All Posts By:

huyentran

JUICE RECIPES

Nước ép diếp cá, mướp đắng – siêu Mát và Bổ – cực kỳ dễ uống?

Nếu bạn giống mình, bạn sẽ bịt mũi khi nói đến diếp cá, và lè lưỡi lắc đầu khi ai đó mời ăn mướp đắng.

Nhưng cả diếp cá và mướp đắng là 2 loại thực phẩm có quá nhiều lợi ích mà mình cũng tiếc tiếc không muốn bỏ qua. Thế là cũng có ngày mình bị thuyết phục.

Đó chính là công thức nước ép này.

Giới thiệu qua về thành phần và công dụng

Rau diếp cá

Rau diếp cá hái trong chậu nhà mình. Diếp cá là loại rất dễ trồng và dễ lên, chẳng cần chăm bẵm gì.

Chẳng cần phải ăn, chỉ cần đứng cạnh thôi cũng có thể ngửi thấy mùi TANH đặc trưng của nó, mà nói thực mình rất sợ. Rau diếp cá mình xếp vào nhóm đồ ăn ‘1 là thích, 2 là ghét thậm tệ’ , không có nhờ nhờ làng nhàng. Từ bé đến lớn chưa bao giờ mình thích diếp cá. Bố nhờ rửa cho mớ rau diếp cá thì vừa bịt mũi nhăn mặt vừa rửa láo nháo cho xong. Xong phân vân không hiểu ai lại ăn được cái này.

‘Ai rồi cũng khác’

Đấy, thế mà giờ có đứa nó rủ rê nó ép cho một cốc diếp cá mix với vài loại khác, nịnh mãi mình mới uống. Thì mình cũng bớt định kiến dần. Nó không tệ như mình nghĩ.

Trong đông y thì Diếp cá có vị chua, cay, tính mát, chủ yếu tác dụng lớn là thanh nhiệt, giải độc, trị mụn, thông tiểu tiện, trị táo bón, trĩ, hạ sốt cho trẻ nhỏ, trị kinh nguyệt không đều…v..v.

Trong y học hiện đại thì rau diếp cá được biết đến với nhiều tính kháng khuẩn, chống viêm, giải độc, tăng chắc xương khớp do nhiều vitamin K.

Nước ép cốt diếp cá được dùng trong nhiều trường hợp chữa bệnh ở trên. Tuy nhiên việc uống nước cốt diếp cá thì khá khó uống. Vì vậy nếu kết hợp ép nước diếp cá cùng một số loại rau quả khác sẽ vừa khiến nó ngon hơn mà lại kết hợp được vitamin dinh dưỡng từ nhiều loại quả khác.

Mướp đắng

Cũng là loại quả có tính thanh nhiệt, mát, nhiều vitamin C, kháng viêm, lợi tiểu, chữa sốt, trị mụn.

Mướp đắng là bạn thân của người tiểu đường với công dụng hiệu quả trong hạ đường huyết, và cũng giúp tiêu diệt các tế bào ung thư.

Chỉ với 3 nguyên liệu đơn giản là đã có cốc nước ép siêu mát để thanh nhiệt. Đây mới là đồ uống thanh nhiệt thật sự từ trong ra, không có một tí ti chất giả dối 🙂

Combo nước ép siêu mát từ siêu thực phẩm trong vườn

1 quả mướp đắng

1 nắm to rau diếp cá

2-3 quả cam

1 miếng dứa

Cách làm

-Mướp đắng ngâm rửa sạch, chọn loại canh tác hữu cơ. Bổ dọc, bỏ phần hột vì hột mướp đắng khó ép mà lại có lượng nhỏ độc tố vicine.

-Diếp cá ngâm rửa sạch. Có thể cắt miếng nhỏ hơn để ép với máy ép chậm, tránh tắc xơ vào máy.

-Cam vắt lấy nước. Có thể thay bằng nước dừa cũng rất ngon nếu không sẵn cam.

-Dứa gọt vỏ cắt miếng thanh.

-Tất cả cho vào ép xen kẽ lấy nước.

Note:

Toàn bộ tỉ lệ trên có thể gia giảm theo khẩu vị của các bạn. Ví dụ thích diếp cá thì tăng lượng rau. Thích mướp đắng thì tăng mướp. Thích dễ uống và ngọt ngào hơn thì tăng lượng cam và dứa.

Nếu người tiểu đường thì có thể bỏ qua dứa và giảm lượng cam, tăng lượng mướp đắng.

Khi kết hợp nước ép diếp cá và mướp đắng với nước cam và dứa như thế này, mình có một công thức nước ép cực kỳ thanh mát.
Ngon.
Chỉ thấy tanh nhẹ của mùi rau diếp cá.
Chỉ hơi nhặng đắng.
Nói chung là rất dễ uống, mát, ngọt vừa (vị ngọt tự nhiên của cam và chút dứa).

Món này dành tặng cho các bạn hay nóng trong, tiểu đường và các vấn đề như trên nhé!

Lưu ý:

Những phụ nữ muốn có thai và đang mang thai, trẻ nhỏ, và những người bị bệnh gan/thận nên hạn chế liều lượng sử dụng mướp đắng.
Không sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên. Với mướp đắng chỉ nên mỗi ngày từ 10-20ml ép nguyên chất, tương đương 2 quả.

Ngoài ra có rất nhiều các công thức green juice khác đều bổ dưỡng có trên blog, các bạn nghiên cứu thêm nha. Ví dụ như các công thức nước ép và thực phẩm dành cho người tiểu đường ở đây – vừa cho hạ đường huyết, vừa giảm cân, thanh lọc tốt.

 

JUICE RECIPES

Nước ép bó xôi rau mùi – Cilantro Apple Green Juice

Tiếp tục với nước ép rau mùi.

