, với rất ít sắc độ màu. Máy ép ly tâm thường cho ra juice có thể bị kết tủa như vậy sau khi để yên một chỗ.

Minh họa cốc nước ép khi để yên sẽ bị kết tủa nhanh chóng (cốc bên phải)

PHẢI LÀM GÌ? Chả làm gì cả. Bạn chỉ cần LẮC KỸ chai juice hoặc nguấy đều cốc juice trước khi uống. Màu nó lại đẹp như ban đầu.

Vậy phần lắng bên dưới đáy chai juice đó là gì? Đó là các cặn xơ/ phần tinh túy đó. Đấy là nơi tích tụ hầu hết các chất dinh dưỡng quý báu của juice đó (các chất còn lại của rau củ mà không phải nước ý).

Như các bạn cũng biết thì hầu hết các loại RAU CỦ bản thân nó đều chứa nhiều nước? Ví dụ, các loại rau cải thường 85% là nước, hay cao hơn là cần tây, cà chua và dưa chuột, trên 90%. Trái cây cũng vậy thôi, trung bình các loại hoa quả như dứa, cam, táo, lê đều chứa từ 84-87% là nước.

Vì vậy. Cũng chẳng ngạc nhiên gì khi chúng ta ép rau củ và hoa quả, cái chúng ta thu được cũng là nước. Nhưng là NƯỚC GIÀU DINH DƯỠNG. Loại nước tốt nhất cho cơ thể người ý chứ?

Khi để yên một chỗ, phần nước nhẹ hơn sẽ nổi lên, các vitamins, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác, nặng hơn, sẽ lắng xuống đáy.

Nếu các bạn thích các loại đồ uống trông ĐẸP tuyệt vời, màu sắc đồng nhất mọi lúc, không mất công bảo quản, giữ lạnh suốt, cách rách bỏ xừ….thì uống các chai ngoài siêu thị, các chai đã có chất nhũ hóa và phụ gia.

JUICE PHÂN TẦNG = JUICE TỰ NHIÊN!

Các bạn tự ép tại nhà sẽ hiểu nhất, nhỉ?

JUICE RECIPES

Công thức nước ép giá đỗ thanh nhiệt mùa hè – Mung bean sprout juice

Giá đỗ là món ăn quá ư quen thuộc với người Việt. Nhưng không mấy ai làm nước ép từ nó. Quả là phí! Tất cả các loại rau mầm, hạt nảy mầm đều có thể ép được, và RẤT NÊN ÉP.

Chỉ cần sử dụng thêm rau mầm một lượng nhỏ mỗi ngày đã là cách thêm protein, các chất chống oxy hóa và dinh dưỡng quý báu cho cơ thể. Các loại rau mầm gọi là nhỏ nhưng mà có võ lớn. Dr. Brian Clement người sáng lập Hippocrates Health Institute là một trong số các nhân vật cổ vũ cho raw food và luôn khuyến khích mọi người ép các loại rau mầm bởi chúng cực kỳ giàu giá trị dinh dưỡng. Rất nhiều các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định ăn mầm giá và các loại rau mầm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Rau mầm nên được ăn sống hoặc chỉ nấu sơ qua rất nhanh để tránh mất các vitamins ABC quý giá cũng như enzymes sống. Ngoài mầm giá đỗ xanh, rất nhiều loại rau mầm từ đậu đỗ và hạt các đều có thể ép và thêm vào các công thức nước ép hay sinh tố hàng ngày của chúng ta. Chỉ cần các bạn lưu ý nhỏ là vị của các loại rau mầm sẽ rất khác nhau, có những loại rất cay và nồng, có những loại như giá đỗ vị rất thanh nhẹ. Ngoài ra rau mầm là loại rau dễ dàng trồng ủ được tại nhà trong thời gian nhanh chóng khoảng 5-7 ngày. Lúc nào ép thì lôi ra cắt tươi mới, rửa sạch rồi ép. Còn gì tươi hơn và tuyệt hơn!

Các loại rau nảy mầm từ nhiều loại đậu và hạt. Nguồn: seriouseats.com

Trong các loại rau mầm, mầm giá đỗ là loại đầu tiên các bạn nên thử khi ép. Vị và mùi đều nhẹ, dễ uống, dễ kết hợp và lại cho nhiều nước. 100gr giá đỗ ép bằng máy ép chậm cho ra gần 100ml nước, vì vậy tỉ lệ nước trên 95%. Mùa hè giá đỗ ép thêm cùng các loại rau củ khác rất hợp vì giá đỗ hơi có tính hàn, giải nhiệt và bổ sung vitamin tuyệt vời.