Nếu các bạn đã yêu thích công thức Nước ép thải độc với rau mùi của mình, và fall in love với mùi thơm cũng như tác dụng của nó, thì chắc chắn bạn cũng không nên bỏ qua món này.

Đây là công thức nước ép rau xanh đơn giản nhưng rất mạnh mẽ. Chỉ 1 cốc nước ép rau mùi này mỗi ngày cũng sẽ nạp cho bạn một lượng canxi, sắt và vitamin K lớn. Nếu không có cải xoăn bạn hoàn toàn có thể thay bằng cải bó xôi hay các loại rau xanh khác tùy ý thích.

Nếu bạn chưa thử ép với rau mùi, bạn rất nên thử. Sau khi uống rau mùi mình thấy người tỏa hương hơn hay sao ý hehe, và cảm giác tươi mới nhiều năng lượng thì đương nhiên như với các loại green juice rồi, nhưng rau mùi nó đặc biệt sao đó. Cảm giác sau khi uống nó rất đặc biệt.

Chắc là nó đã có nhiều các hoạt động gì đó tương tác trong cơ thể mình sau đó. Chỉ biết là THÍCH.

Bạn phải thử mới biết được. Nhé!

Công thức nước ép rau mùi

1 quả dưa chuột

2 bẹ cần tây

1 nắm to rau bó xôi

1 – 2 quả táo

1 nắm rau mùi

Tất cả các nguyên liệu ngâm rửa sạch và cắt cho vừa miệng máy ép. Cần tây nên chọn loại cần tây giống Mỹ, bẹ to, có thể phạt bớt lá già vì nó rất mùi – cần tây ép nhiều phần lá nó có mùi rất giống mùi thuốc. Nếu dùng cần tây ta loại nhỏ nhỏ thì chỉ dùng 2 nhánh nhỏ. Cần tây cắt khúc ngắn tầm 2-3 cm (nếu là máy ép chậm để tránh tắc), nếu là máy ép ly tâm thì cứ cắm thẳng cả bẹ dài.

Các loại rau xanh nhớ cắt ngắn để tránh tắc với máy ép chậm.

Ép luân phiên xen kẽ các loại củ quả và rau xanh.

Uống fresh.

Thơm lắm!


JUICE RECIPES

Nước ép thải độc với Rau Mùi – Green Detox cilantro juice

Các bạn có biết juicing cho phép bạn sử dụng các loại rau gia vị/thảo mộc (herbs) một cách đa dạng và phục vụ các nhu cầu trị bệnh cụ thể?

Rất nhiều loại rau gia vị mang dược tính – mang đặc tính chữa trị. Càng những loại rau nhỏ bé thì sức mạnh càng tiềm ẩn cao, và vì thế lượng chúng ta nên sử dụng cũng chỉ tí tẹo là đủ.

RAU MÙI nổi tiếng với tác dụng THẢI ĐỘC KIM LOẠI – giúp thải độc cho thận và gan, giải phóng cơ thể khỏi các kim loại nặng như chì, thùy ngân… . Những người có chỉ số nhiễm kim loại trong máu cao nên sử dụng rau mùi tươi hàng ngày – và dĩ nhiên nếu khó để ăn sống một nắm mỗi ngày thì ép chúng sẽ là giải pháp tuyệt vời.

Ngoài ra rau mùi còn có vô số các tác dụng sau có thể bạn sẽ ngạc nhiên:

Hữu hiệu cho phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt: Nó có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Nước ép rau mùi chứa nhiều axit có lợi như axit linoleic, axit ascorbic, axit steric và axit palmitic giúp điều hòa các tuyến nội tiết. Uống một ly nước ép rau mùi mỗi ngày để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và giảm đau.

Kiểm soát lượng đường trong máu: do rau mùi có thể tác động các tuyến nội tiết, nó cũng giúp tăng tiết insulin –  rất hữu ích cho những người mắc bệnh tiểu đường và các rối loạn liên quan đến insulin khác. Ngoài nước ép mướp đắng đầu bảng trong hàng ngũ juice cho người tiểu đường, nước ép rau mùi cũng là chiến binh mạnh mẽ trong công cuộc kiểm soát căn bệnh này.

Tiêu chảy hay các vấn đề về tiêu hóa: với các đặc tính thải độc, nước rau mùi giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và ngăn ngừa các nhiễm trùng như salmonella, kiết lỵ, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Nó cũng kích thích đường tiêu hóa sản xuất các enzym tiêu hóa nên rất có lợi cho hệ tiêu hóa, ngăn chặn đầy hơi, các khó chịu dạ dày. Và nó cũng hỗ trợ giảm cân rất tốt.

– Ngoài ra, rau mùi còn có đặc tính kháng viêm, chống viêm khớp/giảm sưng khớp, giàu chất chống oxy hóa – nó vừa ngăn cản quá trình oxy hóa trong cơ thể vừa làm tăng các enzym chống oxy hóa.

Ngăn ngừa ung thư: Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chiết xuất từ ​​rễ của cây rau mùi ức chế tổn thương DNA, ngăn ngừa sự di trú tế bào ung thư, và thúc đẩy tiêu diệt tế bào ung thư

Khi ép, mình dùng cả lá và rễ mùi. Chỉ cần rửa sạch vẩy ráo, cắt ngắn và cho vào máy ép cùng các nguyên liệu khác. Rễ của nó thơm và cũng là bài thuốc trong đông y.

NGUYÊN LIỆU

1 nắm to rau mùi
1-2 quả táo xanh
2 quả dưa chuột
1/4 quả chanh
(thường mình cũng hay cho thêm 1 mẩu gừng nhỏ)

ÉP:

-Với công thức này mình dùng táo xanh vì nó có vị chua thanh. Rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng và ép.

-Dưa chuột mình dùng là dưa chuột hữu cơ nên chỉ cần rửa sạch, cắt dạng thanh dài, và ép.

-Rau mùi rửa sạch dùng cả lá cả rễ. Cắt ngắn, và ép.

-Khi ép nhớ ép xen kẽ cả rau và quả, để tránh việc xơ lá rau làm tắc máy.

Công thức này ngọt và chua dịu, rất thơm nổi trội mùi rau mùi. Uống xong cảm thấy rất sảng khoái vài tiếng sau đó.

 

***Vì rau mùi nhiều dược tính, cũng có một số trường hợp cần thận trọng khi sử dụng rau mùi như sau:

– Rau mùi không nên sử dụng với người mang thai và cho con bú

– Thận trọng với người tiểu đường vì rau mùi có khả năng hạ đường huyết. Người tiểu đường cần theo dõi lượng đường huyết khi sử dụng rau mùi.

– Vì rau mùi cũng có khả năng hạ huyết áp, người huyết áp thấp cần lưu ý theo dõi và dùng lượng nhỏ. Hoặc với người đang dùng các thuốc có tác động hạ huyết áp.

 

JUICE RECIPES

NƯỚC ÉP GIẢI KHÁT CHÍNH HIỆU – SUMMER COOLER

Nếu bạn hỏi những người hay uống nước ép, đặc biệt là green juice, thì hầu hết họ đều ít khi bị các vấn đề về ‘nóng trong’ hay ‘nhiệt’ đâu. Nước ép thực tếlà món ‘giải khát’ đáng uống nhất cho mùa hè.

Khi hè đến cái chúng ta cần là cơ thể được bù nước tốt để thải độc tốt. Nước lọc chưa đủ. Mà cái ta cần là nước có nhiều khoáng chất và sodium tự nhiên.

Mình sẽ có bài viết cho những người hay nóng trong riêng.

Còn đây là một công thức green juice đơn giản với 3 nguyên liệu chính. Với bạc hà thì mình hay dùng húng bạc hà cho tiện. Thơm và rẻ tiền. Fancy hơn thì dùng các giống bạc hà của Âu (thường đc phân phối ở các cửa hàng có rau đà lạt).

2 quả táo
1 quả dưa chuột
¼ quả chanh
1 nắm rau bạc hà

Tất cả nguyên liệu rửa sạch cắt miếng vừa máy ép. Ép với máy ép. Uống tươi! Chanh nếu có hạt thì nên vắt lấy nước cốt.

Dưa chuột có hàm lượng nước cao và khả năng cân bằng khoáng cho cơ thể – đến mức độ tế bào (mát từng thớ tế bào đấy ^^).
3 chất chính trong dưa chuột là cucurbitacin, lignans và flavonoid – cung cấp cho cơ thể những lợi ích chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư.

Nước ép dưa chuột rất giàu vitamin K và cũng chứa nhiều vitamin C, đồng, magiê, kali, vitamin B, vitamin A, chất xơ, chất điện giải và các hợp chất polyphenolic khác. Không giống như nhiều loại nước ép trái cây khác, không mấy khi bạn có thể mua được nước ép dưa chuột từ cửa hàng – vì nó không đặc biệt phổ biến và vị cũng không nổi bật. Tuy nhiên nó là base tuyệt vời cho các công thức green juice – nhiệm vụ quan trọng để làm loãng bớt nước ép rau nguyên chất khá khó uống.

Táo nhiều chất chống oxy hóa và flavonoid. Theo nghiên cứu khoa học thì táo và nước táo đặc biệt chứa lượng cao chất flavonoid được gọi là quercetin. Các flavonoid như quercetin là các hợp chất được tìm thấy trong một số loại trái cây có hoạt tính chống oxy hóa cao, có thể giảm thiểu tổn hại oxy hóa cho các tế bào có thể gây bệnh. Táo cũng là nguồn vitamin A và C, canxi và kali tự nhiên.

Công thức này đơn giản với 3 nguyên liệu chính, chút chanh để thêm phần thơm ngon, tăng tính kiềm và kháng viêm.
Vừa ngọt ngọt, vừa chua chua, vừa thơm dậy bạc hà.

ĐÂY MỚI CHÍNH LÀ THỨC UỐNG GIẢI KHÁT CƠ THỂ BẠN CẦN TRONG NHỮNG NGÀY HÈ!

Juicer Reviews

So sánh các loại máy ép chậm phổ biến trên thị trường

REVIEW CÁC DÒNG MÁY ÉP CHẬM PHỔ BIẾN TRÊN THỊ TRƯỜNG

Là 1 video PHẢI XEM dành cho các Juicers và người mới tìm hiểu về Juicing trước khi quyết định mua máy ép!

Đây là phần review khách quan và chi tiết nhất về 5 dòng máy ép chậm phổ biến nhất trên thị trường máy ép hiện nay. Toàn bộ bài Test so sánh các máy dựa trên kết quả định lượng đo được, nhìn thấy được và có số liệu để các bạn có cái nhìn khách quan và cận cảnh về máy ép chậm ở 3 tầm giá: thấp, trung và cao cấp.

Có rất nhiều dòng máy và nhãn hiệu trên thị trường. Có rất nhiều người băn khoăn với vô vàn câu hỏi khi cần lựa chọn, bởi vì xem đi xem lại một hồi thấy chúng nó … hao hao na ná về hình thức, công năng nhưng chỉ có thể biết được khi đã rước về và trải nghiệm. Và tất nhiên để lại hậu quả cơn co thắt màng ví và sự lăn tăn nếu chẳng may chọn nhầm máy ép chưa phù hợp.