Giá đỗ có chứa nhiều vitamin và protein nhưng lượng calo rất thấp. Quá trình đánh thức nảy mầm từ hạt đậu thành giá là quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường đơn giản giúp cơ thể dễ tiêu hóa, hấp thu và cũng là bước đánh thức rất nhiều dinh dưỡng vượt trội của giá đỗ so với bản thân nó khi còn là hạt đậu (có những chất tăng đến vài chục lần sau khi nảy mầm).

Tác dụng của giá đỗ

Giá đỗ rất giàu Vitamin C, ngoài các tác dụng về tái tạo tế bào, đẹp da, tăng miễn dịch v.v. còn có thể giúp giảm stress, lo lắng và thậm chí trầm cảm ở phụ nữ. Nghiên cứu do Viện Joanna Briggs thuộc Đại học Adelaide Australia thực hiện cho thấy rằng vitamin C có hiệu quả trong việc làm giảm lo lắng ở phụ nữ. Ngoài ra khoa học cũng chứng minh Giá đỗ có tiềm năng giải tỏa căng thẳng nhờ chất bioflavonoid trong nó.

Vậy là ngoài đẹp da, chống lão hóa, giá đỗ còn giúp chị em (và cả các anh em) giảm stress nhé.

Giá đỗ cho mắt khỏe mạnh. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra folate trong giá đỗ bổ cho đôi mắt và góp phần giảm thiểu thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Xây dựng xương chắc khỏe Giá đỗ giúp xương chắc khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 50 phần trăm phụ nữ và 25 phần trăm đàn ông trên 50 tuổi có nguy cơ gẫy xương do loãng xương ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Mangan được tìm thấy trong giá đỗ có lợi trong việc xây dựng xương chắc khỏe. Mangan khi kết hợp với canxi, vitamin D, magiê, kẽm, đồng và boron có thể cải thiện được khối lượng xương ở phụ nữ – do đó giảm nguy cơ loãng xương.

Củ đậu là món quen thuộc của người Việt. Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời của Jicama chủ yếu bắt nguồn từ sự kết hợp độc đáo của vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng thực vật và các hợp chất hữu cơ khác, bao gồm chất xơ, vitamin C, vitam E, folate, vitamin B6, axit pantothenic, kali, magiê, mangan, đồng, sắt, và cả một lượng nhỏ chất đạm thực vật. Nước ép củ đậu giúp giảm cân an toàn, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa các loại ung thư khác nhau, cung cấp năng lượng, kiểm soát đái tháo đường, xây dựng xương chắc khỏe, tăng tuần hoàn, giảm huyết áp và tăng chức năng não.

Dứa là loại nguyên liệu quan trọng trong làm nước ép. Dứa vào mùa ngọt lịm và thơm nức mũi. Dứa tươi vừa ít calo, không chứa chất béo bão hòa và cholesterol, lại vô cùng dồi dào vitamin chống oxy hóa trong đó tỉ lệ vitamin C đặc biệt cao. Bromelain đặc biệt chỉ có ở dứa có tác dụng chống viêm, chống đông máu và chống ung thư.

ĐÂY LÀ CÔNG THỨC MUST HAVE CHO MÙA HÈ DÀNH CHO CÁC BẠN!

Nếu các bạn chưa ép rau mầm thì rất nên kết hợp chúng với juice hàng ngày nhé.

Các bạn hay thích ép rau mầm loại gì? Kết hợp với loại rau củ quả gì?

JUICE RECIPES/ Juicing for health

Nước ép dâu tằm chống lão hóa và giảm đường huyết – Antioxidant mulberry juice

Cứ vào khoảng cuối tháng 3 – đầu tháng 4 là thời điểm dâu tằm chín rực. Nhớ ngày bé, chắc hẳn nhà nào cũng có 1 bình dâu hay mơ ngâm. Mẹ hay mua về rửa sạch cho vào bình, cứ mỗi lớp lại phủ một lớp đường. Đến hè năm sau bỏ ra uống thơm lừng, mình hay ăn vụng toàn chấm mút có khi chưa đến vụ bình đã vơi đi phân nửa. Qua thời thiếu thốn, giờ cũng ít nhà ngâm mơ hay dâu hơn. Những cây dâu trong xóm trẻ con hay vặt ăn cũng tự biến mất từ bao giờ thay thế cho nhà ống và đường bê tông. Hà Nội – Có nhiều thứ chỉ còn là kí ức…

Ngoài làm mứt và ngâm dâu tằm như truyền thống, chẳng tội gì mình không làm nước ép dâu tằm (các bạn biết là thực vật gì ép được mình cũng sẽ muốn thử mà hehe). Nhưng mà nói thật là nó ngon! Vị chua thanh mát, ngọt vừa và đặc biệt thơm lừng. Cái mùi thơm đặc trưng của dâu tằm hay của các loại berry, rất nổi bật, thơm thơm chua chua. Thử một ngụm mà dư vị vẫn còn đọng lại cả tiếng trời.