Người bán hàng nào cũng sẽ khen sản phẩm của mình. Còn người tiêu dùng cần 1 cái nhìn khách quan. Với kinh nghiệm sử dụng cơ số máy ép nhiều năm nay, Huyền sẽ giúp các bạn phần nào nhé.

CÁC LOẠI MÁY ÉP

Có 3 loại hình máy ép cho gia dụng hiện có trên thị trường:

1. Máy ép ly tâm (ép nhanh): là dòng máy ép phổ thông truyền thống có từ mấy chục năm nay. Là loại ép dùng cơ chế mâm xay chạy với tốc độ rất cao (vài nghìn vòng/phút) để mài nhỏ nguyên liệu và tách nước ra khỏi phần bã nhờ lực ép ly tâm. Đặc trưng là tiếng ồn kêu rèo rèo đứng cách chục mét vẫn nghe thấy. Do sinh nhiệt nên nước ép bị oxy hóa cao, juice không để được quá 24h giữ lạnh, thường thì 4h đã thấy oxy hóa rõ rệt, juice tách lớp kết tủa bên trên nhanh chóng.

2. Máy ép chậm: phổ biến nhất là dòng trục đứng. Công nghệ ép chậm là công nghệ hiện đại ra đời những năm gần đây với nguyên lý hoạt động là trục vít dạng xoắn ốc sẽ nghiền nhỏ nguyên liệu ở tốc độ rất chậm (vài chục vòng/phút), và phần nước được chảy ra qua màng lọc, bã đẩy ra ngoài qua lỗ nhỏ phía dưới trục ép. Không tạo ma sát, không sinh nhiều nhiệt. Tiếng êm. Juice từ máy ép chậm để được tối đa 48h giữ lạnh.

3. Máy ép trục kép (twin gear): hiện chưa phổ biến ở việt nam nhưng có nhiều trên thế giới, thường dành riêng cho dân juicer chuyên nghiệp chuyên về rau xanh vì đây là dòng cho lượng nước ép, đặc biệt là rau xanh, tốt nhất và giữ được dinh dưỡng cao nhất (để được tối đa 72h giữ lạnh). Sẽ có 1 video riêng cho dòng twin gear mình up sau nha.

Bài test review tại đây chỉ so sánh 5 dòng MÁY ÉP CHẬM phổ biến ở 3 mức giá khác nhau (chứ ko so sánh ép chậm vs. ép nhanh).

CƠ CẤU BÀI TEST

Có 3 yếu tố quan trọng hàng đầu khi xem xét mua máy ép:
– Lượng juice thu được
– Chất lượng juice
– Độ dễ dàng khi sử dụng

3 yếu tố này lần lượt được kiểm tra và so sánh giữa 5 dòng máy ép chậm trong bài review:
– Hurom – đại diện dòng máy tầm giá cao
– Silver Crest, Klarstein, Panasonic – đại diện dòng máy tầm trung
– Ranbem – đại diện dòng máy tầm giá thấp

Kết quả: Mời các bạn xem video sẽ rõ ^^

Sau khi đã quyết định lựa chọn máy ép phù hợp cho mình. Các bạn rất nên tham khảo cẩm nang sử dụng máy ép chậm Hurom (Có thể áp dụng với hầu hết các loại máy ép chậm phổ biến) để sử dụng máy tốt hơn nhé.

CẨM NANG SỬ DỤNG MÁY ÉP CHẬM HUROM

Healthy Food/ Smoothie

Smoothie bowl dâu chuối cho bữa sáng đủ chất – Banana & berry smoothie bowl

SMOOTHIE BOWL

Là cách nhanh chóng để có bữa sáng healthy nhẹ nhàng đầy đủ chất, lại có thể ngẫu hứng thêm bớt quẳng nhiều thứ khác nhau vào. Nói chung là đơn giản. Đẹp mắt. Ngon!

Có một yếu tố quan trọng khi làm smoothie bowl – đó là tỉ lệ chất lỏng.

Khác với sinh tố thông thường uống ở cốc. Sinh tố để xúc ăn trong bát cần có độ đặc sánh hơn để có thể rắc các nguyên liệu toppings mà không lo chúng bị chìm nghỉm.

Nguyên tắc đơn giản cho 1 bát smoothie là: 1 bát con các loại hoa quả : 1/2 chất lỏng = base đặc sánh vừa đủ

Và dĩ nhiên tùy độ đặc loãng yêu thích mà các bạn điều chỉnh.

Nguyên liệu

Đây là công thức smoothie bowl nhiều chất chống oxy hóa và ung thư và chỉ có 3 nguyên liệu:

Dâu tằm (mulberry)

Dâu tây (strawberry)

Chuối

Công thức này Vegan, Ngọt tự nhiên, Giàu vitamin và các vi chất từ các hoa quả top đầu antioxidants, Đủ no (vì có nhiều toppings đủ chất).

Cách làm

Mình hay đông lạnh sẵn hoa quả để làm sinh tố. Vì vậy dâu tằm và dâu tây chỉ việc lôi từ tủ đông ra. Chuối chín sẵn có (hoặc chuối đông). Chỉ việc cho hoa quả vào máy xay sinh tố, thêm chút chất lỏng – mình dùng sữa dừa homemade (cách làm ở đây – hoặc các bạn có thể dùng nước dừa hay nước ép hoa quả tùy ý).

Chú ý: vì lượng chất lỏng ít nên nhớ chọn chế độ xay Low trong vòng 15-20s, sau đó mới xay High trong vòng 30s (lâu ngắn tùy độ khỏe của máy xay) miễn sao thành phẩm nhuyễn mịn sánh.

Đổ sinh tố ra bát và rắc các loại toppings tùy ý. Toppings có thể là hoa quả, các loại hạt (nuts), các loại ngũ cốc v.v.

Sinh tố dâu chuối ăn sáng - Banana & berry smoothie bowl

Print Recipe
Serves: 400ml Cooking Time: 5min

Ingredients (6 items)

  • 1 cốc dâu đông lạnh (dâu tằm, dâu tây) (khoảng 150gr)
  • 1-2 quả chuối chín (100gr)
  • 1/2 cup sữa dừa (<100ml)
  • TOPPINGS
  • Hạt chia, hạt gai dầu (hemp seeds), hạt hướng dương, hoa quả...

Instructions (3 Steps)

1

Cho dâu và chuối vào máy xay, xay nhuyễn. Sau đó đổ dần sữa vào. Vừa xay vừa gạt thành âu máy. Đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn.

2

Múc ra bát, rắc các loại toppings tùy ý.

3

Nên ăn luôn. Nếu để tủ mát thì được 1-3h. Tuy nhiên dâu rất dễ oxy hóa một khi đã xay.

 

Healthy Food

Pancake đơn giản từ bã ép

Bạn có thấy tiếc phần bã đổ đi sau khi ép không?

Bạn có thích pancake không?

Hì hì, thế thì nên thử món pancake này nhé.

Có rất nhiều cách để sử dụng bã sau khi ép. Mặc dù đã ép đi gần hết phần nước của củ, chỉ còn phần chất xơ không hòa tan, nhưng chắc chắn dù máy ép có xịn đến đâu phần bã đó vẫn còn giữ vị và chút nước của nó. Rất nhiều loại bã sau khi ép vẫn còn sử dụng được gần như nguyên vẹn hương vị.

Mình cũng đã thử nhiều cách để sử dụng bã ép, trong đó có các món bánh.

Đây là một loại đơn giản vô cùng. Vì thực tế pancake là đơn giản (trước mình nghĩ nó phức tạp chi đó). Giống như hồi bé hay thấy mọi người làm bánh bột mỳ ý rán trên chảo ý, thì cơ bản là nó.

Đây là pancake phiên bản ngẫu hứng với bã ép của táo. Nếu bã của cả táo và cà rốt hay bí đỏ chắc chắn đều ok. Mình có làm 2 phiên bản, một với bã táo ép, một với bã táo dứa chanh leo – rất thơm nhé.

Đây là đồ chơi

Applesauce oat pancake

Bã táo ép – 1/2 cup

Bột mỳ hoặc  bột yến mạch – 1 cup (bạn có thể dùng bột mỳ thường hoặc bột mỳ nguyên cám hoặc bột yến mạch, hoặc yến mạch dẹt cũng được luôn)

Trứng 1 quả (hoặc bỏ qua)

Biến thể: optional thêm 1/2 tsp tảo spirulina – just for fun ^^

Trộn đều chúng lên, bắc chảo (chọn loại thật chống dính), thêm xíu dầu hoặc bỏ qua.

Dùng muôi múc bột vào rán lửa nhỏ, đợi khi thấy viền bánh sủi bọt lăn tăn là có thể lật mặt sau.

Nếu có tảo spirulina vào thì bánh có màu xanh sậm và thoáng mùi tảo. Nếu bạn thích ngọt hơn thì thêm ít chuối hoặc mật ong vào hỗn hợp bột. Note thêm: thực ra tỉ lệ này chỉ để vui thôi, chứ khi làm thì các bạn cứ tùy ý, mỗi thứ một ít miễn sao hỗn hợp nó sệt sệt, không quá đặc là được, đặc thì thêm nước hoặc sữa hoặc sốt táo, loãng quá thì thêm bột, thêm yến mạch. Vậy thui.

Đây cũng là một cách dùng bã ép kiểu ‘tranh thủ’ hè hè. Các bạn có thể chơi và nghịch với các nguyên liệu khác, các loại bột superfoods khác hay các loại bã khác tùy thích.

Enjoy juicing!

 

 

 

 

Uncategorized

5 Từ Tiếng Phạn người tập Yoga nên biết

Dù có đang tập, chuẩn bị tập yoga hay không, biết thêm các từ phổ biến nhất trên thế giới của ngôn ngữ Sanskrit – tiếng Phạn – ngôn ngữ cổ đại nhất trong các ngôn ngữ, chắc chắn trông bạn cool hơn nhiều rồi đấy!

Mình vẫn còn nhớ những buổi đầu đi học yoga tại trung tâm, các biểu tượng trên tường, các từ tiếng Phạn cổ kính mà không ngôn ngữ nào dịch ra để truyển tải hết, âm thanh trầm trầm rung động của lớp học nào đó quanh mình (mà sau này mới biết là tiếng ngân Om)…

Chắc chắn khi mới tiếp xúc với Yoga, có nhiều ‘từ khóa’ rất riêng trong ngôn ngữ ở lớp yoga hay cách các yogi sử dụng làm các bạn bối rối.
Mình đã từng rất tò mò, đến giờ vẫn luôn tò mò, về những bí ẩn của Yoga và ý nghĩa rất riêng huyền bí của bộ môn này.

Hôm nay chia sẻ với các bạn 5 từ tiếng Phạn đặc biệt phổ thông trong Yoga practice và kể cả bạn mới tập hay đang có ý định tập yoga thôi cũng nên biết. Với các bạn tập lâu rồi thì chắc chắn quen thuộc với 5 từ này rồi.

1. Namaste

Đây là từ mình rất thích. Giống như mình thấy vui khi biết nói Hello bằng các thứ tiếng khác nhau ý. Nhưng nghĩa tiếng Phạn của Namaste không chỉ là chào, mà có nghĩa là: ánh sáng thiêng liêng trong tôi chào ánh sáng thiêng liêng trong bạn / Tôi cúi chào sự linh thiêng trong bạn.