Dâu tằm rất tiếc là chỉ có theo mùa. Chỉ vào vụ độ một tháng là có dâu chín mọng ăn sống được. Không biết có ai đông lạnh dâu tằm ở việt nam có bán không, tại sao không nhỉ, có dâu tằm đông lạnh thì mình sẽ làm sinh tố ăn sáng dần.

Dâu tằm tiếng Anh là Mulberry. Mà các bạn biết không. Có một hãng đồ uống đóng chai tên là Mulberry Love tự hào về nước ép ‘tươi’ dâu tằm, mix cùng nước dừa và nước nho ép, và được coi là dòng premier superfood, khoảng 4USD cho 1 chai 240ml. Chùi ui cái món này phải là của chúng ta chứ hihi, để chúng ta tự làm superfood drink, tự làm đồ uống ‘siêu khỏe’ uống chơi chứ ko cần mua chai đóng hộp nhe. Mua dâu tằm tươi và nho về ép chung, trộn cùng nước dừa tươi là mình có món đáng tiền hơn nhiều chai Mulberry Love ý chứ nhỉ. Thôi món đó cho các bạn ở bển uống đi. Chúng mình giờ nhào vào làm món juice này với Huyền.


Dâu tằm có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe

Cũng giống như các loại nho, dâu rất giàu chất chống oxy hóa và làm chậm lão hóa sớm. Dâu tằm chứa nhiều vitamin A và vitamin E (ko nhiều loại quả có đâu) cùng với các thành phần carotenoid như lutein, beta carotene, zea-xanthin, và alpha carotene. Tất cả các yếu tố này hoạt động như chất chống oxy hoá đặc biệt tác dụng đến da, mô, tóc, và các vùng khác của cơ thể nơi các gốc tự do tấn công.  Dâu tằm đặc biệt giúp da mịn màng, giữ toác bóng khỏe nữa. Ngoài ra chúng được biết đến giúp tăng cường tuần hoàn, tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa một số bệnh ung thư, giảm huyết áp và cải thiện sự trao đổi chất tổng thể.

Đặc biệt, lá dâu tằm có thể ép lấy nước và được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh tiểu đường bởi nhiều vùng trên thế giới và bằng chứng từ các nghiên cứu của con người cho thấy nó làm giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn. Lượng chiết xuất lá dâu tằm được sử dụng trong các thử nghiệm này là một gram trước bữa ăn. Nếu bạn đang cố gắng để kiểm soát bệnh đái tháo đường týp 2 với chế độ ăn kiêng và tập thể dục, và bạn nghĩ rằng bạn cần kiểm soát đường huyết nhiều hơn nữa, chiết xuất lá dâu có thể giúp ích. Bác sĩ Low Dog gợi ý rằng bạn nên dùng nó trước bữa ăn chính trong ngày (Dr. Weil 2008).

Túm lại nếu bạn muốn tốt tốt cho sức khỏe, uống vào da mịn, tóc đẹp và chống hiển hiện của tuổi tác, thì làm món này tranh thủ trong mùa mulberry nhé:

Nguyên liệu đơn giản cho món nước ép dâu tằm siêu chống lão hóa

5 lạng Dâu tằm (hoặc 2 vốc to)
3 lạng nho (đen hay xanh đều được) (hoặc 1 vốc to bằng nắm tay)
2 nhánh cần tây
2 miếng dứa (có dứa cũng được mà ko cũng được, dứa nâng mùi thơm của dâu dậy hơn)

Dâu tằm rửa sạch, dùng được cả lá. Vì dâu rất mong manh dễ dập nát nên nhẹ tay, rửa cùng dung dịch dấm pha loãng (1 phần dấm 10 phần nước). Nho cũng vậy. Cần tây rửa kĩ các bẹ lá (chọn loại cần tây bẹ to). Dứa bỏ vỏ cắt miếng.
Cho vào máy ép. Ép và thưởng thức fresh. Tươi, ngon, thơm mát vô cùng!

Lưu ý: dâu tằm cực kỳ phai màu. Nếu sợ tay và móng tay thâm giống nghịch mực viết Cửu Long ngày đi học thì các bạn đi găng nhé. Ép xong phải rửa máy luôn không thì ám màu vào máy đó! 

 

Happy Juicing/ Juicing Basics

Juice thực chất là gì?