Tóm lại là – 2 linh hồn linh thiêng của chúng ta đang chào nhau.

Sao một từ mà có ý nghĩa nhiều đến vậy nhỉ? Namaste thường được nói khi kết thúc một buổi tập thay lời chào, để cảm ơn sự hiện diện của cả chúng ta. Cool?

2. Asana

Với mình tất cả những từ có âm ‘a’ ở cuối đều mang lại cảm giác mở rộng, cân bằng. Từ Asana có hẳn 3 âm ‘a’ cơ nên với mình nó như một câu thơ. Trong yoga có 8 nhánh chính, thì asana là một nhánh. Cơ bản Asana có thể hiểu là Tư Thế (pose), đọc nhấn trọng âm ở chữ A đầu tiên. Các tư thế trong yoga đều có tên, và đều kết thúc bởi âm asana này. Nếu như trong tập yoga phổ thông chú trọng đến tư thế (phần cơ thể, thể chất), thì thực tế người tập yoga lâu hơn sẽ chú trọng nhiều đến Pranayama (phần hơi thở, khí).

Mọi Asana dù cơ bản hay nâng cao đều được thiết kế để cơ thể chúng ta trải nghiệm Hơi thở. Tức là không quan trọng mức độ tư thế đó khó hay sâu đến đâu, quan trọng là khả năng chúng ta thở tự do và thoải mái trong tư thế đó.

Trong các Asana thì mình thích cái từ Savasana nhất (đố biết nó là asana gì haha).

3. Om

Là tiếng ngân thường diễn ra trước và sau buổi tập. Om được coi là âm thanh từ thời nguyên thủy, là âm thanh của vũ trụ, âm thanh mà từ đó tất cả các âm thanh khác được hình thành. Om vượt qua mọi từ ngữ và âm thanh ngôn ngữ của con người, là tập hợp các âm thanh của quá khứ, hiện tại và tương lai, và tất cả ba giai đoạn của sự tồn tại (sinh, sống, tử) (theo triết lý Mandukya Upanishad). Chúng ta cũng có thể liên tưởng Om tương đương với ánh sáng trắng – trong ánh sáng trắng ta có thể tìm thấy tất cả các màu sắc của cầu vồng

AAAAUUUUUMMMM. Khi rung âm thanh này cái mình luôn cảm nhận được là sự bình yên tức thì. Biểu tượng Om cũng là biểu tượng toàn cầu của yoga, có trong mọi thiết kế liên quan đến yoga, nói chung là mọi nơi có liên quan đến yoga và người tập còn hay xăm biểu tượng này. Nói về Om chắc phải nói vài trang không hết.

4. Shanti

Shanti – viết như thế nào đọc như vậy. Đơn giản có nghĩa là ‘bình an’. Một số lớp hoặc thầy giáo (thường là người Ấn Độ) sẽ kết thúc lớp với câu ngân ‘Om Shanti Shanti Shanti’. Shanti được lặp lại 3 lần, có ý nghĩa biểu tượng cho sự bình an trong thân, lời nói, và tâm – tức là bình an trong toàn bộ thực thể của mình.
Khi mình ngân Shanti, mình không quan tâm đến khía cạnh tôn giáo hay lịch sử sâu xa của nó, mà cái mình cảm nhận tức thì chính là sự bình yên – sự bình yên khác hoàn toàn mà ví dụ như từ ‘bình an’ hay ‘peace’ không thể.

5. Yoga

Yoga là từ khóa chắc cả thế giới đều biết mất. Trong tiếng Sanskrit ‘yuj’ có nghĩa là sự hợp nhất (với Chúa, với cái tôi, cái ngã, cái thiêng liêng), sự kết hợp thống nhất của cơ thể, tâm trí và tinh thần, và nó có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế nữa (kết nối chúng ta với nhau, với môi trường, và, với sự thật của chúng ta. Mình tập yoga gần 2 năm mới dần dần hiểu từ yoga là cái gì. Nhưng chắc chắn nó là từ sẽ đi với mình đến hết cuộc đời (hơn cả người yêu 😊)

Có từ tiếng Phạn nào các bạn rất ấn tượng không? Comment chia sẻ cùng mình nhé!

Healthy Food/ Juicing for health

Nước ép rau xanh và 8 lợi ích cho sức khỏe

Rau xanh chứa nhiều Chlorophyll

“Chlorophyll” – chất diệp lục là một sắc tố quang hợp màu xanh có nhiều trong thực vật (rau xanh, lá cây). Nó hấp thụ ánh sáng mặt trời và thay đổi nó thành năng lượng hóa học cho cây trồng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phân tử chlorophyll rất giống với hemoglobin (huyết sắc tố) trong máu người – chất mang oxy trong cơ thể người và cơ thể chúng ta có thể chuyển đổi chlorophyll thành hemoglobin giúp bổ sung và làm giàu máu trong cơ thể.

chlorophyll-hemoglobin

8 ợi ích của Chlorophyll với cơ thể

  • Kích thích tái tạo làm tăng số lượng tế bào máu
  • Thanh lọc, kích thích thải độc và giảm bớt các vấn đề về đường máu
  • Giảm viêm, loét dạ dày, cải thiện các vấn đề đường ruột, hệ tiêu hóa
  • Tăng cường hệ miễn dịch và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến hô hấp, hen, xuyễn, xoang
  • Tăng sản xuất, tiết sữa ở phụ nữ đang cho con bú
  • Tiêu mỡ, tăng cường, kích thích cơ thể thải độc
  • Giúp cơ thể nhẹ nhàng, bớt mùi cơ thể.
  • Kháng viêm và tăng cường phục hồi vết thương.

Uống Green Juice để hấp thụ trọn vẹn dinh dưỡng

Ngoài Chlorophyll thì trong rau xanh, củ quả cũng có rất nhiều các vi chất dinh dưỡng, vitamins, enzymes và chất khoáng và cùng kết hợp với nhau để giúp cơ thể cải thiện, chữa trị và hồi phục.

Một thực tế với chế độ ăn uống hàng ngày, liệu bạn có thể ăn được bao nhiêu lượng rau xanh? Sự đa dạng và quan trọng trong cả cách chế biến, khi đun, xào nấu thì phần lớn vitamins, enzymes đã bị phân hủy dưới tác động của nhiệt độ cao.

Vì vậy, ép nước – uống tươi sẽ giúp bạn hấp thụ gần như nguyên chất, các dinh dưỡng, khoáng chất, vitamins, enzymes gần như dưới dạng nguyên bản và dễ dàng. Chỉ mỗi lần ép, bạn có thể hấp thụ dễ dàng từ 1.5kg-2kg rau xanh, củ quả trong chưa đầy 5 phút.

Thử hình dung, chỉ với 100g bó xôi hay 100g mang lại lượng Canxi và sắt cao hơn rất nhiều lần so với 200g thịt bò hay 200ml sữa bò chưa bổ sung lượng vitamins A,C,E,K tự nhiên rất tốt cho cơ thể.

1 điều quan trọng nước ép rau xanh sẽ đưa các chất dinh dưỡng ngấm thẳng vào tế bào máu rất nhanh và ít tiêu hao, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, và trong quá trình đó chlorophyll sẽ giúp đào thải, làm sạch máu, diệt vi khuẩn và thải bỏ các chất độc khỏi cơ thể. Chính vì thế, nước ép rau chính là những liều thuốc bổ thần kì, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh phòng tránh và đẩy lùi bệnh tật và những nguy cơ sức khỏe trong cuộc sống bận rộn ngày nay.

Tips cho người mới bắt đầu ‘Green Juice’

Máy ép

Bạn chỉ cần 1 chiếc máy ép (đừng quan trọng nó là ép nhanh hay ép chậm, nếu bạn có điều kiện để chuẩn bị nguyên liệu, ép và uống ngay thì máy ép nào không quá là vấn đề đâu, hãy sắm 1 chiếc phù hợp với kinh tế và điều điện của mình.)

Lưu ý về nguyên liệu

Bạn chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu cơ bản gồm 1 củ cà rốt, 1 quả táo (Táo xanh thì càng tốt, có thể mua được tại các siêu thị uy tín).

Từ nguyên liệu cơ bản, bạn có thể thêm vào tùy thích các loại rau xanh như bó xôi, cần tây, cải xoăn, súp lơ xanh, mùi(ngò tây), măng tây, các loại rau cải, diếp cá… (Những loại rau gì phù hợp với điều kiện bạn dễ dàng mua/trồng được miễn là nguồn gốc uy tín, đảm bảo an toàn).

Mẹo cho các bạn mix cùng dưa chuột để pha loãng juice cho dễ uống. Ban đầu hãy cứ làm quen và thấy thích với juice của mình làm đã, sau đó khi ‘siêu’ dần thì tăng dần những loại rau, củ kén vị nhưng tác dụng rất tốt như củ dền, cần tây, thâm chí bồ công anh, mướp đắng…

Sơ chế – Ép – Bảo quản

Chuẩn bị rửa nguyên liệu, ngâm với dấm hoặc pha loãng tỉ lệ anolyte để diệt các vi khuẩn. Và nhớ là ép sống, uống tươi nhất có thể, nếu không hãy cho vào lọ, rót đầy đến nắp, bảo quản lạnh tránh ánh sáng và tiếp xúc không khí.

Khi bạn tư duy thực phẩm chính là thuốc thì YOU ARE WHAT YOU EAT!

Vậy đó, mình tin chắc chỉ sau 1 thời gian thôi. Cơ thể bạn chắc chắn thay đổi. Sức khỏe sẽ tốt hơn, da dẻ láng mịn, cải thiện tiêu hóa, kể cả các chỉ số sau khi đi khám sức khỏe lại, men gan, đường huyết, tim mạch…

Happy Juicing!

JUICE RECIPES/ Juicing for health

5 CÔNG THỨC NƯỚC ÉP & 20 LOẠI RAU CỦ NGĂN NGỪA TIỂU ĐƯỜNG

Giơ tay nếu bạn có người thân hay bạn bè tiểu đường! Có không? 

Tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi. Ngày nay độ tuổi mắc tiểu đường type 2 càng ngày càng thấp, bắt gặp nhiều hơn cả ở những người trẻ tuổi. Ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học trong thời gian kéo dài là những yếu tố chính phát triển bệnh tiểu đường tuýp II. Ăn quá nhiều cũng gây ra sự đề kháng insulin. Những người này cần lượng insulin rất lớn để duy trì mức đường trong máu bình thường.

Điều quan trọng ở những người mắc tiểu đường type 2 thường không có triệu chứng rõ rệt trong nhiều năm trước khi được chuẩn đoán. Các triệu chứng thường đính kèm với tiểu đường type 2 là khát thường xuyên, đi tiểu nhiều, hay đói, da khô, ngứa, phát ban, ngứa tay và bàn chân, nặng hơn là giảm thị lực, thận và hoại tử .