Thực ra juice là gì? Nước ép hoa quả ư? Không phải chỉ vậy.

Từ nhỏ mình biết chủ yếu đến nước cam vắt, nước mía, nước chanh vắt. Lớn hơn một chút thì biết đi uống nước ép trái cây ngoài vỉa hè hay hàng quán, ví như nước ổi, bưởi, cóc v.v. Đến giờ thì khái niệm juice nó đã rộng hơn rất nhiều. Juice là nước ép kỳ diệu có thể được làm ra từ bất kỳ loại rau, củ, hoa quả hay rau gia vị nào. Bất kỳ loại thực vật gì ăn sống được thì cũng có thể ép  được. Vì đơn giản là thay vì nhai, ép thì ta lấy phần nước của nguyên liệu.

Túm lại, juice là phần chất lỏng lấy được từ hoa quả và rau củ tươi sống.

Để hiểu đúng, các bạn nên nắm rõ các yếu tố của juice thực sự như sau:

Trong juice, mọi nguyên liệu đều phải sống (vì vậy đừng ngạc nhiên hỏi mình bí đỏ,khoai lang, ớt chuông, súp lơ v.v. là ép sống hay chín nhé). Luôn luôn là sống! Tác dụng của ăn thực vật sống là gì thì các bạn có thể tìm hiểu thêm. Mình từng viết một bài về tại sao ăn raw rồi đó.

Thông thường juice rau củ thì nhiều khoáng chất. Juice hoa quả thì nhiều vitamins. Juice của cả hai loại trên thì đều giàu enzymes (đều dễ mất đi khi nấu chín).

Không nên nhầm lẫn giữa juice và smoothie. Cũng không nên so sánh và chọn lựa.

Tác dụng chính của juice

Không phải tranh cãi gì nhiều về chuyện con người sống cần phải ăn rau củ và hoa quả. Vấn đề là cách thức tiêu thụ chúng làm sao cho phù hợp với điều kiện và sở thích của mỗi người. Nếu bạn ăn thuần chay, thuần thực vật, tỉ lệ bạn ăn rau và hoa quả đã nhiều rồi thì chắc chắn nhu cầu nạp thêm rau qua đường uống là không quá cần thiết. Tuy nhiên hầu hết chúng ta với lối sống hiện đại đều ở trong tình trạng bận rộn, ngày 3 bữa cơm, tỉ lệ rau, củ, quả nạp vào đã đủ? Có ai tự tin tôi không cần ăn thêm rau? Vì vậy với những người bận rộn thì juice là một lựa chọn.

Tiện lợi nhanh chóng để nạp được nhiều vitamin khoáng chất thực vật nhất với số lượng lớn: ngồi ăn 2-3 đĩa salad – không sốt – thì khó, chứ đem ép chỗ đó và uống thì mất vài phút. Cứ so sánh bạn ngồi gặm 10 củ cà rốt và uống một cốc juice của 10 củ đó ý.

Hiệu quả : khi ép các thành tế bào của rau củ quả đã được phá vỡ, dưới dạng chất lỏng với vô số vitamins khoáng chất, chất chống oxy hóa … cơ thể chỉ việc thu nạp mà hệ tiêu hóa không mất nhiều năng lượng để làm việc. Nói chung là bưng sẵn một đống dinh dưỡng ở dạng dễ hấp thụ cho cơ thể chỉ việc ngấm bởi các chất dinh dưỡng từ juice đi thẳng vào mạch máu trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên đây cũng là lí do khi ép cần lưu ý tỉ lệ rau củ không ít hơn hoa quả ngọt.

Tác dụng chính của smoothie (sinh tố)

Trong khi ép là chỉ lấy phần chất lỏng, bỏ đi chất xơ không hòa tan (trong juice vẫn có chất xơ hòa tan), smoothie là xay toàn bộ nguyên liệu để thành dạng uống được. Túm lại smoothie là thức ăn xay nhuyễn. Một số loại hoa quả mềm thì chỉ nên xay mà khó ép được. Ngược lại rất nhiều loại rau củ chỉ ép được chứ khó xay. Khi xay phải thêm chất lỏng vào (như nước, sữa, nước dừa v.v.), trong khi ép thì ko thêm gì vào. Vì vậy thông thường khi xay không tốn nhiều nguyên liệu bằng khi ép. Nước ép đậm đặc về dinh dưỡng hơn. Smoothie thì no lâu hơn.

Cả sinh tố và nước ép đều là các phương pháp khác nhau để giúp ta tiêu thụ được rau, củ, quả nhiều hơn, ngon lành hơn, song song với chế độ ăn hàng ngày. Các bạn cứ ăn whole food, cứ ăn rau củ quả nguyên thể, chế biến sao tùy bạn, nạp vào người cách nào cũng tùy sở thích. Cuối cùng thì ai muốn khỏe cũng vẫn phải nạp rau củ quả mà thôi. Còn nếu ai bảo thà tôi ăn luôn cả quả cho rồi thì mời bạn cứ ăn. Cũng giống như rau luộc rồi sao người ta còn nghĩ ra các món xào, nướng, lẩu làm chi cho lắm chuyện. Ăn uống với người này là niềm vui, với người khác có khi lại là cho qua bữa. Với người ở vế thứ 2 chắc đã không đọc bài mình viết hen.

Vì vậy chúng ta không nên chọn cái này hay cái kia, mà tốt nhất là chọn cả 2! Và cách tốt nhất để có juice thật sự (và cả smoothie thật sự) là bạn hãy tự ép (tự xay) tại nhà và uống ngay khi vừa ép. Đó là lý tưởng nhé.

Recipes/ Smoothie

Cách làm sinh tố bơ với rau xanh thay bữa tối (Turbo Express)

Công thức Turbo Express thuộc chương trình Juice Cleanse 7 ngày của Juice Master Jason Vale.

Đây là công thức làm với cả máy ép và máy xay, đặc trưng chung trong các chương trình của Juice Master. Về kết cấu, món này có độ đặc và mịn của quả bơ, nhưng không đặc và nhiều xơ hẳn như các loại sinh tố rau truyền thống. Các công thức blend như thế này được làm từ nước ép và dùng nước ép đó xay cùng các loại quả khó để ép như bơ, chuối và các loại chất béo từ sữa chua hay các loại bột superfood, khắc phục phần dinh dưỡng juice đơn thuần không đem lại được, đặc trưng là protein và chất béo.

Công thức này giàu potassium, vitamin C và sắt, hỗ trợ làm sạch dạ dày và tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra nó rất tốt cho việc xây dựng hồng cầu, giảm huyết áp và giúp làm sạch thận. Quả bơ được xay cùng chính là loại quả đáp ứng 6 nhu cầu dinh dưỡng của con người – gồm có nước, chất béo, protein, đường thực vật, vitamins và các loại chất khoáng.

Công thức này hoàn toàn phù hợp để thay một bữa ăn nếu bạn không muốn một bữa ăn ‘nặng’ bụng cuối ngày.

Nguyên liệu:

  • 1/4 quả dứa
  • 1/2 nhánh Cần tây
  • 1/2 quả dưa chuột
  • 1 nắm rau bó xôi
  • 1/2 quả chanh xanh (bỏ vỏ và nên chọn loại chanh Đà lạt không hạt)
  • 2 quả táo (khoảng 200-250gr, nếu là loại to như Envy thì chỉ cần 1 quả)
  • 1/4 quả bơ chín mèm
  • Đá

Cách làm:

  1. Ép: ép dứa, cần tây, dưa chuột, bó xôi, chanh và táo.
  2. Xay: đổ phần nước ép trên vào máy xay sinh tố, xay cùng thịt quả bơ, có thể thêm đá lúc này. Xay nhuyễn trong vòng 30s-60s.
  3. Đổ ra cốc và thưởng thức!
Healthy Food/ Uncategorized

SỰ THẬT VỀ ‘CÁC LOẠI’ NƯỚC ÉP VÀ CÁCH PHÂN BIỆT

Đã bao giờ các bạn đọc thành phần của các chai/hộp nước ép bầy trong siêu thị hay các quầy cửa hàng, kể cả loại trên kệ nhiệt độ thường, hay loại trong quầy giữ lạnh? Các bạn có biết không phải loại nước ép nào cũng như  nhau? Khi người ta nói nước ép toàn là đường, bạn phải hỏi người ta đang nói đến loại nước ép nào.

Cuộc sống ngày nay có quá nhiều lựa chọn tiện lợi về thực phẩm và đồ uống. Với một đất nước nhiệt đới như Việt Nam, các loại nước ép được bán từ đầu ngõ, vỉa hè, đến khách sạn hạng sang, từ cửa hàng tạp hóa đến siêu thị. Để lựa chọn nước ép nào thật sự đáng để uống, các bạn cần hiểu những gì làm nên sản phẩm đó. Bí mật: có những thứ còn không nên gọi là nước ép, chỉ nên gọi là ‘sản phẩm’ mà thôi J
Nhìn chung các loại nước ép được bày bán sẽ thuộc một trong các loại sau:

1. Từ hỗn hợp cô đặc (Commercial bottled – FROM CONCENTRATE)

Mặc dù trên bao bì ghi “100% tự nhiên” hay 100% từ một loại hoa quả/rau quả ép gì đó, không có nghĩa là nó là nước ép thật, không phải real juice. Nếu một loại nước ép được làm từ cô đặc, có nghĩa là nó được cơ bản làm từ Syrup: hoa quả được nấu với nhiệt để bay hơi nước và cô đọng lại dưới dạng si rô. Lợi thế của việc cô đặc này giúp sản phẩm trữ được lâu hơn, bảo quản dễ hơn, tiết kiệm chi phí hơn vận chuyển và lưu trữ bởi si rô thì đỡ tốn diện tích và dung lượng hơn nước ép nguyên thể nhiều lần.

Từ hỗn hợp cô đặc dạng si rô đó người ta trộn thêm nước trở lại khi sản xuất, chưa kể trộn thêm cơ số các chất khác để ra sản phẩm cuối, như hương liệu, chất tạo ngọt, chất chống oxy hóa và chất ổn định.

Đương nhiên qua hàng loạt quá trình chế biến, thêm và bớt các chất hóa học, hỗn hợp nước thành phẩm mất hết hương vị tự nhiên của hoa quả, đương nhiên là các enzymes, vitamins, khoáng chất hay các chất chống oxy hóa của thực vật nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng sẽ ra đi.

Đấy cũng chính là lý do người ta phải cho ‘hương vị’ nhân tạo của loại hoa quả đó để sản phẩm có vị giống hoa quả tự nhiên.

Minh họa cho quy trình nước ép từ cô đặc

2. “100% từ hoa quả tươi”, không từ hỗn hợp cô đặc (Commercial bottled – NOT FROM CONCENTRATE)

Loại này cũng không có nghĩa là real juice. Kể cả khi bạn nhìn thấy các chai/hộp nước ép mà thành phần không liệt kê các chất ổn định hay hương liệu hay chất bảo quản, bạn cũng đừng nghĩ nó gần với nước ép từ hoa quả tươi thật sự. Vậy làm sao một chai nước ép như vậy để được trong nhiệt độ thường đến vài tháng? Ví dụ một hãng nước ép cam nổi tiếng, không từ cô đặc, quy trình của họ như sau: 

Sau khi cam được ép lấy nước, nước này được chứa trong các thùng chứa khổng lồ, sau đó được tiệt trùng nhanh (flash-pasteurized) và người ta dùng một quy trình ‘khử oxy’ – rút hết toàn bộ oxy ra khỏi thùng chứa, cho phép hỗn hợp chất lỏng bảo quản được đến cả năm trời mà không bị hỏng. Dĩ nhiên, tiệt trùng rồi loại bỏ oxy cũng đi kèm với loại bỏ toàn bộ hương vị tự nhiên của cam (và các vi chất dinh dưỡng nếu có?).

Sau đó để thành phẩm có vị nước cam, người ta sử dụng các gói hương liệu (flavor pack) mua từ các công ty chuyên về nước hoa và mùi vị – tương tự như nước hoa. Các hương liệu này được làm từ dầu và chiết xuất của cam nên không phải liệt kê trên danh mục thành phần. Ngoài ra các tập đoàn lớn sở hữu một quy trình bí mật được xây dựng dựa trên dữ liệu sở thích mùi vị của người tiêu dùng trên thế giới cùng dữ liệu hơn 600 biến thể mùi vị của cam. Chẳng trách hương vị của chúng hấp dẫn J và chai nào cũng có vị y như nhau.

Tóm lại, khi thấy chai nước ép bán ngoài siêu thị mà bạn thấy kể cả thành phần của nó không đề thêm các phụ gia, chất ổn định, chất chống oxy hóa v.v nó không được bảo quản lạnh và để được hàng tháng, bạn có thể hiểu nó đã được tiệt trùng và qua cơ số quy trình chế biến rồi.

3. Nước ép hoa quả trong các hàng, quán (SMALL BUSINESS – FRESHLY EXTRACTED)

Ngoài các loại nước ép đóng chai sản xuất công nghiệp, chúng ta có các lựa chọn nước ép ‘tươi’ được làm tại các cửa hàng quán ăn, các juice bar, khách sạn…khi khách yêu cầu. Ưu điểm của các loại nước ép này là ‘tươi’, thời gian hoa quả được ép tới khi chúng ta sử dụng ngắn. Tuy nhiên, không ai biết chắc chúng có ‘nguyên chất’ hay không, hay chúng có được thêm đường, syro hay đã được pha loãng hay không (vậy là mất yếu tố 100% từ hoa quả tươi vì đã thêm nước hoặc đá mất rồi).