Những nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường type 2, ngoài yếu tố gene thì chủ yếu đến từ ăn uống và sinh hoạt:
– Ăn uống không điều độ, ăn liên tục quá nhiều đồ chế biến công nghiệp, nghèo nàn dinh dưỡng.
– Béo phì dẫn đến lượng chất béo trong cơ thể cao, tỉ lệ cholesterol cao, insulin không hoạt động bình thường.
– Chế độ ăn uống kiêng khem không khoa học, ít carbohydrate, chất béo và protein
– Stress, căng thẳng, lo lắng, buồn bã, cảm xúc tiêu cực kéo dài dẫn đến rối loạn mức đường trong máu
– Hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc thụ động

Nhìn chung, dễ hiểu hơn khi cuộc sống hiện đại lại càng nhiều mắc bệnh tiểu đường, không chỉ từ các yếu tố chủ quan lối sống, ăn uống, sinh hoạt mà còn cả từ khách quan do môi trường sống, công việc…
Chúng ta cần có lối sống và thói quen ăn uống sinh hoạt ra sao để giảm nguy cơ mắc phải hoặc cải thiện khi bạn đã mắc bệnh tiểu đường?

1) Tránh xa hoặc hạn chế tối đa:

– Đường tinh luyện
– Bột mỳ hoặc gạo trắng
– Các loại ngũ cốc có Gluten
– Thức ăn đã qua xử lý, đồ ăn nhanh

2) Có thói quen tốt:

– Tập luyện, chơi thể thao
– Ăn uống điều độ, lịch sinh hoạt ổn định

3) Sử dụng những thực phẩm giàu dinh dưỡng:

– Rau củ quả tươi sống
– Thực vật, thực phẩm giàu chất diệp lục (Chlorophyll) như cỏ lúa mỳ, tảo spirulina,
– Tinh dầu thực vật (Đinh hương, trà xanh, oregano, chanh…)

Tạo lập thói quen tốt luôn khó khăn so với những thói quen xấu. Tuy nhiên, phần thưởng cho những nỗ lực chính là cuộc sống và sức khỏe của bạn và những người thân.

Hãy nạp đa dạng những loại rau củ quả sau đây có những đặc tính giúp điều tiết đường huyết và nên có trong chế độ ăn của người tiểu đường:

1) Cà rốt
2) Táo (Đặc biệt là táo xanh tuy nhien tại Việt Nam không phổ biến nhưng cũng có thể tìm thấy trong các siêu thị)
3) Măng tây
4) Bơ
5) Mướp đắng (đây là thực phẩm hàng đầu để giảm đường huyết, nó rất mạnh và ko nên dùng mỗi ngày quá 2 quả, và luôn thường xuyên đo lượng đường huyết sau khi dùng mướp đắng tươi)
6) Dưa chuột
7) Củ hồi (Fennel)
8) Cần tây (Celery – lưu ý là loại bẹ to hay còn gọi là cần tây Mỹ, loại cần tây nhánh nhỏ của ta thì được ít nước và nặng mùi hơn)
9) Cải rổ (Collard greens)
10) Rau mùi ta / Ngò (Cilantro)
11) Cải xoăn (Kale)
12) Đậu bắp
13) Rau chân vịt / Bó xôi (Spinach)
14) Bắp cải tím
15) Cải xoong
16) Cỏ lúa mỳ
17) Bưởi
18) Ổi
19) Khoai Lang
20) Gừng

(Tác dụng của từng loại thực phẩm mình sẽ bổ sung, cập nhật ở những post sau)

Bên cạnh chế độ ăn rau củ tươi sống (Raw) các bạn có thể dùng nước ép để nhanh chóng hấp thụ dưỡng chất hiệu quả từ những loại thực vật kể trên, sau đây Huyền sẽ giới thiệu đến bạn các công thức sau.

CÁC CÔNG THỨC NƯỚC ÉP NGĂN NGỪA TIỂU ĐƯỜNG TYPE II

Công thức 1

3 củ cà rốt + 1 quả táo (Luôn prefer táo xanh là tốt nhất vì lượng đượng thấp) + 1 củ hồi (fennel) + 8 nhánh măng tây + 1 mẩu 1-3cm (dài 1/2 ngón tay) gừng

Công thức 2

1 quả táo xanh + 1 quả mướp đắng + 5 nhánh cần tây + 1 ớt chuông xanh + 1/2 quả chanh

 

Công thức 3

1 quả táo xanh + 6-8 nhánh cần tây + 1 nắm rau bó xôi + 1 nắm rau mùi + 1/4 quả chanh + 1 mẩu gừng (optional)

Công thức 4

1 quả táo + 8-10 cải kale + 1 quả dưa chuột + 1/4 quả chanh

 

 

Công thức 5

1 quả táo + 1/2 bó cải xoong + 1 nắm rau bồ công anh + 1/4 quả chanh


Mình rất hi vọng với những thực phẩm và công thức nước ép trên sẽ giúp các bạn đa dạng chế độ ăn uống không chỉ với những người đang điều trị, mắc bệnh tiểu đường type 2 mà cả với những người bình thường, với chế độ ăn uống khoa học, khỏe mạnh và điều độ sẽ giúp các bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh (không chỉ tiểu đường, suy gan, tiêu hóa, thâm chí cả ung thư) đi rất nhiều.

Thay đổi thói quen, cuộc sống của bạn thay đổi. Khi suy nghĩ và những thói quen tốt đã được hình thành thì hệ quả là 1 cuộc sống tích cực, cơ thể nhiều năng lượng, tâm trí luôn vui vẻ, khoáng đạt. Điều này luôn đúng!

Các bạn đồng ý với Huyền không?

Các mistakes thường có trong juicing để tránh lỗi các bạn có thể đọc thêm.
Ngoài ra các bạn cũng nên uống nhiều green juice, các công thức đã có trên blog: http://www.juicylife.vn/?s=green+juice