Với các loại nước ép hàng quán này, có 2 cách chế biến chính:

  1. Sử dụng máy ép ly tâm (Centrifugal):
    Nếu đến các quán có phục vụ nước ép mà bạn nghe thấy tiếng kêu rè rè rất to khi người ta cho hoa quả vào máy ép đó là người ta sử dụng máy ép ly tâm. Đây là phương pháp ép phổ biến nhất trong các hàng quán. Tuy nhiên với phương pháp này, hoa quả được mài nhỏ bởi mâm xay tốc độ rất cao và tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ép ly tâm, trong quá trình hoạt động sản sinh ra nhiệt độ cao và khả năng làm mất các enzymes trong hoa quả, gây oxy hóa làm giảm lượng vitamins khoáng chất có thể lấy được từ nguyên liệu, và cho ra chất lượng nước ép không được tối ưu. Thời gian bảo quản của loại nước ép này tốt nhất tối đa 16h.
  2. Sử dụng máy ép chậm/ ép lạnh (Cold-pressed juice):

Đây là phương pháp mới những năm gần đây cho phép ép cả rau và hoa quả mà không sinh ra nhiệt, giữ lại được tối đa vitamins khoáng chất và enzymes có trong rau củ quả và cho chất lượng nước ép tốt nhất, màu đẹp nhất và ít tách nước hơn (dĩ nhiên vẫn có tách nước khi trữ lạnh nhưng đó là hiện tượng bình thường của nước ép tự nhiên không qua xử lý mà chỉ cần lắc lên là màu lại đẹp).

Cold-pressed juice cũng có 2 kiểu: 1 là loại làm thủ công và 2 là loại qua xử lý áp suất cao (High Pressure Processing).
Loại đầu chỉ cho phép nước ép bảo quản trữ lạnh được tối đa 48h.
Loại sau cho phép nước ép trữ lạnh giữ được trên 1 tháng.

Công nghệ xử lý nước ép bằng lực áp suất cao (High Pressure Processing – HPP)

Với ngành cold-pressed juice trên thế giới, một khi các công ty muốn mở rộng sản xuất đại trà số lượng lớn và phân phối được xa, thường sẽ sản xuất theo công nghệ này. Nhưng theo như mình biết thì ở VN chưa có thương hiệu juice nào sử dụng phương pháp này.

Vì vậy, cơ bản chúng ta có thể hiểu: càng sản xuất công nghiệp, nước ép càng để được lâu, càng là loại đã qua nhiều bước can thiệp. Vì vậy cũng đừng thoáng thấy có đề hữu cơ hàng nhập khẩu mà vội yên tâm. Hãy nhìn vào hạn sử dụng. Chỉ có các sản phẩm làm thủ công không phải làm công nghiệp mới ‘có thể’ trữ được ngắn ngày. Cũng giống như tất cả những loại nước bạn có thể làm được tại nhà từ nguyên liệu tươi, có bao giờ bạn bảo quản được chúng trên 1 tuần? Các loại trên trữ trên 1 tháng thì càng nên xem xét trước khi sử dụng.

Nên nhớ: VÒNG ĐỜI CỦA THỰC PHẨM CÀNG DÀI, TUỔI THỌ CỦA BẠN CÀNG NGẮN.

Tóm lại, để hưởng lợi tốt nhất từ nước ép, để giữ được tối đa các dinh dưỡng từ rau củ quả khi ép, cách tốt nhất chính là: HÃY TỰ ÉP RAU CỦ QUẢ TẠI NHÀ. Lý tưởng nhất là uống ngay sau khi ép. Bởi nước ép kể cả bảo quản tốt đến đâu cũng sẽ mất đi một phần giá trị dinh dưỡng dần theo thời gian.

Tuy nhiên ai cũng hiểu để có thời gian, công sức và sắp xếp máy móc, chuẩn bị nguyên liệu và ép rau củ quả tại nhà mỗi ngày là một nỗ lực, là một cố gắng, là một thói quen cần xây dựng nếu chúng ta muốn những gì tốt nhất. Nhưng nếu không có điều kiện lý tưởng đó thì chúng ta cần biết cân nhắc trước các lựa chọn dịch vụ bán sẵn. Mình hi vọng bài viết này giúp các bạn hiểu đúng hơn về các loại nước ép và tự rút ra các tiêu chí để có các lựa chọn phù hợp cho chính mình và gia đình.

Happy juicing everyone!

JUICE RECIPES

Công thức nước ép khoai lang cho da sáng, mắt xinh

Khoai lang là món thông dụng trong thực đơn người Việt, đặc biệt là khoai lang luộc hoặc nướng đơn sơ để ăn chơi. Chúng ta đôi lúc so sánh khoai lang với khoai tây nhưng thực ra chúng là anh em xa họ. Không hiểu sao khoai tây lại phổ biến hơn, mặc dù về thành phần dinh dưỡng thì có phần kém khoai lang.

Có nhiều loại khoai lang, với màu sắc từ trắng ngà, vàng cam đến tím, hình dáng có tròn ngắn, có dài dài.. Một củ khoai lang trung bình dạng sống có chứa 77% nước, 20% tinh bột, 1.6% protein, 3% chất xơ và không chứa chất béo.  Khoai lang là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất và là nguồn vitamin A tốt nhất, đặc biệt cho trẻ nhỏ. Thực tế nó là loại thực vật có hàm lượng vitamin A cao nhất được biết đến. Khoai lang càng màu đậm thì càng giàu carotene (một chất tiền vitamin A- tốt cho mắt và da). Loại khoai lang màu tím được các nhà nghiên cứu cho biết có tính chống oxy hóa cao hơn các màu khoai còn lại. Ngoài ra khoai lang có chứa nhiều vitamin C, B2, B6 và thậm chí vitamin E hiếm có ở các loại củ. Mặc dù một số dinh dưỡng ở khoai lang sẽ dễ dàng hấp thụ cho cơ thể hơn khi được làm chín như hấp, luộc, việc thưởng thức khoai lang với nhiều phương pháp khác nhau sẽ giúp cho thực đơn của chúng ta luôn hấp dẫn sống động.

Khi chọn khoai lang, chúng ta nên chọn loại màu vàng đậm hơn, củ không bị hà, chắc, không bị lỗ hay sâu. Bảo quản nơi thoáng khí được gần nửa tháng. Nên dùng khoai lang hữu cơ, khi đó bạn chỉ cần cọ rửa sạch và để cả vỏ khi ép hoặc nấu chín vì phần vỏ khoai có chứa nhiều dinh dưỡng.

Bật mí khi ép khoai lang:

Nước ép khoai lang có thể kết hợp với cả các loại nước ép củ hay hoa quả. Khi kết hợp với các loại fruit juice (nước ép từ hoa quả), khoai lang đem lại vị sánh mịn, độ đặc hơn cho juice, hơi bột bột cuối lưỡi, vị ngọt rất riêng của củ chứ không sắc như hoa quả, rất hấp dẫn.

Combo ngon:

Khoai lang và cà rốt ép rất hợp nhau. Dứa, cam và các loại củ quả màu vàng đều là lựa chọn tuyệt vời khi ép cùng khoai lang. Nên uống ngay khi ép xong. Nếu trữ lạnh phần nước ép sẽ có lắng cặn bột bột ở dưới đáy, hoàn toàn bình thường vì đây là phần tinh bột và xơ có trong nước ép, chỉ cần lắc đều trước khi uống.

Công thức Nước ép khoai lang cho da sáng mắt xinh:

Nếu bạn chưa bao giờ thử uống nước ép khoai lang, bạn nên thử! Công thức này dễ uống, ngon, ngọt và khá sánh, phù hợp cho cả những người hảo ngọt, và tuyệt vời khi làm một bữa phụ do có chứa cả tinh bột và lượng nhỏ protein.

1 củ khoai lang
2-3 củ cà rốt
1 quả táo (đỏ hoặc xanh đều được)
1-2 nhánh cần tây

Khoai lang, táo và cà rốt rửa sạch, để cả vỏ nếu là hữu cơ. Cần tây rửa sạch, cắt ngắn để tránh xơ tắc máy nếu dùng máy ép chậm. Tất cả nguyên liệu cắt nhỏ theo kích thước miệng máy, cho vào máy ép. Uống tươi. Công thức này có thể rắc thêm chút bột quế lên cốc juice trước khi thưởng thức cũng rất hợp.

Mặt nạ sáng da từ nước ép khoai lang:

Tranh thủ ép khoai lang uống các bạn nhớ lấy một ít nước ép khoai lang để dưỡng da luôn nhé. Sau khi rửa sạch mặt, thoa đều nước ép khoai lang lên mặt và cổ, coi như đắp mặt nạ vậy chừng 10-15p thì rửa mặt lại nhé. Nếu cầu kì hơn có thể làm lotion mask, dùng miếng mặt nạ giấy thấm đẫm phần nước ép rồi đắp lên mặt.  Vừa đắp mặt dưỡng ẩm cho da vừa thưởng thức cốc juice thì còn gì tuyệt hơn!

Enjoy your brighter skin!